Trong 24 giờ (từ 16h ngày 3/1 đến 16h ngày 4/1), Việt Nam ghi nhận 14.861 ca nhiễm Covid-19 mới. Hà Nội, Bến Tre, Thái Nguyên là các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.800.704 ca mắc Covid-19, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.252 ca nhiễm).
Nhân viên y tế làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện hồi sức Covid-19. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Chỉ riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.794.866 ca, trong đó có 1.410.567 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.651 ca.
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 223 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.245 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Hải Phòng thêm 602 ca nhiễm mới
Ngày 4/1, toàn thành phố Hải Phòng ghi nhận 602 ca nhiễm mới trong đó 78 F1, 507 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, 1 test nhanh dương tính, còn lại là trường hợp sàng lọc ở công ty thuộc các KCN tại An Dương.
Hiện thành phố đang điều trị 7.608 F0, trong đó 14 bệnh nhân có diễn biến nặng.
Quảng Ninh lo ngại bùng dịch mạnh trong cộng đồng
Ngành y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngày 4/1, toàn tỉnh ghi nhận 227 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 172 ca phát hiện tại cộng đồng, 55 ca đã được cách ly, quản lý.
Tính từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 4.367 ca F0, trong đó 117 ca nhập cảnh, 4.250 F0 nội tỉnh.
Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới, nhiều khả năng Cẩm Phả, Hạ Long có thể bùng phát dịch mạnh trong cộng đồng, đặc biệt liên quan đến nhiều công ty, công trình xây dựng và trường học. Riêng địa bàn thị xã Quảng Yên sẽ liên quan các chùm ca cộng đồng do lây nhiễm từ gia đình.
Tỉnh tiếp tục khuyến khích người dân chủ động thực hiện test nhanh để phát hiện sớm F0 sau kỳ nghỉ lễ nếu có lịch trình di chuyển phức tạp và có triệu chứng bất thường. Nếu có kết quả test nhanh dương tính, cần khai báo ngay cho Trạm y tế.
Người dân tiếp tục thực hiện tốt 5K và thực hiện tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine cần thiết.
Số ca mắc mới ở Hà Nội tăng vọt
Tối 4/1, Sở Y tế Hà Nội thông tin, trên địa bàn đã phát hiện thêm 2.578 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 723 ca cộng đồng.
Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Nam Từ Liêm (111), Ba Đình (61), Hoàng Mai (58), Thanh Xuân (51); Đống Đa (48), Cầu Giấy (45), Thanh Trì (44).
Bắc Giang ghi nhận gần 200 F0 liên quan đến giáo viên nước ngoài
Ngày 4/1, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, lũy tích đến thời điểm thống kê có 193 F0 liên quan đến chùm ca bệnh tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, TP. Bắc Giang.
Theo kết quả truy vết, nguồn lây của chùm ca bệnh này là giáo viên tiếng Anh quốc tịch Ireland chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.
Qua công tác truy vết, chùm ca bệnh ở Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên xuất hiện từ ngày 29/12/2021. Trường hợp phát hiện đầu tiên là học sinh N.T.P, lớp 4A7 của trường.
Sau đó, cơ quan y tế và trường phối hợp lấy mẫu toàn bộ học sinh, giáo viên trong trường, phát hiện thêm 27 trường hợp dương tính bằng phương pháp PCR và 17 trường hợp test nhanh dương tính.
Đến nay, có 193 F0 liên quan đến chùm ca bệnh này, gồm: 176 học sinh và 5 giáo viên (trong đó có 2 giáo viên nước ngoài) và 12 người khác.
Hiện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Bắc Giang đang tập trung nguồn lực, xử lý ổ dịch tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên và các trường khác, không để phát sinh thêm các ổ dịch mới; tăng cường tuyên truyền, động viên để phụ huynh, học sinh ổn định tâm lý, tránh hoang mang, lo sợ.
Từ sáng 4/1, học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Bắc Giang đã dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến (trừ học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh) để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thừa Thiên-Huế vượt mốc 14.000 ca F0
Tối 4/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, đến 18h đã ghi nhận thêm 285 ca bệnh khẳng định dương tính SARS-CoV-2 có mã bệnh của Bộ Y tế.
Trong đó, phát hiện tại khu cách ly tập trung 17 ca, tại khu phong tỏa 1 ca, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà 65 ca và tại cộng đồng 202 ca. TP Huế là địa phương có số ca mắc tại cộng đồng nhiều nhất so với các huyện, thị trên địa bàn với 111 ca.
Tính đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 14.358 ca F0 có mã bệnh, tổng số bệnh nhận có mã bệnh được điều trị khỏi là 9.591.
Có 64 ca tử vong, trong đó có 61 ca là già yếu, lão suy, mắc bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, suy tim mạn, suy thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn, ung thư giai đoạn cuối.
TP. Hồ Chí Minh có 6 ca nhiễm biến chủng Omicron
Ngày 4/1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh họp báo định kỳ về diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn trong một tuần qua.
Tại họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cho biết, người mắc biến chủng Omicron thứ 6 phát hiện tại TP là tiếp viên của hãng hàng không nước ngoài, khi nhập cảnh vào TP. Hồ Chí Minh đã được cách ly ngay và ngày 29/12/2021 thực hiện lấy mẫu có kết quả dương tính, được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 vào ngày 31/12/2021.
Đến ngày 3/1, sau khi giải trình tự gene xác định bệnh nhân này nhiễm biến chủng Omicron.
Trước đó, TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 5 người nhập cảnh mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron. Tuy nhiên, các bệnh nhân đã âm tính chỉ sau vài ngày.
Thông tin về tình hình điều trị của 6 ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron, Chánh văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, các ca này gần như không có triệu chứng, không có dấu hiệu chuyển biến nặng.
Về kế hoạch ứng phó biển chủng mới, bà Mai cho hay, kể từ đầu tháng 12/2021, đơn vị đã thực hiện tái cấu trúc các bệnh viện, phân bổ lại khoa, phòng hợp lý. Ngoài 9 bệnh viện dã chiến đã giải thể, TP. Hồ Chí Minh còn 13 bệnh viện khác với sức chứa hơn 20.000 giường cùng hơn 8.000 giường tại các cơ sở địa phương.
Hệ thống điều trị vẫn kịp thời đáp ứng nếu có tình huống xấu xảy ra. Sở Y tế cũng phân công công tác điều trị, chuyển viện phù hợp với tình hình hiện nay.
| Covid-19: Tin vui về biến thể Omicron, Philippines phong tỏa Hạ viện, Indonesia chuẩn bị 120.000 giường bệnh Ngày 4/1, người quản lý sự cố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Abdi Mahamud cho biết ngày càng có thêm nhiều bằng ... |
| Covid-19: Chuyển biến lạc quan trong năm 2022? Dù thế giới vẫn chưa lạc quan có thể loại bỏ được hoàn toàn virus SARS-CoV-2 nhưng kỳ vọng đại dịch sẽ chuyển thành dịch ... |