📞

Covid-19 sáng 1/7: Bệnh nhân phi công hồi phục sức khoẻ hoàn toàn, Việt Nam được WHO mời tham gia Liên minh nghiên cứu vaccine

Chu Văn 06:47 | 01/07/2020
TGVN. Tiểu ban Điều trị cho hay bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục có những tiến triển tốt. Bệnh nhân đã cai máy thở 19 ngày, sức cơ chân hồi phục hoàn toàn, bước đi nhiều hơn, các chức năng tim, phổi, giao tiếp, ăn uống... bình thường. Ngày hồi hương của nam phi công đang rất gần...

Theo Bản tin 6h ngày 1/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới ở cộng đồng.

Tổng số ca mắc:

- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 1/7: 76 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

- Tính đến 6h ngày 1/7: Việt Nam có tổng cộng 215 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

- Tính từ 18h ngày 30/6 đến 6h ngày 1/7: 0 ca mắc mới.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 12.580, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 96

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.596

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 888

Theo thông tin của Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này đã có 335/355 bệnh nhân Covid-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,4% tổng số ca bệnh.

Trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

20 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ ổn định

Tính đến sáng ngày 1/7, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; và 5 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 11 bệnh nhân dương tính với Covid-19.

Tiểu ban Điều trị cho hay bệnh nhân 91(nam phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã hồi phục tốt, tâm lý ổn định hơn. Bệnh nhân đang trong giai đoạn phục hồi chức năng toàn diện để đánh giá các tiêu chí an toàn trước khi cho phép xuất viện và hồi hương bằng đường hàng không.

Bệnh nhân đã tự thở khí phòng, đã cai máy thở 19 ngày, các chỉ số khác bình thường và giao tiếp tốt bằng lời nói. Ban đêm bệnh nhân ngủ tốt

Hiện sức cơ 2 tay bình thường, sức cơ 2 chân 5/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy và và vịn khung tập bước được nhiều bước hơn. Bệnh nhân tự ăn uống qua miệng. Chức năng gan, thận, tim mạch, men tụy bình thường.

Bệnh nhân tự thở khí phòng, trao đổi oxy ở phổi cải thiện hơn, SpO2 thường xuyên 95-96% có lúc đạt 97%.

Các bác sĩ tăng cường phục hồi chức năng ngày 2 lần, cho bệnh nhân tập thổi hô hấp ký, xuống giường ngồi trên ghế.

Bệnh nhân hiện đã ngưng thuốc kháng nấm. Chỉ dùng thuốc kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto, kết hợp với săn sóc tại chỗ vết loét cùng cụt.

Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, săn sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng.

Tiểu ban Điều trị đã nhận được công hàm của Đại sứ quán Anh đề nghị cho bệnh nhân 91 về nước trên chuyến bay ngày 12/7 tới. Đây là chuyến bay của Vietnam Airlines, xuất phát từ Hà Nội đi Vương Quốc Anh đón công dân Việt Nam.

Tiểu ban Điều trị đang sắp xếp một phiên hội chẩn dự kiến trong tuần này, đánh giá sức khỏe phi công người Anh theo đề nghị từ Đại sứ quán Anh, trước khi cho bệnh nhân về nước ngày 12/7. Đây sẽ là hội chẩn quốc gia lần 6 để đánh giá toàn diện sức khỏe bệnh nhân, bao gồm chức năng hô hấp, vận động, để bay một chuyến kéo dài liên tục 12 tiếng...

Trường hợp phi công Anh đủ điều kiện về nước như dự định, phía Việt Nam sẽ cử một ê-kíp y, bác sĩ bay cùng người này để hỗ trợ.

Ngày 30/6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Tiến sĩ Kidong Park, Giám đốc WHO tại Việt Nam cho biết, cách đây 2 tháng, WHO đã có cuộc họp về vấn đề mở cửa biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế. Để quyết định việc này, các quốc gia cần căn cứ trên 3 yếu tố: Trước hết là dịch đã được kiểm soát hay chưa (ở cả hai đầu chuyến bay đi - đến); hệ thống y tế có khả năng ứng phó với việc gia tăng ca bệnh khi mở lại đường biên và nối lại các chuyến bay quốc tế hay không; hệ thống giám sát có khả năng phát hiện, truy vết, quản lý các ca bệnh xâm nhập hay không?

Sau cuộc họp này, nhóm kỹ thuật của WHO đã xây dựng một văn bản hướng dẫn tạm thời để các quốc gia, vùng lãnh thổ cân nhắc trong việc mở cửa lại đường biên, nối lại các đường bay quốc tế. Trong văn bản này, WHO bổ sung 2 căn cứ: Việc mở cửa phải dựa trên năng lực giám sát tại cửa khẩu; chỉ ưu tiên những hoạt động đi lại thực sự cần thiết.

Tại cuộc họp, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo, khi xem xét quyết định mở cửa đường biên giới hay nối lại các đường bay quốc tế, các nước cần hết sức thận trọng. Về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, ngành Y tế Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, bởi đây là yếu tố then chốt để ngăn ngừa đại dịch; đồng thời cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để người dân sẵn sàng ứng phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai.

Đại diện các tổ chức quốc tế cũng cam kết sẽ nỗ lực hết sức phối hợp với Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19, mong muốn Việt Nam chia sẻ và hợp tác trong nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng vi rút SARS-CoV-2.

Đại diện WHO cho biết, hiện trên thế giới đã hình thành Liên minh nghiên cứu vắc xin và muốn mời Việt Nam tham gia. Việc tham gia liên minh là điều kiện quan trọng để người dân có thể tiếp cận được vắc xin trong thời gian sớm nhất có thể (khoảng cuối năm 2021).

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định phòng, chống đại dịch Covid-19 là công việc chung của toàn thế giới. Việt Nam sẵn sàng đồng hành, đóng góp cùng thế giới trong việc này.

Hiện, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất 4 loại sinh phẩm xét nghiệm (kít thử) có độ nhạy, độ đặc hiệu rất cao, giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại đang bán trên thị trường thế giới. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn, WHO và các tổ chức quốc tế hợp tác, giúp Việt Nam kết nối, chia sẻ, phổ biến các sản phẩm này với các quốc gia trên thế giới để cùng nhau đẩy lùi dịch Covid-19.

(theo Bộ Y tế)