Nhỏ Bình thường Lớn

Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Cần đột phá hơn về thể chế!

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng công nghiệp văn hóa đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa và đây là thách thức lớn đòi hỏi những giải pháp có tính thực tế, đột phá hơn về thể chế.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, trong đó xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Theo bà, ngành công nghiệp văn hóa có vai trò quan trọng ra sao trong thực hiện mục tiêu trên?

Hệ thống lại các chính sách văn hóa của Nhà nước trong thời gian qua cho thấy, Việt Nam đã hình thành được khung chính sách tạo môi trường thể chế tương đối thuận lợi để các ngành công nghiệp văn hóa có khả năng khai thác và chuyển hóa hiệu quả các thành tố sức mạnh mềm.

Từ năm 2016 đến nay, nhìn chung, các chính sách liên quan đến công nghiệp văn hóa Việt Nam đều hướng đến việc xem xét các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong nền kinh tế thị trường, chú ý đến nhu cầu văn hóa của người dân, quan tâm nhiều hơn đến vai trò của xã hội dân sự trong việc hỗ trợ sáng tạo và bảo vệ quyền lợi cho các nghệ sĩ.

Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Cần đột phá hơn về thể chế
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương. (Ảnh: NVCC)

Trên bình diện hợp tác quốc tế, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng luôn được Việt Nam coi trọng như là một ưu tiên chính sách trong khi ký kết các văn bản hợp tác giữa Việt Nam và các nước/tổ chức đối tác khác.

Nhiều hội thảo quốc tế và trong nước đã lấy chủ đề phát triển công nghiệp văn hóa là nội dung chính. UNESCO, Hội đồng Anh, Viện Goethe, các đại sứ quán Đan Mạch, Thụy Điển… đã có nhiều tư vấn giúp Việt Nam nâng cao hiểu biết, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa trong đời sống xã hội.

Nếu như trước 2016, công nghiệp văn hóa còn là một khái niệm còn nhiều xa lạ ở Việt Nam, thì đến năm 2018, kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, tại Việt Nam ngành được nhiều người biết đến nhất là Truyền hình - Phát thanh và Điện ảnh, tiếp đến là những ngành Quảng cáo; Kiến trúc; Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Thủ công mỹ nghệ; Xuất bản; Thiết kế; Thời trang.

Với những thay đổi thể chế mang tính tích cực, Việt Nam đã từng bước gắn các thành tố sức mạnh mềm văn hóa với tiến trình các ngành công nghiệp văn hóa để tái cơ cấu nền kinh tế sang hướng kinh tế tri thức, từ đó chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành năng lực cạnh tranh, sức thu hút, hấp dẫn và hội nhập quốc tế.

Bà đánh giá đâu là những thay đổi tích cực của các ngành công nghiệp văn hóa trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội?

Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, so với mức GDP chiếm 2,68% năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,61% GDP năm 2018.

Sự thay đổi này cho thấy, công nghiệp văn hóa Việt Nam đang phát huy tương đối hiệu quả các thành tố sức mạnh mềm văn hóa thông qua hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa, dần rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với các nền công nghiệp văn hóa trên thế giới.

Có thể nói, phát triển công nghiệp văn hóa đang được nhìn nhận như một ngành kinh tế có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường trong và ngoài nước của Việt Nam.

Việt Nam đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Vậy tại sao ngành công nghiệp này vẫn chưa phát huy hết thế mạnh của nguồn tài nguyên văn hóa vốn rất phong phú?

Các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện vẫn còn thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao người dân trong nước. Điều này dẫn đến thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc văn hóa cùng khu vực châu Á với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

"Với những thay đổi thể chế mang tính tích cực, Việt Nam đã từng bước gắn các thành tố sức mạnh mềm văn hóa với tiến trình các ngành công nghiệp văn hóa để tái cơ cấu nền kinh tế sang hướng kinh tế tri thức, từ đó chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành năng lực cạnh tranh, sức thu hút, hấp dẫn và hội nhập quốc tế".

Cơ sở hạ tầng giàu bản sắc và 198 không gian sáng tạo phân bổ trên toàn quốc là một lợi thế để Việt Nam khai thác chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Tuy nhiên, đổi mới thể chế chưa quyết liệt trong việc mở cửa cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng và các không gian sáng tạo văn hóa. Mặt khác, việc chưa xem công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực có sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo, công nghệ và bản quyền đã làm cho nguồn tài nguyên này chưa tạo được ấn tượng thu hút đối với người nước ngoài.

Có thể thấy, việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa thông qua công nghiệp văn hóa vẫn còn là một chuỗi liên kết yếu trong phát huy sức mạnh tổng thể quốc gia.

Các ngành công nghiệp văn hóa khó chuyển mình trong sự phân tách, cộng thêm những rào cản về thể chế làm chậm quá trình biến văn hóa thành một lĩnh vực đầu tư, tạo điều kiện cho giải phóng sức sáng tạo, đa dạng hóa các biểu đạt thể hiện bản sắc... Đây chính là điểm yếu cốt tử trong việc hiện thực hóa mục tiêu coi công nghiệp văn hóa là kênh truyền dẫn mũi nhọn phát sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam hiện nay.

Vậy Việt Nam cần làm gì để tạo được sự bứt phá trong ngành công nghiệp này, thưa bà?

Tôi cho rằng, trong thời gian tới cần phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, đồng thời thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các công nghệ mới, hiện đại.

Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Cần đột phá hơn về thể chế
Phố đi bộ Hồ Gươm - không gian văn hóa được yêu thích và giàu tiềm năng tại Hà Nội. (Nguồn: dulichvietnam)

Trong những năm gần đây, hoàn thiện thể chế đã tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào của Việt Nam. Sự thay đổi này đã tạo nên những chuyển biến tích cực của một số ngành, đặc biệt là du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy sức hấp dẫn, thu hút thế giới về văn hóa.

Hiện nay, dù có nhiều tiềm năng lợi thế, con đường vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa, định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ở các sản phẩm – dịch vụ công nghiệp văn hóa ra thế giới còn rất khó khăn.

Công nghiệp văn hóa đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam và đây chính là thách thức lớn đòi hỏi chúng ta cần tập trung triển khai những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn về thể chế.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Phát triển công nghiệp văn hóa: Thủ đô Hà Nội làm gì để 'đẻ trứng vàng'?

Phát triển công nghiệp văn hóa: Thủ đô Hà Nội làm gì để 'đẻ trứng vàng'?

Có rất nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng để biến tiềm năng thành “của cải” thực sự thì Thủ đô ...

Việt Nam - một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng nền tảng thông tin về di sản văn hoá châu Á-Thái Bình Dương

Việt Nam - một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng nền tảng thông tin về di sản văn hoá châu Á-Thái Bình Dương

TGVN. Tham gia nền tảng ichLinks, Việt Nam có cơ hội quảng bá di sản văn hóa, đồng thời tiếp cận cơ sở dữ liệu ...

Trọng Vũ