'Để trả lời câu hỏi trên, thiết nghĩ cần chấp nhận một khái niệm cơ sở nào đó về “văn hóa”. Theo giáo sư Arifin Bey, người Indonesia, có tới 160 định nghĩa về “văn hóa” (Cahiers du Japon – Tokyo – số đặc biệt 1992). Xin chọn khái niệm “văn hóa” theo nghĩa hẹp của UNESCO.
“Văn hóa” là một tổng thể những hệ thống biểu trưng (ký hiệu) chi phối cách ứng xử và sự giao tiếp trong một cộng đồng, khiến cộng đồng ấy có đặc thù riêng.
Có lẽ nên nhấn mạnh thêm: “Văn hóa” bao gồm hệ thống những giá trị để đánh giá một sự việc, hiện tượng (đẹp hay xấu, đạo đức hay vô luân, phải hay trái, đúng hay sai…) theo cộng đồng ấy. Nếu tạm chấp nhận khái niệm “văn hóa” như trên, rõ ràng cộng đồng người Mỹ có một nền văn hóa độc đáo; nền văn hóa này bao gồm những giá trị văn hóa riêng và một hệ thống biểu trưng chi phối cách ứng xử và sự giao tiếp của hơn 330 triệu người Mỹ (số liệu tính đến 2020), khiến cho cộng đồng ấy không giống những cộng đồng khác.
Vậy văn hóa Mỹ là gì? Theo ý kiến của Jacque Portes, nhà sử học Pháp, chuyên gia về văn minh Pháp, giáo sư trường Đại học Paris – VII (L’Etat des Etats – Unis): “Một câu hỏi như vậy vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX có vẻ thừa. Những thể hiện của nền văn hóa Mỹ có mặt khắp nơi trên thế giới. Nhưng nếu đi ngược thời gian khoảng một thế kỷ, nền văn hóa ấy hầu như không hiện diện, nó chỉ là cái ruột thừa kém cỏi của văn học Anh, là cái đuôi của hội họa Pháp”. Nếu có một nền văn hóa Mỹ, thì bản chất của nó là gì? Cái hay, cái dở của nó như thế nào? Tôi đã đặt hai câu hỏi này cho hơn một chục bạn ở Mỹ (da trắng, da đen, da đỏ), Anh, Pháp, Đức, Italy, Bỉ, Luxembourg. Dưới đây, xin trích dịch một số bài trả lời được in nguyên, không bình luận, coi như bản dạo đầu với vấn đề.
Văn hóa Mỹ ư? Xin lấy tôi làm ví dụ
Nhà xã hội học Mỹ, giáo sư Viện Công nghiệp Wentworth - George Katsiaficas đặt câu hỏi: Bình luận về văn hóa Mỹ ư? Vấn đề quả thật quá rộng và đa dạng. Mỹ khác hẳn Pháp là nơi mà sự tập trung chính trị và thống nhất ngôn ngữ được thực hiện từ bao thế hệ. Ở Mỹ, cho đến nay, chúng tôi chưa có một nền văn hóa thống nhất về ngôn ngữ, mà tôi cũng không hy vọng đến một lúc nào đó sẽ có.
Điều độc đáo vô song của chúng tôi xuất phát từ một sự việc thật đơn giản: dân cư Mỹ bao gồm người khắp mọi nước trên thế giới (có nhiều nhóm dân tộc chưa có cả quốc gia toàn vẹn). Chúng tôi nói tất cả ngôn ngữ trên trái đất. Chúng tôi có cao, có thấp, có béo, có gầy. Không có người Mỹ thuần khiết nào (ngay cả người Mỹ bản xứ xưa kia cũng từ châu Á di cư sang). Về mặt tiềm năng, bất cứ người nào cũng có thể là người Mỹ. Hàng ngày, người ta tới đây, ở lại, chỉ vài năm sau thành người Mỹ.
Mỹ là đất nước đầy mâu thuẫn. Một nước tự do nhất từ trước đến nay, vậy mà nó được thành lập do sự diệt chủng thổ dân, và được xây dựng trên sự nô lệ hóa người Phi. Tự do báo chí, có nghĩa là chúng tôi buộc phải chấp nhận một cách thụ động sự tuyên truyền được đóng gói bởi một vài tập thể có khả năng kiểm soát mọi người. Chúng tôi tự do nhưng lại ngại đi lại ngoài phố vì sợ bọn gây tội ác. Như anh thấy đấy, làm gì có văn hóa Mỹ riêng! Văn hóa Mỹ là văn hóa của các dân tộc toàn cầu… Không có một công dân nào có thể tiêu biểu, vì chúng tôi đa dạng quá, nhưng cuộc sống của chúng tôi “rất Mỹ”.
