Tính bình quân cứ 1 triệu người có 2.798 ca nhiễm Covid-19, Việt Nam hiện đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: Hải Long) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 275.044 ca nhiễm, đứng thứ 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.798 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 271.037 ca, trong đó có 99.730 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 5/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình.
- Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.
- Trong 24 giờ qua, tính từ 18h ngày 14/8 đến 18h30 ngày 15/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.580 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 9.574 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 2.470 ca trong cộng đồng.
+ Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh (4.516), Bình Dương (2.358), Đồng Nai (546), Long An (514), Đồng Tháp (271), Tiền Giang (209), Cần Thơ (170), Khánh Hòa (166), Tây Ninh (159), Đà Nẵng (83), Sóc Trăng (82), Bến Tre (60), Hà Nội (39), Bình Thuận (39), Quảng Ngãi (34), An Giang (34), Nghệ An (27), Phú Yên (27), Quảng Nam (26), Ninh Thuận (22), Bình Định (22), Bắc Ninh (21), Kiên Giang (19), Lào Cai (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (16), Hà Tĩnh (14), Đắk Nông (13), Lâm Đồng (11), Hậu Giang (10), Thừa Thiên Huế (8 ), Quảng Trị (8 ), Gia Lai (8 ), Cà Mau (6), Hải Dương (5), Bình Phước (4), Quảng Bình (2), Thanh Hóa (2), Thái Bình (2), Ninh Bình (1), Hưng Yên (1), Bắc Giang (1).
- Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 78.829 ca, trong đó: Indonesia tăng 20.813 ca, Malaysia tăng 20.546 ca, Thái Lan tăng 21.882 ca, Philippines tăng 14.749 ca, Campuchia tăng 588 ca, Lào tăng 198 ca, Singapore tăng 53 ca.
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
5.519 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 15/8.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 102.504 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 589 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.
- Ngày 15/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 337 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (282), Bình Dương (20), Long An (9), Tiền Giang (6), Đồng Nai (5), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Đồng Tháp (2), Sóc Trăng (2), Trà Vinh (2), Cần Thơ (1), Hải Phòng (1), Bến Tre (1), Bình Phước (1), Khánh Hòa (1), Quảng Nam (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tính đến 15/8 là 5.774 ca, xếp thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 59 người tử vong do Covid-19).
TP. Hồ Chí Minh kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16 đến 15/9
Tin liên quan |
Tiêm vaccine Covid-19: Nếu được tiêm AstraZeneca, có nên đợi Pfizer? |
Tiêm vaccine Covid-19: AstraZeneca, Moderna, Pfizer hay Johnson & Johnson… nên chọn loại nào? |
Sau 38 ngày thực hiện Chỉ thị 16 và 16 tăng cường, TP. Hồ Chí Minh kéo dài đợt giãn cách thêm một tháng đến 15/9, với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó" để phòng chống dịch. Quyết định giãn cách được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong ký ngày 15/8, trong bối cảnh đô thị hơn 10 triệu dân trải qua 38 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 và ghi nhận 149.286 ca nhiễm. Trước đó, thành phố có 40 ngày giãn cách theo Chỉ thị 15.
Sau 38 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó 20 ngày cấm người dân ra đường buổi tối, dịch tại TP. Hồ Chí Minh được xem vẫn phức tạp vì xâm nhập sâu cộng đồng. Số ca nhiễm gần đây có xu hướng giảm, đi ngang nhưng chưa bền vững. Sau 7 ngày liên tục số ca nhiễm mới về dưới mức 4.000 mỗi ngày, trong hai ngày vừa qua số ca mắc mới tăng trở lại, lần lượt là 4.231 và 4.516. Chưa kể, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại thành phố đang ở mức cao, trung bình 241 ca mỗi ngày.
Trong đợt giãn cách mới, ngoài các lĩnh vực được hoạt động trong khung giờ 6-18h mỗi ngày trước đây, thành phố cho phép thêm một số nhóm hoạt động gồm: các cơ sở sản xuất thực phẩm (bánh mì, tàu hủ, hủ tíu...); các tổ chức công chứng; các công ty cung cấp dịch vụ: bảo vệ, bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị các cơ quan, toà nhà, chung cư; bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng), phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân.
Các nhóm người được hoạt động để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, gồm: người giao hàng (shipper) ứng dụng công nghệ, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, giao nhận thanh toán không tiếp xúc; người đi giao - nhận hàng hóa của các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm. Nhóm này phải có dấu hiệu nhận diện khi đi trên đường theo quy định.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị (gồm cơ quan, đơn vị nhà nước của Trung ương đóng tại TP. Hồ Chí Minh) bố trí không quá 1/4 cán bộ, công chức, viên chức, lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan (trừ lực lượng vũ trang và ngành y tế thành phố đảm bảo 100% quân số thực hiện nhiệm vụ chống dịch);
Thông tin được Chủ tịch Nguyễn Thành Phong báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống Covid-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 15/8. Thành phố xây dựng kế hoạch phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 với 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn một từ ngày 15 đến 31/8, Thành phố sẽ cố gắng kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng không được tiếp nhận, điều trị; mở rộng "vùng xanh", phấn đấu kiểm soát được dịch với các quận, huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, 5, 7 và 11.
