Chuyên gia Lê Quốc Vinh cho rằng, thanh lọc mạng xã hội phải bắt đầu từ con người. (Ảnh: NVCC) |
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố loạt sai phạm của TikTok tại Việt Nam, dư luận bất ngờ bởi nhiều nội dung độc hại liên quan đến trẻ em. Là một chuyên gia truyền thông, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc đề cao văn hóa mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay?
Văn hóa mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận từ lâu chứ không phải đến khi kiểm tra và tìm ra được thông tin cần điều chỉnh trên TikTok. Thực tế, câu chuyện này nằm trên tất cả mạng xã hội và TikTok chỉ là một trong những đối tượng được đưa ra để kiểm tra. Không ai dám nói rằng, văn hóa trên Facebook là tốt đẹp.
Cụ thể, những lùm xùm, ồn ào liên quan phim Đất rừng phương Nam đang diễn ra cho thấy sự tàn bạo, vô lý và những con mắt "ác cảm" của mạng xã hội đang ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta.
Đương nhiên, văn hóa mạng xã hội cũng giống như cuộc sống thực. Cuộc sống thực diễn ra như thế nào thì trên mạng xã hội cũng diễn ra như thế, chỉ có điều mạng xã hội tác động sâu hơn đời thực.
Những ứng xử không hợp lý, gây ảnh hưởng xã hội trên không gian mạng lớn hơn nhiều so với cuộc sống thực. Cho nên, việc điều chỉnh văn hóa ứng xử một cách tử tế trên mạng xã hội là điều cần thiết, quan trọng và nhất định phải làm.
Trong bối cảnh Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch bàn chuyện chấn hưng văn hóa, nhiều người cho rằng, việc đầu tiên là chấn hưng văn hóa mạng. Quan điểm của ông?
Tất nhiên, câu chuyện chấn hưng văn hóa trên mạng xã hội là điều cần thiết. Theo tôi, điều đó phải làm, rất cần nhưng khó.
Còn câu chuyện chấn hưng văn hóa cần phải bàn một cách thấu đáo hơn. Cần phải hiểu khái niệm chấn hưng văn hóa là gì? Chấn hưng văn hóa không phải đi xây dựng công trình văn hóa, mà đó chính là cách ứng xử của con người, cách đối nhân xử thế, các thế giới quan, nhân sinh quan của con người.
Đồng thời, điều chỉnh không phải bằng tiền mà bằng nỗ lực của toàn xã hội, của con người và phải được đưa vào các nền tảng giáo dục từ ghế nhà trường. Khi có giáo dục đúng đắn, đầy đủ, tự khắc chúng ta sẽ tạo ra sản phẩm văn hóa phù hợp.
Theo ông, rào cản trong việc “thanh lọc” không gian văn hóa mạng nói chung và TikTok nói riêng là gì?
Nó nằm ở con người - chính người sử dụng các mạng xã hội. Các nhà đầu tư, các nhà sở hữu mạng xã hội cũng có trách nhiệm giống như “cảnh sát” theo dõi, phát hiện những hành vi lệch chuẩn, sản phẩm độc hại để có giải pháp triệt tiêu. Tuy nhiên, cũng không thể đổ hết trách nhiệm cho họ, bởi họ ngăn chặn làm sao nếu như chính người dùng như chúng ta đang vô tư “xả rác” lên không gian mạng?
"Chúng ta phải biết lên án, lờ đi, quên đi và không tương tác với những người đang làm bẩn mạng xã hội. Nếu có sự cố gì, chưa rõ trắng đen, mình cũng lao vào chửi bới tàn bạo người khác ở trên mạng vì cho rằng thế giới ảo là vô danh thì đó sẽ là những tia lửa nhỏ góp phần làm ô nhiễm mạng xã hội thêm trầm trọng". |
Thực tế, chính người dùng không ý thức được mỗi thứ họ viết ra trên mạng có tác động độc hại. Không thể nói, chỉ người bị xã hội lên án, hay người tạo ra những sản phẩm độc hại bị đưa lên mặt báo mới có trách nhiệm. Theo tôi, mỗi người dùng đều có trách nhiệm đó.
