📞

Công nghệ và tiếng kêu cứu của ngành thời trang

Quang Đào 11:00 | 21/12/2019
TGVN. Công nghệ blockchain để theo dõi chuỗi cung ứng, hay công nghệ phân tích dữ liệu và học máy giúp ước tính tác động đến môi trường...
Ngành thời trang gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. (Nguồn: ABC Australia)

Báo cáo gần đây của Liên hợp quốc cho thấy, ngành thời trang là tác nhân gây ra biến đổi khí hậu lớn hơn ngành hàng không và hàng hải cộng lại. Ngành thời trang xả ra 20% lượng nước thải và 10% lượng khí thải carbon trên toàn cầu.

Trong ngành công nghiệp may mặc, polyester là chất liệu được sử dụng phổ biến nhất. Loại vải này khi “giày vò” bằng máy giặt gia đình sẽ tạo nên những sợi vải siêu nhỏ (microfiber), dễ dàng đi qua hệ thống xử lý nước thải rồi các tuyến đường thủy, không phân hủy được, làm gia tăng lượng nhựa trong nước biển.

Trong trồng bông, đòi hỏi lượng nước và thuốc bảo vệ thực vật lớn. Hầu hết, bông trồng trên thế giới đều đã biến đổi gen, kháng sâu bệnh và đạt năng suất cao. Tuy nhiên, loài bông này gây nên sự ra đời của các loại “siêu cỏ dại” có khả năng kháng thuốc diệt cỏ thông thường. Để tiêu diệt “siêu cỏ dại”, nông dân cần phải sử dụng các loại thuốc diệt cỏ mạnh hơn, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe vật nuôi và con người.

Cảnh tỉnh nhanh chóng

May mắn, người tiêu dùng trên toàn thế giới đang ngày càng nhận thức được rõ hơn việc sản xuất một lượng lớn quần áo giá rẻ sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường ra sao. Đồng nghĩa với việc, người tiêu dùng đang dần hình thành thói quen mặc quần áo một cách bền vững, bao gồm việc mua quần áo đã qua sử dụng.

Zara cam kết đến 2025 chỉ sử dụng bông, vải lanh và polyester hữu cơ, bền vững hoặc tái chế để làm quần áo. (Nguồn: Reuters)

Các ông lớn trong ngành thời trang cũng đang hưởng ứng xu hướng mới này. Zara cam kết đến 2025 chỉ sử dụng bông, vải lanh và polyester hữu cơ, bền vững hoặc tái chế để làm quần áo, H&M hứa hẹn sẽ làm điều tương tự vào năm 2030. Trong khi đó, Nike sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho các nhà máy vào 2025 và Adidas sẽ sản xuất gấp đôi số lượng giày bằng nhựa tái chế từ năm 2019.

Những cải tiến này được hiện thực hóa bởi ngành thời trang đã và đang áp dụng các công nghệ mới và hiện đại hơn, nhằm thay đổi cách thức thiết kế, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Công nghệ giảm chất thải

Theo Mark Drake-Knight, người đồng sáng lập Teemill, một start-up ở Anh chuyên sản xuất và tái chế áo phông sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ cao cho biết: Thời trang là ngành sản xuất số lượng lớn nhưng giá trị thực lại thấp và mang lại nhiều chất thải cho môi trường. Cứ năm chiếc áo phông được bán ra, thì có ba chiếc sẽ được vứt đi trong vòng một năm.

Để khắc phục điều này, Teemill sản xuất quần áo theo thời gian thực. Nghĩa là, Teemill cung cấp dịch vụ thiết kế và bán áo phông trên trang web của mình. Khi nhận được yêu cầu đặt hàng, nhà máy Teemill trên đảo Wight mới tiến hành sản xuất, với sự trợ giúp của robot và trí tuệ nhân tạo. Việc này đảm bảo sẽ không có chiếc áo nào bị thừa hay bị ném vào thùng rác.

Khách hàng của công ty này là các tổ chức từ thiện như Save the Children và Greenpeace và các nhà thiết kế như Kinda Hamnett và Bella Freud.

Các sản phẩm của Teemill sử dụng chất liệu tự nhiên, nên các sợi vải có thể tái sử dụng nhiều lần, góp phần vào mục tiêu tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn cho công ty này.

Ứng dụng blockchain và big data

Một số nhãn hàng tìm đến công nghệ blockchain để theo dõi chuỗi cung ứng. (Nguồn: Irish Tech news)

Theo công ty nghiên cứu thị trường Mintel, người tiêu dùng đang ngày có ý thức và quan tâm hơn, không chỉ về việc xử lý quần áo sau khi sử dụng, mà còn cả điều kiện làm việc tại nhà máy và xuất xứ của vải. Khoảng 53% người tiêu dùng ở Anh cho rằng, các nhà bán lẻ cần cung cấp thêm thông tin về nơi sản xuất quần áo.

Điều này khiến một số nhãn hàng tìm đến công nghệ blockchain để theo dõi chuỗi cung ứng. Các giao dịch thực hiện công khai qua blockchain, các thông tin chi tiết như xuất xứ, thời gian chuyển hàng… sẽ được lưu vĩnh viễn và không thể thay đổi.

Nhờ vậy, khách hàng có thể theo dõi toàn bộ quá trình từ sản xuất sợi vải cho đến hoàn thiện sản phẩm và bán ra thị trường, chỉ bằng việc quét mã QR in trên sản phẩm.

Ngoài ra, vì tính toàn cầu của ngành thời trang, một thương hiệu khó có thể biết được đầy đủ thông tin chuỗi cung ứng và đo lường tác động với môi trường. Vì vậy, vào tháng Năm, Google Cloud đã hợp tác với nhà thiết kế Stella McCartney để xây dựng một công cụ sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu và học máy, nhằm giúp các thương hiệu ước tính được những tác động của quá trình sản xuất đến môi trường.

TS. Mark Sumner, giảng viên Trường Thiết kế, Đại học Leeds (Anh) cảnh báo rằng, thói quen của người dùng khó có thể thay đổi dù cho họ nhận được đầy đủ về dấu chân carbon, điều kiện làm việc tại các nhà máy hoặc tác hại của chất thải ra môi trường.

Nghiên cứu của TS. Sumner cho thấy, khi quá tải về thông tin, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ngoài tai những ảnh hưởng tới môi trường. Họ sẽ tiếp tục mua sắm quần áo chỉ vì muốn mình trông thật đẹp!

(theo CNN)