Chuyến đi của chúng tôi diễn ra hơi gấp gáp dù câu chuyện khó khăn của nhân vật chính trong câu chuyện này – cô giáo Phạm Thị Tư - đã diễn ra trong thời gian dài. Một buổi chiều đầu tháng Ba, cậu bạn Phạm Quỳnh Sơn, Giám đốc một công ty nhỏ tại Hà Nội gọi tôi với giọng trầm buồn: “Cuối tuần này tôi về thăm cô giáo cũ. Cậu có rảnh thì đi cùng tôi nhé!”. Chuyến đi đến thật bất ngờ như vậy và câu chuyện tiếp theo đó về cô giáo Tư khiến tôi không thể không viết bài này.
Từ Hà Nội, chúng tôi đi theo cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ về Bái Đính rồi từ đó đi Nho Quan. Con đường từ Bái Đính đến thôn Hội Tiến 1, xã Quỳnh Lưu khá nhỏ và gồ ghề - dấu ấn của những chuyến xe tải trĩu nặng để lại. Cả chuyến đi, Phạm Quỳnh Sơn không nói gì, trái với sự hoạt bát, nỏ mồm thường ngày của cậu. Ánh mắt cậu bạn thả vô định vào những khóm chuối bên đường, lá bị gió táp tơi tả.
Dưới sự hướng dẫn của Sơn, đoàn xe của chúng tôi từ từ tiến vào xóm nhỏ. Từ xa, tôi nhận ra đích đến hôm nay chính là một ngôi nhà liêu xiêu theo phong cách được xây dựng những năm 1980 của thế kỷ trước. Chiếc cổng nhỏ yếu ớt dường như đang cố giữ căn nhà cấp bốn một cách gượng gạo. Đó chính là nhà của cô giáo Phạm Thị Tư, năm nay đã bước sang tuổi 77.
Đoàn từ thiện đến thăm và tặng quà cô giáo Phạm Thị Tư. (Ảnh: MH) |
Phẩm hạnh đáng quý
Ngày thường, nhà cô giáo Tư khá vắng vẻ - chỉ có cô và đứa cháu hàng xóm hay gửi nhờ.
Hôm nay lại chợt đông vui bởi “nhà có khách”. Khách của cô giáo Tư về thăm là của cậu học trò nhỏ Phạm Quỳnh Sơn cùng đoàn thanh niên trong Công ty. Biết tin, bà con chòm xóm và các bà, các chị thuộc Hội người cao tuổi và Ban Công tác Mặt trận thôn Hội Tiến 1 cũng sang chơi. Nhà vui như Tết.
Bên chén trà pha vội và giữa tiếng trò chuyện xôn xao của mọi người, ấn tượng của tôi về cô giáo Tư là sự khắc khổ, hiền hậu và cam chịu hiếm thấy. Dù đã gần chạm đến tuổi 80 nhưng đôi mắt của một giáo viên yêu nghề, dạy giỏi một thời ấy chẳng thể lẫn đi đâu được. Dù cuộc sống hiện tại quá khó khăn, chưa biết ngày mai sẽ ra sao, trong một ngôi nhà dột dát có thể vừa nằm vừa ngắm trời xanh… nhưng sự sạch sẽ của ngôi nhà, sự thanh bạch của gia chủ lại khiến ngôi nhà dường như mang một dáng vẻ sang trọng theo một nghĩa riêng của nó.
Nhỏ nhẹ, ân cần mời mọi người uống trà, cô giáo Tư dành ánh mắt trìu mến cho cậu học trò nhỏ Phạm Quỳnh Sơn năm nào, giờ đã trưởng thành. Anh hào hứng khoe với cô những thành tích mà mình đã phấn đấu trong những năm qua.
Dù có thể với nhiều người khác, việc mang lại công ăn việc làm cho cả trăm công nhân có thể là nhỏ bé, nhưng với Sơn, điều đó mang lại hạnh phúc lớn lao khi anh đã nỗ lực răn mình làm theo những phẩm hạnh mà anh được gia đình dạy dỗ và từ cô giáo mà anh vô cùng kính trọng.
