📞

Có lý do để tin Vũ Hán sẽ nhanh chóng phục hồi sau khủng hoảng Covid-19?

Linh Chi 13:45 | 09/04/2020
TGVN. Doanh số bán ô tô ở các đại lý của Vũ Hán đã tăng trở lại mức trước khủng hoảng đại dịch Covid-19. Liệu đây có phải một đốm sáng thắp lên hy vọng về sự phục hồi của thành phố này sau 76 ngày phong tỏa?    
Dây chuyền lắp ráp tại nhà máy ô tô Dongfeng Honda ở Vũ Hán. (Nguồn: NyTimes)

Bùng nổ sau 76 ngày “ngủ yên”

Tại thành phố 11 triệu dân, tâm của dịch Covid-19 - Vũ Hán, nhân viên các đại lý ô tô nhận thấy, doanh số bán hàng đã tăng trở lại mức trước khủng hoảng từ đại dịch này.

Zhang Jiaqi, đại diện bán hàng của một đại lý hãng ô tô Audi AG ở Vũ Hán đã phải thốt lên rằng: “Tôi thực sự ngạc nhiên”. Zhang Jiaqi cho biết, hiện đại lý đang ghi nhận doanh số phù hợp với mức doanh thu hàng năm. Kết quả này giống như một sự bùng nổ sau 76 ngày thành phố “ngủ yên”.

Theo đại diện bán hàng của một đại lý hãng xe Cadillac Xia Tianyi, lưu lượng truy cập vào trang web bán hàng của hãng và doanh số bán hàng đã trở lại mức trước khi có lệnh phong tỏa

Pan Fei, Giám đốc tiếp thị tại một cửa hàng ô tô khác cũng cho biết, người tiêu dùng ở Vũ Hán thậm chí còn mua xe ô tô nhiều hơn trước cuộc khủng hoảng Covid-19, bởi họ nhận ra rằng, phương tiện cá nhân an toàn hơn phương tiện giao thông công cộng.

Sự “hồi sinh diệu kỳ” này đang mang đến một tia hy vọng cho các nhà sản xuất ô tô toàn cầu từ công ty mẹ của Audi AG là Volkswagen AG đến General Motors và Toyota Motor Corp, khi doanh số của họ đang giảm ở nhiều khu vực khác trên thế giới bởi sự tàn phá của dịch Covid-19.

Trước đó, khi dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng ở Trung Quốc, doanh số bán lẻ xe hàng tuần giảm tới 96%. Dữ liệu được cung cấp bởi Hiệp hội xe khách Trung Quốc ngày 8/4 cho thấy, trong ba tuần đầu tiên của tháng 3, doanh số giảm lần lượt 50%, 44% và 40%. Tuy nhiên, Hiệp hội này đã dự báo, doanh số hàng tuần sẽ tăng trở lại mức của năm 2019 vào cuối tháng này.

Tại Trung Quốc, Hiệp hội đại lý ô tô Trung Quốc cho biết, tính đến ngày 3/4, đã có khoảng 99% các showroom hoạt động trở lại, với lượng người tiêu dùng đến xem hàng tăng 66% so với thời điểm trước đây.

Hãng BMW cho rằng, họ ghi nhận sự đảo ngược xu hướng nhu cầu khách hàng so với tháng 3 và có thể, đây sẽ là hy vọng cho sự phục hồi bền vững tại Trung Quốc.

Người đứng đầu bộ phận bán hàng của BMW Pieter Nota nói: “Hiện hãng đang phản ứng kịp thời với tình hình kinh doanh đầy thách thức trên toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra và đang điều chỉnh linh hoạt khối lượng sản xuất theo nhu cầu. Tại Trung Quốc, hãng đang chứng kiến ​​những dấu hiệu phục hồi đầu tiên, với lượng đặt hàng mạnh mẽ”.

Giới chuyên gia nhận định, tại Vũ Hán bên cạnh việc nới lỏng các hạn chế, Chính phủ Trung Quốc đã công bố các biện pháp kích thích để thúc đẩy doanh số bán ô tô. Những số liệu trên cùng các biện pháp của Chính phủ giống như một đốm sáng thắp lên tia hy vọng về sự phục hồi ngành công nghiệp ô tô đã bị ảnh hưởng nặng nề nói riêng và kinh tế của thành phố 11 triệu dân nói chung sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát.

Ngay cả khi đã vượt quá đỉnh điểm của đại dịch, vẫn còn mối lo ngại về việc virus SARS-CoV-2 có thể quay trở lại ở Vũ Hán. (Nguồn: AFP)

Hồi sinh chỉ là mục tiêu thứ hai

Trong khi đó, nhiều người vẫn cho rằng, dỡ bỏ lệnh phong tỏa không báo hiệu sự trở lại cuộc sống bình thường ở Vũ Hán. Sự phục hồi của kinh tế, xã hội sẽ là một quá trình chậm chạp và đau đớn.

Ngoài ra, cú sốc của dịch bệnh vẫn còn kéo dài và sự lo ngại về một làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai khiến các doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động bình thường trở lại. Vũ Hán vẫn đang phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh mới.

Ren Ren, 33 tuổi, người điều hành một công ty tiếp thị nhỏ khẳng định rằng, mục tiêu đầu tiên của năm 2020 là tồn tại về thể chất, tiếp theo mới tính đến sự hồi sinh của doanh nghiệp sau đại dịch.

Bên cạnh đó, khi các nhà máy sản xuất ô tô ở Vũ Hán quay trở lại hoạt động, Mei Yunfeng, quản lý tại nhà máy lắp ráp xe Peugeot cho hay, vẫn còn nhiều thách thức trong lĩnh vực hậu cần, vận chuyển và cung ứng. Rất nhiều nhà cung cấp linh kiện chưa thể trở lại với tốc độ hoạt động bình thường.

"Chắc chắn rằng, những căn hộ của tôi sẽ còn trống trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng tới. Là "tâm chấn" đầu tiên của đại dịch toàn cầu, Vũ Hán vẫn có một tương lai không chắc chắn, dẫu dịch bệnh đang được kiểm soát tốt", doanh nhân Li Jing nhấn mạnh.

Nhận định về những khó khăn đối với Vũ Hán, Giáo sư kinh tế Chen cho hay, Vũ Hán sẽ khó nối lại hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong một thời gian tới. Lấy ví dụ từ đợt bùng phát Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003, FDI vào tỉnh Quảng Đông, nơi xuất hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên đã cạn kiệt trong hai đến ba năm.

“Điều tương tự sẽ xảy ra với Vũ Hán. Các nhà đầu tư sẽ thận trọng vì sợ sự bùng nổ hậu đại dịch và về mặt tâm lý cũng cho rằng thành phố này không được quản lý tốt. Dịch Covid-19 đã tàn phá kế hoạch của Thành phố này trong việc hòa nhập hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Chen nói.

(theo Bloomberg)