Covid-19 cùng với chiến tranh, biến đổi khí hậu, đã gây nên thảm cảnh đói nghèo, phơi bày hơn bao giờ hết những hạn chế, bất cập của hệ thống quản trị toàn cầu; là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về sức tàn phá khủng khiếp của các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nếu không được quan tâm đúng mức, từ sớm, từ xa.
Đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến sự thụ hưởng các quyền con người. (Nguồn: CEU) |
1. Đại dịch Covid-19 bước sang năm thứ ba, càn quét dữ dội khắp các châu lục, trở thành một thách thức to lớn trong lịch sử loài người. Kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 là đại dịch toàn cầu, thì virus SARS-CoV-2, một vi sinh siêu nhỏ, chỉ bằng 150 micron, tức bằng 1/1000 con vi khuẩn, vẫn chưa biết rò rỉ ra từ đâu, cứ 6 tháng lại biến chủng một lần từ Alpha, Delta đến Omicron và chắc chắn sẽ còn tiếp tục biến chủng nữa, đang “điều khiển” cả thế giới.
Qua những lần biến đổi, Covid-19 không còn chủ yếu tấn công người cao tuổi và dễ tổn thương, mà còn gieo kinh hoàng với cả những người trẻ tuổi, khỏe mạnh. Con virus siêu nhỏ ấy đã đặt các quốc gia vào tình trạng khẩn cấp như thời chiến với những mối đe dọa về sức khỏe, tính mạng và gây nên khủng hoảng đời sống, kinh tế toàn cầu nghiêm trọng, để lại những hậu quả không thể đong đếm.
Nhân Ngày Quốc tế về Phòng chống dịch bệnh 27/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh Covid-19 đã cho thấy một căn bệnh truyền nhiễm có thể lan rộng khắp thế giới, đẩy hệ thống y tế đến bờ vực và đảo lộn cuộc sống hàng ngày của toàn nhân loại một cách nhanh chóng.
Nhân loại đã và đang trải nghiệm trong đau thương, mất mát, khốn khó do đại dịch gây ra. Chỉ tính riêng về nhân mạng, tính đến ngày 24/1/2022, thế giới ghi nhận gần 355,7 triệu người nhiễm bệnh, trên 5,6 triệu người tử vong. Riêng Việt Nam, tính từ đầu năm 2020 đến nay, đã ghi nhận 2.155.784 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vọng tính đến nay là 36.884 trường hợp.
Ở phương diện kinh tế, xã hội, có những giai đoạn cao điểm của đại dịch, theo Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), ước tính, có khoảng 4,2 tỷ người, tương đương 54% dân số thế giới và 60% GDP toàn cầu, sống trong tình trạng bị phong tỏa một phần hoặc toàn diện. Gần như toàn bộ dân số thế giới ở giai đoạn cao điểm chịu ảnh hưởng nhất định từ giãn cách xã hội. Thiệt hại về kinh tế lên đến hàng ngàn tỷ USD, tính riêng du lịch thế giới mất ít nhất 2.000 tỷ USD.
Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, kinh tế gia đình, gia tăng sự tù túng khiến tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn, những người “dễ bị tổn thương” chịu tổn thương nhiều nhất trong đại dịch.
Dịch bệnh Covid-19 đã đặt cả hệ thống chính trị của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và người dân vào những thách thức chưa từng có tiền lệ về năng lực quản trị, điều hành đất nước và nỗ lực ứng phó với đại dịch. Giữa lúc tăm tối, các nhà khoa học y sinh đã thắp lên hy vọng đưa nhân loại thoát khỏi đại dịch Covid-19. Những gì khoa học thế giới đạt được trong 2 năm qua, giải mã bộ gien và khắc chế virus SARS-CoV-2 là cả một kỳ tích chưa từng có.
Chỉ trong một thời gian ngắn, 350 nghìn công trình nghiên cứu khoa học về virus SARS-CoV-2 được công bố trên các tạp chí hàng đầu, hàng trăm tỷ USD được các Big Pharma đầu tư để nghiên cứu, sản xuất công cụ xét nghiệm, vaccine, thuốc điều trị với tốc độ kỷ lục.