Có thể nói, lòng nhân hậu của cô Tư đã chắp cánh cho những hoạt động từ thiện thường xuyên của Công ty của cậu học trò năm nào, từ việc chăm lo chu đáo cho đời sống của cán bộ, nhân viên đến những trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, hay cả những bữa cơm giúp các bệnh nhân nghèo ấm bụng nơi bệnh viện.
Cô Tư bảo: “Những ngày họp lớp, được mời đến trường, cô thường nghe các thầy cô chia sẻ về các học trò của trường. Mỗi câu chuyện đều mang lại niềm vui khi những học trò năm nào đều luôn nỗ lực vươn lên, có những người thành đạt trong công việc Nhà nước, có những người thành công trong phát triển kinh tế tư nhân, có những người sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Cô tự hào và mừng lắm!”.
Câu chuyện chợt lắng xuống với cuộc điện thoại từ một người anh của cô - cùng làm trong ngành giáo dục: “Tư à, khó khăn sao không nói gì với anh?” – “Xin anh đừng trách em! Nếu em may bộ quần mới, em sẽ nói anh, nhưng đằng này là chuyện gia đình, em sao cất lời cho đặng?”. Ánh mắt cô rưng rưng. Những ai từng biết đến cô giáo Tư sẽ hiểu, cô nói vậy thôi chứ chẳng khi nào cô nói với người khác khó khăn của mình, khi cô cảm thấy còn có thể tự xoay xở được.
36 năm làm nghề “đưa đò”, cô đã sống một cuộc đời khiến bà con chòm xóm, các phụ huynh và bao thế hệ học trò nể trọng. Đến hôm nay, khi tuổi cao, sức yếu và hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cô mới chấp nhận nhận tấm lòng từ mọi người.
Lặng lẽ, đặt vào tay cô món quà gần 30 triệu đồng, món quà mà Phạm Quỳnh Sơn tham gia một chút, đồng thời kêu gọi các tấm lòng hảo tâm của cán bộ nhân viên trong công ty và bạn bè gần xa gửi tặng, cả học trò Phạm Quỳnh Sơn và cô Tư đều không cầm được nước mắt. Mọi người lặng đi, rưng rưng.
Cô Tư thổn thức: “Cô cảm ơn tấm lòng của mọi người. Trước khó khăn thế nào cô đều vượt qua được, nhưng giờ cô bằng lòng, chỉ mong sao giữ được mạng sống cho con trai, để cháu trai cô, không bị mồ côi bố sớm như bố nó đã mồ côi cha. Giờ cô không còn sức khỏe như xưa để vượt quá khó khăn này, vì vậy, cô cảm ơn mọi sự giúp đỡ của mọi người”.
Cô giáo và con trai cảm động nhận món quà của mọi người. (Ảnh: B Sơn) |
Nỗi vất vả một đời
Qua câu chuyện thủ thỉ của những người phụ nữ cùng lối xóm, cuộc đời cô giáo Phạm Thị Tư lướt qua trước mắt chúng tôi như một bộ phim trầm buồn, mà trong đó nhân vật chính lại đầy nghị lực, tự trọng và luôn dành tình yêu thương cho mọi người.
Ngược dòng thời gian trở về thời bao cấp, cô giáo trẻ ưa nhìn Phạm Thị Tư kết hôn với anh bộ đội. Hạnh phúc ấm êm cùng với những cánh thư, bài thơ mà người chồng đóng quân xa nhà đều đặn gửi về. Hạnh phúc cũng đong đầy khi cô sinh hạ hai người con, một trai và một gái. Dù chồng đóng quân tận Quảng Ninh, mỗi năm về thăm gia đình chỉ vỏn vẹn một tháng, nhưng với cô giáo trẻ như vậy cũng thấy đủ. Cô dồn tình cảm chăm sóc hai con và các học sinh của mình ở trường.
