Trên phương diện toàn cầu hoá, dịch bệnh buộc các nước và các đối tác phải hình thành những chốt an toàn mới khi tiếp tục tham gia toàn cầu hoá. Minh hoạ của Dom McKenzie (The Observer). |
Thế giới hiện tại đã khác biệt rất nhiều trên nhiều phương diện so với thế giới vào thời điểm trước khi dịch bệnh viêm phổi cấp (Covid-19) do virus corona gây ra bùng phát.
Chỉ chậm lại chứ không đảo ngược xu thế
Vẫn thế giới và trái đất ấy thôi nhưng nhịp sống của con người và nhịp hoạt động của quốc gia đã chậm lại rất đáng kể. Ưu tiên chính sách của quốc gia và thói quen sống của con người đều bị buộc phải khác trước. Quốc gia trực diện với thách thức bất ngờ mới và con người phải làm quen với môi trường sống mới. Suy ngẫm của tất cả về hiện tại và tương lai cũng phải bỏ lối mòn mà theo lối mới.
Dịch bệnh thử thách sự đoàn kết và đồng thuận trong nội bộ xã hội, sự tin cậy của người dân vào lãnh đạo đất nước. Dịch bệnh làm bộc lộ rõ nét bản chất của chế độ chính trị. Dịch bệnh làm thay đổi nhận thức và hành động của nhà nước và người dân.
Thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đến mức độ như thế nào phụ thuộc vào dịch bệnh này còn lây lan và hoành hành đến tận những nơi đâu nữa và đến bao giờ. Nhưng điều hiện có thể chắc chắn được là các nước và các nơi sau dịch bệnh đều phải định hướng lại, tổ chức lại và chuẩn bị phòng ngừa hiệu quả hơn nữa cho việc đối phó dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Trong tất cả cái giá phải trả cho mọi sai lầm hoặc chậm trễ, chủ quan và thiếu chuẩn bị đối phó dịch bệnh đều có bài học kinh nghiệm quý giá, và cả đau đớn nữa, có thể giúp không còn phải trả giá đắt cho tương lai. Trên các chương trình nghị sự song phương cũng như đa phương, chủ đề nội dung hợp tác nhằm phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh trở nên không những không thể thiếu mà còn được coi trọng đúng mức.
Dịch bệnh này không làm đảo ngược được xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế trên thế giới nhưng làm cho chậm lại nhịp độ toàn cầu hoá và làm thay đổi quan hệ quốc tế trước hết trên phương diện cách tiếp cận, ưu tiên định hướng, tổ chức và vận hành các mối quan hệ quốc tế.
Cấu trúc lại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế
Dịch bệnh sẽ kích hoạt một quá trình có thể gọi chung là cấu trúc lại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Thế giới sau dịch bệnh này là thế giới mà trong đó nhà nước quốc gia phải xác định lại vị trí của nó trong thế giới được toàn cầu hoá và trong những liên minh, liên kết mà quốc gia ấy tham gia để tự bảo vệ tốt hơn trước tác động tiêu cực từ bên ngoài và để đóng góp thực chất hơn vào việc cả thế giới khắc phục những tác động tiêu cực ấy.
Hơn bao giờ hết, tính bền vững và thực chất tiến triển của toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế phải được coi trọng hơn tốc độ và phạm vi diễn tiến của toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Nếu tạo dựng được ở đây sự hài hoà và hậu thuẫn lẫn nhau, bổ sung cho nhau thì sẽ có về được hiệu ứng cộng hưởng, thể hiện cụ thể ở sức đề kháng cao hơn trước dịch bệnh mới và khả năng to lớn hơn trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Dịch bệnh thử thách sự đoàn kết và đồng thuận trong nội bộ xã hội, sự tin cậy của người dân vào lãnh đạo đất nước. Dịch bệnh làm bộc lộ rõ nét bản chất của chế độ chính trị. Dịch bệnh làm thay đổi nhận thức và hành động của nhà nước và người dân. |
Trên phương diện toàn cầu hoá, dịch bệnh này buộc các nước và các đối tác phải hình thành những chốt an toàn mới khi tiếp tục tham gia toàn cầu hoá. Vấn đề đặt ra phải giải quyết là lựa chọn tốc độ và phạm vi, lĩnh vực và lộ trình để ngay từ đầu đã có thể phòng ngừa được tác động, hậu quả và hệ luỵ của những mặt trái của toàn cầu hoá. Vấn đề đặt ra ở đây đối với toàn cầu hoá là thu hẹp sự khác biệt để tạo nên sự đồng nhịp giữa các nước, các đối tác trong sự tham gia vào toàn cầu hoá.
Trên phương diện hợp tác quốc tế, dịch bệnh này cũng làm bộc lộ những mặt trái của hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế theo cách giáo điều hay coi trọng hình thức không giúp ích gì cho việc đối phó dịch bệnh trong khuôn khổ phạm vi quốc gia cũng như trên phạm vi thế giới. Thảm trạng hiện tại trong EU là bằng chứng thời sự nhất và rõ nét nhất.
Chỉ khi thật sự thực chất và bền vững thì hợp tác quốc tế mới có thể vượt qua được những thử thách hình thành từ những quyết sách tình thế của nhà nước quốc gia để xử lý những tình huống khẩn cấp vì lợi ích chính đáng của quốc gia ấy.
Dịch bệnh lần này làm cho cả thế giới chững lại để đối phó và đẩy lùi dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng còn để tỉnh táo và thực tế suy ngẫm về gây dựng tương lai cho thế giới sau đại dịch.