Không có một nền văn hóa Mỹ
Theo nhà dân tộc học Đức Marcus Vorpah, có thể nói là Mỹ không có văn hóa dân tộc riêng. Nhiều nước trên thế giới tự nhận là có văn hóa dân tộc; nhưng thật ra, không nước nào có thể đưa ra một luận điểm chính xác, ngoài một tổng hợp coi là tiêu biểu, xây dựng lại một cách vất vả, bao gồm những yếu tố riêng lẻ thuộc nhiều thời kỳ khác nhau và nhiều khi thuộc nhiều chi văn hóa (Subkultur).
Tôi xin lấy ví dụ văn hóa Đức, nền văn hóa dân tộc Đức bao gồm nhiều yếu tố xuất phát từ thời trước khi hình thành một quốc gia dân tộc Đức. Mặt khác, có nhiều yếu tố được xây dựng dưới danh nghĩa “Đức” trong phạm trù ngôn ngữ Đức, đặc biệt là sáng tác của những họa sĩ Áo, những đạo luật xứ Andaxô, những tác phẩm quan trọng nhất do những nhà thơ viết trong khi họ lưu vong.
Xin trở lại với Mỹ. Tiêu chuẩn đối với Mỹ là lịch sử văn hóa của những tín đồ Tân giáo (Protestant) thuộc người da trắng Anglosakson, bắt rễ từ những người nhập cư đầu tiên nói tiếng Anh. Họ là nhóm dân tộc có ảnh hưởng nhất, nhưng hoàn toàn không phải là nhóm đa số. Cách nhìn của tôi về vấn đề này không xuất phát từ quan niệm chủ quan của tôi mà từ những cuộc gặp gỡ cá nhân với người Bắc Mỹ hoặc những yếu tố gián tiếp.
Đặc điểm sự phát triển của văn hóa Hoa Kỳ là, mặc dù có sự thất bại của tư tưởng “nồi hầm nhừ các dân tộc” (melting pot), vẫn có sự nhào trộn các thành tố khác nhau thuộc mọi nơi trên thế giới. Nhào trộn ở đây không phải thành một tổng thể hoàn toàn mới, độc đáo, mà là sự vận động nội tâm và giữa các nhóm nhập cư khác nhau. Một nền văn hóa Chicano (các dân tộc Tây Ban Nha) chỉ có thể phát triển được ở Mỹ, nơi có những điều kiện cho các nhóm người lang thang từ Mỹ Latinh gặp gỡ nhau.
Liệu có thể quan niệm toàn bộ nền văn hóa thuộc các dân tộc khác nhau ở Mỹ là một nền văn hóa dân tộc không? Tôi rất nghi ngại nếu quan niệm là một nền văn hóa có thể tự khẳng định được chỉ với một yếu tố lĩnh vực quốc gia. Dù sao cũng có thể chấp nhận được là ở Mỹ có một sự phát triển văn hóa nào đó; điều này chỉ có thể hình thành trong những điều kiện và hoàn cảnh của nước này và chỉ có thể ở nơi đó mà thôi.
| Độc đáo di sản âm nhạc của người Ba Na Sinh hoạt trên sàn gỗ, quây quần bên đống lửa bập bùng, khi chuếnh choáng với cơn say, những điệu nhạc, lời hát người Ba ... |
| Sinh viên Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước tại sự kiện giao lưu văn hóa ở Đại học Kuwait Là những đại diện được lựa chọn tham gia chương trình học tập tiếng Arab do chính phủ Kuwait tài trợ, các sinh viên Việt ... |
| Triển lãm ảnh di sản thiên nhiên và văn hóa Việt Nam tại Geneva Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai bày tỏ mong muốn thông qua Triển lãm ảnh, bạn bè quốc tế hiểu thêm thực tế và thông ... |
| Lễ hội âm nhạc BridgeFest tôn vinh bình đẳng và sự đa dạng với âm nhạc đa sắc màu Lễ hội âm nhạc - Kết nối cộng đồng BridgeFest vừa diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP. Hồ Chí Minh đã mang ... |
| ĐBQH. Bùi Hoài Sơn: Tận dụng lợi thế để phát triển văn hóa trong thời đại số ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật ... |