Nhỏ Bình thường Lớn

Chuyên gia: Mỹ có thể lấp đầy ‘khoảng trống công nghệ’ tại Ấn Độ do Trung Quốc tạo ra

TGVN. Giới phân tích cho rằng, lệnh cấm của Ấn Độ tới các công ty công nghệ Trung Quốc giữa những cáo buộc về đại dich Covid-19 và nhất là kể từ sau vụ đụng độ biên giới giữa hai nước đã tạo cơ hội cho các công ty Mỹ lấp đầy chỗ trống.
TIN LIÊN QUAN
Lý do thực sự đằng sau việc Ấn Độ cấm ứng dụng công nghệ Trung Quốc
Kiên quyết đối đầu, Ấn Độ điều 12 tàu giám sát công suất lớn đến hồ Pangong giáp Trung Quốc
chuyen gia my co the lap day khoang trong cong nghe tai an do do trung quoc tao ra
Ấn Độ thông báo tiếp tục mở rộng lệnh cấm với 47 ứng dụng Trung Quốc, không lâu sau thông báo chặn 59 ứng dụng khác như TikTok, Wechat.. (Nguồn: EPA-EFE)

Ngày 13/7 vừa qua, Google tuyên bố thành lập quỹ đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật số của Ấn Độ trong vòng 5-7 năm tới với giá trị lên đến 10 tỷ USD. Chỉ hai ngày sau đó, “gã khổng lồ” công nghệ này đã tiết lộ thương vụ hợp tác đầu tiên với công ty viễn thông Jio Platforms trị giá 4,5 tỷ USD. Động thái này của Google diễn ra chưa đầy 4 tháng sau khi Facebook tuyên bố sẽ rót 5,7 tỷ USD vào Jio Platforms.

Quỹ đầu tư của Google đã được chứng thực công khai bởi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ravi Shankar Prasad, sau khi nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới có các động thái hạn chế vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc nhằm ngăn chặn “các thương vụ thâu tóm mang màu sắc cơ hội” trong giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19.

Theo công ty nghiên cứu Gateway House, trong vòng 5 năm qua, các nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc đã rót khoảng 4 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ, trong khi mức đầu tư tích lũy trong năm 2016 chỉ dưới 1 tỷ USD.

Giới phân tích cho rằng, các nhà đầu tư Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến việc rót vốn chủ sở hữu vào các lĩnh vực đang tăng trưởng vượt bậc ở thị trường 1,4 tỷ dân như thương mại điện tử, giao hàng theo yêu cầu, ứng dụng đặt xe và các công ty game di động.

Theo đó, Tập đoàn Alibaba đã đầu tư vào công ty thương mại điện tử Ấn Độ Snapdeal, ví điện tử Paytm và nền tảng giao hàng thực phẩm Zomato, trong khi Tencent Holdings hỗ trợ phần mềm chat Hike và ứng dụng đặt xe Ola của Ấn Độ.

Dev Lewis, thành viên của Viện Nghiên cứu Digital Asia Hub có trụ sở tại Hong Kong nhận định, chính sách FDI mới của Ấn Độ đã buộc các nhà đầu tư Trung Quốc phải thay đổi chiến lược và tầm nhìn tại đất nước sông Hằng. “Tôi cho rằng, các nhà đầu lớn từ Trung Quốc như Alibaba và Tencent không có lý do cũng như không phải chịu áp lực lớn để bán đi thị phần. Tuy vậy, hai ông lớn công nghệ này sẽ tạm ngưng các khoản đầu tư trong tương lai”, Lewis nói. Ông cũng dự đoán, một số nhà đầu tư Trung Quốc với thị phần nhỏ hơn đang chuẩn bị rút ra khỏi các công ty khởi nghiệp Ấn Độ trong các tháng tới.

Bên cạnh đầu tư, các công ty công nghệ Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một thách thức lớn sau khi New Delhi ban lệnh cấm 59 ứng dụng di động "Made in China" và người dân Ấn Độ tiến hành các chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc nhằm đáp trả cuộc đụng độ biên giới giữa hai nước vào tháng trước.

Môi trường chính sách ngày càng khắc nghiệt đã khiến cho việc kinh doanh của các công ty công nghệ Trung Quốc ở Ấn Độ trở nên khó khăn hơn. Báo cáo của hãng Reuters cho thấy, sau lệnh cấm của Ấn Độ, UC Web - công ty con của Alibaba đã lên kế hoạch cắt giảm nhân sự ở Ấn Độ. Về phần mình, ByteDance - nhà điều hành ứng dụng TikTok bị Chính phủ Ấn Độ yêu cầu trả lời 77 câu hỏi liên quan đến các vấn đề như kiểm duyệt nội dung, làm việc thay mặt cho Chính phủ hay gây ảnh hưởng tới việc vận động hành lang.

