📞

Chuyên gia Mỹ dự báo: Triều Tiên sẽ có chính sách gì sau bầu cử Mỹ ?

LÊ VY 19:30 | 01/10/2020
TGVN. Học giả Mỹ Marcus Noland, một chuyên gia về kinh tế chính trị, phân tích trên trang mạng nghiên cứu East West Center về khả năng Triều Tiên đẩy mạnh chính sách "bên miệng hố chiến tranh" trong quan hệ với Mỹ.

Sau vụ việc một quan chức chính phủ Hàn Quốc bị quân đội Triều Tiên giết hại gần biên giới trên biển giữa hai nước, có nhiều dự đoán Triều Tiên sẽ thực hiện các hành động khiêu khích ở mức độ vừa phải trước thềm cuộc bầu cử Mỹ.

Học giả Marcus Noland cho rằng cần phải xem là liệu mức độ của các vụ khiêu khích có tăng lên sau khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức vào tháng Giêng năm 2021 hay không.

Ảnh hưởng đa chiều từ đại dịch Covid-19

Trong 9 tháng qua, dịch Covid-19 dường như đã thực hiện được điều mà các biện pháp trừng phạt kinh tế không thể làm được, đó là cô lập Triều Tiên với phần còn lại của thế giới.

Ngày 21/1, Triều Tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc, bất chấp việc Trung Quốc chiếm 90% thương mại của Triều Tiên và là nguồn đầu tư và du lịch chính của nước này.

Một nhân viên y tế Triều Tiên đo nhiệt độ cho bệnh nhân trước khi vào khám tại một bệnh viện ở Bình Nhưỡng. (Nguồn: NST)

Giá thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đã tăng mạnh và có sự chênh lệnh giữa các vùng miền. Tình trạng thiếu hóa chất, phân bón và nhiên liệu đã ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp, vốn càng trở nên tồi tệ hơn do tác động của lũ lụt và bão.

Vào giữa tháng Tư, Triều Tiên công bố lệnh cấm sử dụng ngoại hối cho các giao dịch trong nước, đồng thời thông báo phát hành trái phiếu chính phủ lớn, lần đầu tiên trong 17 năm. Nhưng đây không chỉ là một đợt phát hành trái phiếu thông thường: việc mua trái phiếu được mô tả như một “nghĩa vụ yêu nước”.

Quan hệ Mỹ-Triều và ngoại giao ‘tung hỏa mù”

Tuy nhiên, tình trạng khó khăn đã không buộc Triều Tiên đầu hàng về vấn đề hạt nhân hoặc thậm chí quay trở lại bàn đàm phán.

Về quan hệ Mỹ-Triều Tiên, đối với Mỹ, phi hạt nhân hóa là mục tiêu chính, nhưng không có thỏa thuận quốc tế nào xác định ý nghĩa của điều đó là gì.

Triều Tiên tin rằng họ đã tỏ ra cứng rắn trong Thượng đỉnh Hà Nội vào tháng 2/2019, khi Tổng thống Trump đột ngột bước ra ngoài và không ai thực sự biết họ muốn gì để đối lấy chương trình vũ khí hạt nhân.

Giữa Mỹ và Triều Tiên, chính sách ngoại giao khó có thể xác định chính xác. Lập luận chính sách của Chính quyền Tổng thống Trump rất thất thường, khi thì tiếp cận cứng rắn, gây áp lực tối đa và đôi khi quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tỏ ra hòa hoãn.

Trong khi đó, Trung Quốc và Hàn Quốc lo sợ sự bất ổn hơn là vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và vì vậy sẽ không để Triều Tiên bị dồn vào chân tường. Tuy vậy, Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in muốn tiến tới can dự sâu hơn với Triều Tiên nhưng bị Mỹ phản đối.

Chiến thuật khó tránh

Theo Marcus Noland, chính sách bên miệng hố chiến tranh của Triều Tiên có thể leo thang sau bầu cử Mỹ.

Trước cuộc bầu cử Mỹ, Triều Tiên có khả năng sẽ tiến hành các hành động khiêu khích như thử tên lửa tầm ngắn hay xâm nhập Khu phi quân sự chia cắt hai miền, những hành động sẽ làm tăng căng thẳng, nhưng không có việc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc vũ khí hạt nhân.

Việc sát hại một quan chức Hàn Quốc mới đây cũng có thể nằm trong kế hoạch khiêu khích của Triều Tiên. Tuy nhiên, mức độ khiêu khích có thể tăng lên đáng kể sau khi chính quyền mới ở Mỹ nhậm chức vào tháng Giêng năm 2021.

Nếu Tổng thống Donald Trump tái cử, ít có khả năng môi trường ngoại giao sẽ thay đổi và Triều Tiên sẽ gia tăng sức ép để phá vỡ thế bế tắc.

Nếu ông Joe Biden đắc cử, tình hình sẽ phức tạp hơn. Chính quyền của ông Biden sắp tới sẽ cần phải đánh giá lại chính sách để tạo sự đồng thuận trong Chính phủ Mỹ về cách tiếp cận mới.

Tuy nhiên, chương trình nghị sự chính trị và ngoại giao mà chính quyền mới phải đối mặt sẽ rất khó khăn và Triều Tiên chưa chắc sẽ tiếp tục nằm trong các ưu tiên.

Rất có thể Triều Tiên sẽ mất kiên nhẫn và có hành động khiêu khích mạnh hơn, chẳng hạn như thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay hạt nhân để thu hút sự chú ý của chính quyền Biden, giống như họ từng làm đối với Chính quyền của Tổng thống Obama năm 2009.

Nếu vậy, hành động khiêu khích đó khả năng diễn ra trước khi chính quyền mới ở Mỹ hoàn tất việc xem xét chính sách và đưa ra một chiến lược chặt chẽ hơn. Do đó, khả năng những tháng đầu tiên của năm 2021 sẽ cực kỳ nguy hiểm.