Thế nhưng, “hạnh phúc chưa tày gang”, chồng cô lâm bạo bệnh và mãi mãi ra đi khi anh Huỳnh - con trai lớn của cô mới chưa được hai tuổi. Thương hai con mồ côi bố, cô làm việc một người bằng hai, tần tảo vừa dạy học, vừa ruộng vườn nuôi hai con lớn khôn. Một mình cô gồng lên đầy nghị lực nuôi dạy các con trưởng thành và dựng vợ, gả chồng.
Cô con gái theo nghề dạy học của mẹ, anh Huỳnh thì được cô dồn hết số tiền tích cóp cả đời để mua cho anh cái xe ô tô, đăng ký làm lái xe ở Công ty Mai Linh.
Còn cô, với mức lương hưu 4 triệu/tháng, cô và gia đình có cuộc sống cũng đầy đủ. Anh Huỳnh cũng ấp ủ nhiều hoài bão, chăm chỉ làm việc để chăm sóc cho mẹ, cho gia đình và tạo điều kiện tốt cho các con học tập.
Thế nhưng, vận rủi chưa buông tha cô giáo Tư và gia đình. Tai nạn giao thông đã lạnh lùng cướp đi ước mơ của anh Huỳnh, trút khó khăn lên đôi vai gầy của hai người phụ nữ trong gia đình.
Đó là năm 2018, khi đang đi làm, xe ô tô của anh Huỳnh bị xịt lốp, phải vào tiệm sửa chữa bên đường. Không may, một chiếc xe khác mất lái đã đâm thẳng vào cửa hàng sửa xe. Người sửa xe không qua khỏi, còn anh Huỳnh bị hất bay lên cao, nhưng không phát hiện ra chấn thương nào đáng kể. Gia đình người gây tai nạn đến ngỏ ý xin đền bù những phí tổn do vụ tai nạn gây ra cho gia đình, nhưng cô Tư bảo: “Thôi, nếu có thì nên để tiền đó đi làm từ thiện”.
Thật không may, chỉ vài tháng sau, anh Huỳnh thấy người trở nên mỏi mệt, dần mất khả năng nói, đi vệ sinh không tự chủ. Đi khám, bác sỹ nói anh bị teo não và bây giờ hoàn toàn ngồi xe lăn. Vợ anh thì công việc không ổn định nhưng chẳng nề hà bất cứ việc gì để kiếm tiền nuôi con và chạy chữa, thuốc men, cùng mẹ chồng chăm sóc phục vụ anh Huỳnh rất vất vả. Tiền bán xe ô tô đã dốc cả vào thuốc thang cho anh với mong muốn “còn nước, còn tát”.
Cô giáo Tư giờ đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu chỉ có bốn triệu đồng tiền lương hưu, cô chi tiêu một triệu đồng, còn ba triệu gửi cho vợ anh Huỳnh để phụ giúp nuôi các cháu và chạy chữa cho con trai. Nhìn con trai, nhìn cháu trai, lòng cô Tư quặn đau, cô chỉ mong anh Huỳnh có thể sống lâu hơn, để con anh được ở bên bố, bù đắp những thiệt thòi khi chính anh đã mất cha từ nhỏ.
Muốn mọi người bứt ra khỏi cảm xúc bi đát của cô Tư, một cô bé đi trong đoàn nhìn ra ngoài sân, đổi chủ đề câu chuyện: “Cô ơi! Rau của cô ngon quá”. Cô Tư như sực tỉnh, sốt sắng: “Các con ra vườn hái rau mang về nhà ăn nhé. Rau sạch đấy!”.
Tiễn chân chúng tôi ra tận đầu ngõ, cô trò và mọi người bịn rịn mãi mới lên xe. Bóng cô giáo già lẻ loi trong nắng chiều liêu xiêu, bên ngôi nhà liêu xiêu. Tôi không dám nghĩ tiếp, ngôi nhà ấy sẽ chịu đựng được bao vất vả, khó khăn phía trước. Nhưng tôi tin, chẳng có gì khuất phục được nghị lực của cô - và những gì cô đã cho đi trong suốt cuộc đời mình sẽ được đền đáp xứng đáng.