Lệnh hạn chế FDI mới của Ấn Độ đã dấy lên các lo ngại rằng, việc Trung Quốc giảm đầu tư tại Ấn Độ có thể tạo ra các khoảng trống trên lĩnh vực công nghệ tại xứ sở sắc màu, do New Delhi đang phụ thuộc lớn vào các quỹ đầu tư của Bắc Kinh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cam kết gần đây của các công ty Mỹ tới nền kinh tế kĩ thuật số của Ấn Độ cho thấy, Washington đã sẵn sàng và tự nguyện “lấp đầy khoảng trống mới”. Trong đó, các khoản đầu tư gần đây của Google và Facebook vào Jio Platforms chỉ là hai ví dụ về xu hướng mở rộng tất yếu của các công ty Mỹ vào thị trường Ấn Độ.

Vào tháng 1 vừa qua, Chủ tịch Amazon Jeff Bezos tuyên bố, Amazon sẽ đầu tư 1 tỷ USD để đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ấn Độ vào các nền tảng trực tuyến của Amazon. Đây được coi là động thái gây ra phản ứng dữ dội từ các chủ cửa hàng Trung Quốc vì ngại cuộc cạnh tranh hạ giá trực tuyến sẽ loại bỏ họ khỏi công việc kinh doanh tại Ấn Độ.

Trong khi đó, Apple cũng tiết lộ kế hoạch đẩy mạnh sản xuất địa phương ở Ấn Độ sau khi đối tác sản xuất chính là Foxconn cam kết, trong tháng này sẽ chi 1 tỷ USD để mở rộng nhà máy tại Ấn Độ. Tuần trước, gã khổng lồ bán lẻ Walmart – cổ đông lớn của công ty thương mại điện tử Ấn Độ Flipkart Group, được báo cáo là đã rót thêm 1,2 tỷ USD vào đây.

Một số nhà phân tích không cảm thấy ngạc nhiên về việc các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ trở nên cảnh giác với công nghệ Trung Quốc và bị hấp dẫn bởi các công ty Mỹ. “Phía Trung Quốc cho rằng, chắc chắn Ấn Độ sẽ xích về phía Mỹ”, ông Lewis nói.

Ông Lewis nói thêm: “Khi bạn nhìn lại vài tháng vừa qua, rõ ràng rằng hệ sinh thái công nghệ của Ấn Độ là một đối tác tự nhiên với Mỹ và cho dù Trung Quốc có đầu tư bao nhiêu tiền đi chăng nữa cũng chẳng thể thay đổi sự thật đó”.

Ngày 28/7, Ấn Độ thông báo tiếp tục mở rộng lệnh cấm với 47 ứng dụng Trung Quốc, không lâu sau thông báo chặn 59 ứng dụng khác như TikTok, Wechat. “Chúng tôi đã chặn thêm 47 ứng dụng điện thoại khác của Trung Quốc trong chiến dịch nhằm thể hiện sự nghiêm túc của Chính phủ về bảo mật và an ninh dữ liệu”, AFP dẫn lời quan chức Ấn Độ giấu tên ngày 27/7.

Ấn Độ-Trung Quốc nhất trí tiếp tục xoa dịu căng thẳng ở biên giới

Ấn Độ-Trung Quốc nhất trí tiếp tục xoa dịu căng thẳng ở biên giới

TGVN. Các quan chức thuộc Cơ chế làm việc, tham vấn và phối hợp về vấn đề biên giới Ấn Độ-Trung Quốc (WMCC) ngày 10/7 đã ...

Ấn Độ khó 'đoạn tuyệt' với Trung Quốc

Ấn Độ khó 'đoạn tuyệt' với Trung Quốc

TGVN. Sau cuộc đụng độ biên giới, làn sóng tẩy chay các mặt hàng Trung Quốc tại Ấn Độ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ...

Đối đầu Trung Quốc-Ấn Độ: Thương mại 5G và ô tô là đối tượng 'dính đòn' tiếp theo

Đối đầu Trung Quốc-Ấn Độ: Thương mại 5G và ô tô là đối tượng 'dính đòn' tiếp theo

TGVN. Huawei và các thỏa thuận đầu tư vào nhà máy oto đang bị cuốn vào cuộc đối đầu Trung Quốc-Ấn Độ khi các biện ...

Hoàng Mỹ (theo SCMP)