Một khi chia sẻ những sản phẩm mang giá trị độc hại lên tường của mình hay share trên các hội nhóm chính là góp phần “đổ rác” lên mạng xã hội. Ai cũng nghĩ mình vô can nhưng không phải, tất cả mọi người đều là một phần để tạo ra xã hội mạng đó.
Người sử dụng mạng xã hội cần phải điều chỉnh đầu tiên. (Ảnh minh họa) |
Vậy việc thanh lọc không gian mạng cần thiết thế nào? Cần hoàn thiện chính sách để quản lý ra sao, thưa ông?
Thứ nhất là con người, do mỗi người dùng. Nếu mỗi người đều không có ý thức phải tự dọn sạch rác của nhà mình, thì vấn đề này sẽ không xử lý được. Còn các chế tài, chính sách của Nhà nước chỉ là một phần.
Ví dụ, giống như ở nhà, nếu đưa ra quy định nếu đổ rác ra nhà hàng xóm hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền sẽ mang tính răn đe. Nhưng người ta vẫn đổ, bởi họ cho rằng vứt rác ra nhưng không bị phát hiện thì vẫn vứt.
Văn hóa sử dụng mạng xã hội cũng vậy. Vấn đề ở chỗ, thường chúng ta nghĩ đây là vai trò của Nhà nước, của các nhà mạng, còn người dùng không có can hệ, trách nhiệm gì là không đúng. Thực tế, người dùng mới có trách nhiệm lớn nhất.
Xả rác ra là lỗi của chúng ta chứ đâu phải do chính quyền không dọn? Tất nhiên cũng có vai trò của chính quyền, nói đúng hơn, chính quyền vẫn cần phải có chế tài, điều kiện và xử phạt rất nặng những người làm ô nhiễm, "băng hoại" mạng xã hội. Nhưng đó chỉ là một phần, cần nhấn mạnh rõ con người sử dụng mạng xã hội phải được giáo dục.
Đồng thời, chúng ta phải biết lên án, lờ đi, quên đi và không tương tác với những người đang làm bẩn mạng xã hội. Nếu bây giờ có sự cố gì, chưa rõ trắng đen, mình cũng lao vào chửi bới tàn bạo người khác ở trên mạng vì cho rằng thế giới ảo là vô danh thì đó sẽ là những tia lửa nhỏ góp phần làm ô nhiễm mạng xã hội thêm trầm trọng.
Phải có biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dùng cũng như xử lý các nhà cung cấp nền tảng thiếu trách nhiệm ra sao?
Nói ngược lại, việc Nhà nước đưa ra các chính sách, chế tài và yêu cầu các nhà mạng thường xuyên kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm độc hại là một phần nhưng quan trọng hơn cả vẫn là đầu tư vào con người. Tôi muốn nhấn mạnh, người sử dụng mạng xã hội mới cần phải điều chỉnh. Nếu chỉ dựa vào chính sách của Nhà nước và xử phạt các nhà mạng sẽ không bao giờ giải quyết được tận gốc vấn đề.
Xin cảm ơn ông!
Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính tới tháng 6/2023, tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam đạt 78,59%, vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023 (76%)…; số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam năm 2022 là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hằng ngày lên tới 94%. |
| Cần tạo 'đề kháng' cho người dùng trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân Chính tình trạng để lộ dữ liệu cá nhân và sự gia tăng các hành vi lừa đảo trực tuyến đã đặt ra nhu cầu ... |
| Trung thu cho trẻ con, Trung thu cho người lớn Có lẽ, Tết Trung thu là thời điểm mà cả người lớn lẫn trẻ con đều mong chờ trong năm. Từ ngàn xưa, Trung thu ... |
| Bình đẳng giới không phải là điều gì cũng tạo điều kiện cho phụ nữ thể hiện Bình đẳng giới không nhất thiết điều gì đàn ông làm được thì cũng tạo điều kiện cho phụ nữ thể hiện, cũng không phải ... |
| Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Một số nội dung sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 28/11 là một sự kiện chính trị quan trọng, có ... |