Đại diện các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam trao đổi ý kiến về một số chính sách liên quan đến người nước ngoài trong dịch Covid-19. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ngày 12/10 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm điều chỉnh kịp thời chiến lược ứng phó với dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, sự điều chỉnh theo hướng thích ứng là hết sức cần thiết khi tình hình thay đổi. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương sẽ tiếp tục đồng hành với Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam nhằm cùng tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong công tác lãnh sự.
Đề xuất về quy trình cách ly
Trong trao đổi với Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đều đánh giá cao chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Việt Nam, qua đó nêu một số đề xuất về quy trình cách ly sau khi nhập cảnh dành cho các thành viên Cơ quan đại diện.
Đại sứ Pier Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam nhận định, việc sống chung với đại dịch Covid-19 và thích nghi với trạng thái bình thường mới đã trở thành một trong những hướng đi đúng đắn, quyết liệt của Việt Nam.
Về quy trình cách ly, Đại sứ Pier nêu đề xuất cho phép các nhà ngoại giao châu Âu và các thành viên gia đình của họ đã tiêm phòng Covid-19 cách ly tại nơi cư trú và chịu trách nhiệm tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam, qua đó giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Chia sẻ quan điểm với Đại sứ Pier, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Hàn Quốc và Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam đều đồng tình với đề xuất của Phái đoàn EU về việc cho các cán bộ ngoại giao cách ly tại nơi cư trú.
Đại diện của Nhật Bản cho biết, việc các nhà ngoại giao được cách ly tại nơi cư trú và làm việc theo hình thức trực tuyến tại chỗ sẽ giúp duy trì liền mạch các công việc thường xuyên của Cơ quan đại diện.
Còn phía Hàn Quốc và Thuỵ Sỹ đều cho rằng, việc cách ly các cán bộ ngoại giao tại nhà dưới sự giám sát đầy đủ và trách nhiệm của người đứng đầu Cơ quan đại diện sẽ không làm gián đoạn các hoạt động ngoại giao, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai các công việc của Cơ quan đại diện ở sở tại.
Cơ chế cập nhật, trao đổi thông tin xuyên suốt
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam đã đặt ra nhiều thách thức cho những người nước ngoài trong việc cập nhật thông tin về số ca mắc, lịch trình di chuyển của các F0, các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, chính sách tiêm chủng, chính sách nhập cảnh…
Đứng trước nhu cầu này, đại diện Đại sứ quán Thuỵ Sỹ tại Việt Nam đã nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì kênh thông tin chính thức về tất cả các vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19, chẳng hạn như lập trang một web đăng tải thông tin về dịch bệnh bằng tiếng Việt và tiếng Anh, được cập nhật thường xuyên cho người dân trong nước và nước ngoài.
Thông qua những thông tin chính thống và kịp thời từ phía các cơ quan chức năng của Việt Nam, các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ, thông báo công dân của mình biết, thực hiện nghiêm túc quy định của Việt Nam, qua đó thực hiện tốt hơn nữa, nhất là bảo hộ công dân trong các trường hợp cần thiết.
Đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cũng đề cao vai trò của việc cung cấp các thông tin nhanh chóng liên quan đến đại dịch Covid-19 bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Về phần mình, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đề xuất thiết lập đường dây nóng bằng tiếng Anh chuyên giải đáp, tư vấn các thắc mắc, câu hỏi của người nước ngoài trên toàn lãnh thổ Việt Nam về các vấn đề có liên quan đến dịch Covid-19.
Chính sách tiêm chủng cho người nước ngoài
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai chủ trương tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam không phân biệt quốc tịch, không phân biệt hình thức cư trú, việc làm.
Theo thông tin chưa đầy đủ từ các địa phương, tính đến cuối tháng 10/2021 đã có hơn 43.000 người nước ngoài được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Theo đó, các cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành rà soát, tổng hợp những người nước ngoài có nhu cầu tiêm vaccine, hướng dẫn và tổ chức tiêm trên cơ sở lượng vaccine được phân bổ.
Đánh giá cao chủ trương và nỗ lực của Việt Nam trong việc tiêm chủng cho người nước ngoài, đại diện lãnh sự của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cảm ơn phía Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêm phòng vaccine cho công dân Trung Quốc.
Đến nay, nhiều người Trung Quốc tại Việt Nam đã được cấp thẻ xanh, giúp việc đi lại, trao đổi thương mại, giao lưu nhân dân giữa hai nước dần quay trở lại trạng thái bình thường.
Trong khi đó, đại diện Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tiêm chủng cho người nước ngoài, trong đó có công dân Anh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thời gian vừa qua.
“Việc thúc đẩy tiêm chủng rộng rãi cho người dân và công nhận hộ chiếu vaccine là chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cả về cách tiếp cận và thời điểm… Việc công nhận hộ chiếu vaccine của nước ngoài là cơ sở để hoạch định chính sách nhập cảnh mới, tăng cường thu hút, tạo điều kiện tối đa để chuyên gia, nhà đầu tư, người nước ngoài nhập cảnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, phục vụ phát triển kinh tế trong thời gian tới.” (Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan) |
Mở rộng đối tượng nhập cảnh
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và bắt đầu cấp giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã sớm nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong việc triển khai tấm “thẻ thông hành đặc biệt” này.
Từ tháng Tám, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Y tế thống nhất công nhận tạm thời hộ chiếu vaccine của nước ngoài và cho phép người nước ngoài sử dụng hộ chiếu vaccine được giới thiệu đến Bộ Ngoại giao hoặc được các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xác nhận nhằm rút ngắn thời gian cách ly tập trung theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Việc thúc đẩy công nhận hộ chiếu vaccine với các nước có ý nghĩa to lớn, góp phần đánh dấu bước chuyển của chiến lược từ “Zero Covid” sang thích ứng với dịch bệnh, chung sống an toàn trên cơ sở số lượng tiêm chủng cao, giảm thiểu rủi ro tử vong, qua đó, tạo điều kiện triển khai một số chương trình thí điểm đối với người nhập cảnh mang hộ chiếu vaccine tại Quảng Ninh và Phú Quốc trong thời gian tới.
Trước những nhu cầu bức thiết về việc tái khởi động trở lại các hoạt động đi lại quốc tế, tiến tới mở cửa hoàn toàn vào năm 2022, một số Cơ quan đại diện ngoại giao đã đề xuất mở rộng các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Phái đoàn thường trực EU tại Việt Nam nêu ý kiến: “Chúng tôi cho rằng, những gia đình nhận con nuôi, học sinh, sinh viên tham gia trao đổi giáo dục, cũng như những công dân có nhu cầu thăm thân có thể nhập cảnh vào Việt Nam. Và tôi nghĩ điều này phù hợp với chiến lược sống chung với Covid-19 và tiến tới trạng thái bình thường mới của Việt Nam”.
Trong khi đó, đại diện Đại sứ quán Anh cùng Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma tuý và Tội phạm (UNOCD) chia sẻ mong muốn, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu những thay đổi trong chính sách của các nước trên thế giới và từng bước nới lỏng việc cấp lại thị thực, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia kỹ thuật, nhà ngoại giao đến Việt Nam làm việc.
Còn các đại diện đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc đề xuất cho phép các công dân được thăm thân sau khi mở cửa, nối lại các chuyến bay quốc tế, qua đó thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân.
Dựa trên sự thông hiểu, tinh thần hợp tác, chia sẻ trách nhiệm, Bộ Ngoại giao ghi nhận những đề xuất nêu trên, đồng thời cam kết sẽ tích cực hỗ trợ các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam trong công tác lãnh sự, cùng nhau vượt qua các khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19.