Giai đoạn hai, từ ngày 1 đến 15/9, thành phố phấn đấu kiểm soát dịch trước ngày 15/9 với các mục tiêu kéo giảm 20% số ca tử vong và các trường hợp nặng; số người nhập viện mỗi ngày không vượt quá số xuất viện; không quá 2.000 người nhập viện mỗi ngày; đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) tiêm mũi 1 và 15% dân số tiêm mũi 2.
Hà Nội lần đầu không có ca nhiễm mới sau 23 ngày giãn cách
Sở Y tế Hà Nội tối 15/8 cho biết, Thành phố không ghi nhận thêm ca mắc mới trong 6 giờ liên tiếp. Như vậy, trong 24 giờ qua, Hà Nội có 35 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 9 ca tại cộng đồng.
Đây là lần đầu tiên từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội (từ 24/7), trong 6 giờ liên tiếp Thủ đô không ghi nhận ca dương tính mới.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 2.202 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.202 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.000 ca.
Đây là ngày thứ 23 thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. CDC Hà Nội cho biết, số ca mắc trong cộng đồng trong 1 tuần gần đây đã giảm đáng kể.
Đánh giá về hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch Hà Nội đang triển khai, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, Hà Nội đang chống dịch rất quyết liệt, đúng hướng, xuất phát từ từng cộng đồng an toàn nhỏ. "Tôi cho rằng chỉ có thế mới bền vững được", Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận xét.
Nhưng để bảo vệ thành quả, từ nay đến khi hết giãn cách xã hội (6h ngày 23/8), PGS Phu cho rằng, Thủ đô phải rất quyết liệt. Chỉ có giãn cách nghiêm ngặt mới cắt đứt được sự lây truyền virus giữa người nhiễm bệnh đang lẩn khuất trong cộng đồng cho người lành, còn xét nghiệm không thể nào tìm ra hết ca nhiễm.
Nghệ An ghi nhận 19 ca mắc mới Covid-19 với 3 ca cộng đồng
Tối 15/6, TS Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An thông tin, trong 12 giờ qua (từ 6h00 đến 18h00 ngày 15/8), Nghệ An ghi nhận 19 ca Dương tính mới với SARS-CoV-2.
Trong đó, có 3 ca liên quan đến chợ đầu mối Vinh (Nghi Lộc: 1, TP. Vinh: 1, Hưng Nguyên: 1); 15 ca về từ TP. Hồ Chí Minh (Yên Thành: 5, Quỳnh Lưu: 5, Con Cuông: 3, Thanh Chương: 1, Hưng Nguyên: 1); 1 ca về từ Bình Dương (Tân Kỳ) và 1 F1 ở huyện Quỳnh Lưu, tất cả ca bệnh đều đã được cách ly từ trước.
Như vậy, tính từ ngày 13/6 đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 519 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 19 địa phương: Quỳnh Lưu: 117, TP Vinh: 106, Yên Thành: 62, Kỳ Sơn: 38, Diễn Châu: 32, Tương Dương: 29, Nghi Lộc: 21, Hoàng Mai: 17, Quế Phong: 15, Anh Sơn: 13, Cửa Lò: 11, Nam Đàn: 10, Đô Lương: 9, Quỳ Hợp: 9, Thanh Chương: 7, Con Cuông: 7, Tân Kỳ: 6, Hưng Nguyên: 6, Nghĩa Đàn: 4.
Lũy tích số bệnh nhân được điều trị và công bố khỏi bênh, ra viện, chuyển tuyến trên: 221 bệnh nhân. Lũy tích số bệnh nhân tử vong: 1. Số bệnh nhân hiện đang điều trị: 297.
| Tiêm vaccine Covid-19: Nếu được tiêm AstraZeneca, có nên đợi Pfizer? Câu trả lời là đừng đợi vaccine Pfizer nếu bạn có cơ hội tiếp cận ngay với vaccine AstraZeneca. |
| Thuốc điều trị Covid-19 Remdesivir: Khả năng chữa trị và liều thuốc hy vọng ngăn chặn đại dịch Gần một năm rưỡi chiến đấu với đại dịch giành giật sự sống cho con người, thuốc điều trị Covid-19 vẫn là một thách thức ... |
| Biến thể Delta khiến 'Cuộc chiến chống Covid-19' phải thay đổi: Tiêm vaccine hay là chết? Biến thể Delta đang làm thay đổi 'Cuộc chiến chống Covid-19'. CDC Mỹ vừa lên tiếng kêu gọi toàn cầu cần có những phản ứng ... |