📞

Chuyên gia New Zealand đánh giá thế giới 2022: Một trật tự mới đang định hình, lộn xộn, phức tạp và nhiều 'bẫy'

Vy Anh 18:53 | 13/12/2022
Những thay đổi về mặt cấu trúc trong các vấn đề thế giới vẫn đang tiếp diễn khi năm 2022 sắp kết thúc. Trật tự mới chưa được định hình cụ thể, nhưng vẫn có thể thấy rõ một số đặc điểm.
Nhà ngoại giao kỳ cựu New Zealand Ian Hill đã có bài viết đánh giá về cục diện thế giới trong năm 2022. (Nguồn: mgimo.ru)

Một trật tự đang định hình đầy phức tạp

Trang mạng của Viện Nghiên cứu Lowy ngày 13/12 đã đăng bài viết của nhà ngoại giao kỳ cựu New Zealand, Đại sứ Ian Hill đánh giá về những thay đổi cục diện thế giới trong năm qua.

Theo nhà ngoại giao Ian Hill, những thay đổi về mặt cấu trúc trong các vấn đề thế giới vẫn đang tiếp diễn khi năm 2022 sắp kết thúc. Xung đột Nga - Ukraine đã đưa thế giới bước vào một kỷ nguyên phức tạp hơn. Trật tự mới này chưa được định hình cụ thể, nhưng vẫn có thể thấy rõ một số đặc điểm.

Các đặc điểm chính của nó có liên quan với nhau và tác động qua lại. Do đó, chúng không thể được xem xét hoặc giải quyết một cách riêng rẽ. Ông Ian Hill đồng tình với một chuyên gia khi mô tả đó là sự "đa khủng hoảng".

Nhà ngoại giao kỳ cựu của New Zealand nhận định chúng ta đang trải qua một môi trường quốc tế phức tạp hơn, đầy cạnh tranh và khó lường hơn. Câu chuyện tổng thể ở đây là sự chuyển dịch dần dần dù không đồng đều của quyền lực kinh tế chính trị toàn cầu từ châu Âu-Đại Tây Dương sang các cường quốc mới nổi.

Theo ông Ian Hill, khi cạnh tranh gia tăng giữa các cường quốc, năng lượng, thực phẩm, di cư và dữ liệu... đều có thể bị "vũ khí hóa". Hiện có sự cạnh tranh lớn hơn trong tiếp cận toàn cầu cho dù trên biển hay trong không gian.

Ông Ian Hill cho rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng - cho dù trong lĩnh vực chính trị, an ninh hay kinh tế. Một số người mô tả cuộc cạnh tranh này giống như "bẫy Thucydides", theo đó Mỹ là cường quốc lâu đời đang đối phó lại sự trỗi dậy của cường quốc mới nổi Trung Quốc.

Tam giác Mỹ-Trung-Nga sẽ tiếp tục hiện diện và đóng vai trò quan trọng trong cục diện thế giới nhiều năm tới. (Nguồn: smh.com.au)

"Sự đa cực lộn xộn"

Hơn nữa, chúng ta cũng đang chứng kiến sự xuất hiện của cái mà Đại diện cấp cao chuyên về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell gọi là "sự đa cực lộn xộn", trong đó các cường quốc cấp hai, chẳng hạn như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Brazil, đang cạnh tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia, gây ảnh hưởng và đạt được lợi thế trong môi trường toàn cầu linh hoạt và cạnh tranh hơn này.

Theo quan điểm của nhà ngoại giao kỳ cựu New Zealand, các nước đang phát triển thường muốn tránh bị lôi kéo vào việc chọn bên trong cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng giữa các cường quốc.

Tuy nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên khi những nước nhỏ cũng muốn tận dụng cuộc cạnh tranh để tạo lợi thế cho riêng mình (bao gồm cả các quốc đảo Thái Bình Dương trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc). Các quốc đảo lo lắng vì cấu trúc toàn cầu hiện tại không mang lại lợi ích cho họ đặc biệt là về biến đổi khí hậu.

Đồng thời, ông Ian Hill chỉ ra rằng sự tổn thương của nền kinh tế toàn cầu đang ngày một rõ ràng hơn. Lạm phát cao quay trở lại và lan rộng do xung đột Nga - Ukraine (giá cả lương thực, năng lượng tăng đột biến). Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này đặc biệt gây tổn hại cho các nước đang phát triển, suy thoái kinh tế toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ, châu Âu và Trung Quốc vào năm 2023.

Nhà ngoại giao New Zealand nhận định thế giới đang hướng tới sự “chia tách toàn cầu” - theo đó tìm cách xóa bỏ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế do những lo ngại về địa chính trị và đại dịch. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã chuyển sang giai đoạn quan trọng. Các tác động ngày càng tăng của biến đối khí hậu đang làm trầm trọng thêm sự đứt gẫy toàn cầu.

Ông Ian Hill đồng thời cũng cảnh báo các thể chế và quy trình quản trị toàn cầu đang có dấu hiệu bị suy yếu. Trong khi đó, cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc gia tăng đồng nghĩa với căng thẳng và bất ổn gia tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cùng với khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu và sự gián đoạn liên tục phát sinh từ xung đột Nga - Ukraine, điều này ảnh hưởng đến an ninh và sự thịnh vượng của các quốc gia nhỏ.

Hơn nữa, sự đối đầu giữa các nước lớn sẽ càng làm giảm triển vọng hợp tác đa phương hiệu quả trong các vấn đề toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tiêu cực đến các nước Thái Bình Dương. Cuối cùng, nhà ngoại giao Ian Hill cho rằng trong một môi trường địa chính trị mang tính đối đầu hơn, các nước nhỏ sẽ càng khó khăn hơn trong việc quản lý mối quan hệ với các cường quốc. Họ sẽ đối mặt với áp lực phải chọn bên: có thể cần phải đưa ra các lựa chọn và một số thỏa hiệp khó xử.

Đây không phải là một vấn đề nan giải mới đối với các nước nhỏ. Việc bảo vệ các lợi ích sống còn của họ sẽ đòi hỏi sự cân bằng thận trọng: trung thành với các nguyên tắc và giá trị được tôn trọng đồng thời thích ứng với các thực tế chiến lược đang thay đổi.