Bằng những nỗ lực nghiên cứu toàn cầu gặt hái nhiều thành quả cho phép chúng ta xoay chuyển cục diện cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Các thành tựu khoa học thần tốc trong 2 năm qua đã đưa thế giới bước sang giai đoạn ứng phó mới, chuyển hướng chiến lược “sống chung”, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả đại dịch. Cũng chỉ có Covid-19 mới có thể làm mọi thứ trôi nhanh như vậy!
Nhân viên y tế hướng dẫn cách rửa tay đúng cách cho trẻ em tại trung tâm công cộng ở Central Java, Indonesia. (Nguồn: UNICEF) |
2. Không chỉ làm tổn thất nhân mạng, thiệt hại về kinh tế, mà dịch bệnh Covid-19 đã làm bộc lộ các vấn nạn từ chính trị, kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng đến tham nhũng, trục lợi trên phạm vi toàn cầu, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng, khoét sâu phân cực chính trị tại nhiều quốc gia và thậm chí được sử dụng như một chiêu bài chính trị trong quan hệ giữa các nước.
Cộng đồng quốc tế lo ngại, Covid-19 có nguy cơ châm ngòi các cuộc xung đột và làm gia tăng tình trạng đói nghèo trên thế giới. Nhiều giá trị về quyền con người bị đảo lộn, biểu hiện rõ nhất là các cuộc biểu tình phản đối biện pháp phong tỏa và phong trào bài vaccine, nhiều quyền và tự do cá nhân bị hạn chế hoặc xâm phạm.
Thông tin dịch bệnh Covid19 bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc khiến tâm lý thù ghét, bài xích người gốc Á, hàng nghìn vụ bạo lực liên quan đến thù hằn chủng tộc đã được ghi nhận tại Mỹ và một số nước châu Âu.
Cuộc điều tra nguồn gốc virus nCoV-2 đã tác động mạnh mẽ tới các mối quan hệ quốc tế, điển hình là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng, khiến Mỹ áp đặt cuộc thương chiến với Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch, đe dọa trừng phạt và bồi thường thiệt hại.
Đáp lại, Trung Quốc cáo buộc Mỹ chính trị hóa cuộc khủng hoảng nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi cách xử lý đại dịch yếu kém của mình. Mỹ bị tổn thất nghiêm trọng về nhân mạng và kinh tế do đại dịch. Nội bộ bị phân cực, chia rẽ khi các bên tranh cãi lẫn nhau về cách ứng phó với đại dịch khiến Tổng thống Trump phải ra đi ở nhiệm kỳ 2.
Virus SARS-CoV-2 siêu nhỏ đã đặt các quốc gia vào tình trạng khẩn cấp như thời chiến với mối đe dọa về sức khỏe, tính mạng và gây nên khủng hoảng đời sống, kinh tế toàn cầu nghiêm trọng... |
Khi diễn biến dịch lên tới đỉnh điểm tác động rất xấu đến tình hình kinh tế-xã hội, chính phủ nhiều nước cấp tốc chi hàng tỷ USD để mua vật tư y tế, đưa ra các gói hỗ trợ lớn để ứng phó đại dịch, giảm nhẹ tác động kinh tế - xã hội do Covid-19 gây ra.
Nhiều tổ chức quốc tế và các nước đã cảnh báo nguy cơ tham nhũng, trục lợi sẽ “bùng phát” trong việc mua sắm vật tư y tế, trong vận hành quỹ hỗ trợ khẩn cấp.
Do phải ưu tiên tốc độ để nhanh chóng có được sản phẩm thiết yếu như máy thở, vaccine, sinh phẩm y tế, những thủ tục đấu thầu, kiểm tra vốn chặt chẽ, nay được đơn giản hóa hoặc bỏ qua. Những quan tham và kẻ gian lợi dụng tình thế, kẽ hở đó để “giữ giá”, “thổi giá”, thực hiện hành vi tham nhũng, trục lợi.
Sự thật, nạn tham nhũng, trục lợi, “kiếm ăn trên sinh mạng người” đã xảy ra ở nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tệ nạn này không chỉ ảnh hướng lớn đến sức khỏe, tính mạng, đời sống của người dân và doanh nghiệp, mà còn tác động tiêu cực tới tâm tư, tình cảm, niềm tin của người dân đối với hệ thống chính trị!.
Giới hoạch định chính sách cùng các nhà khoa học cảnh báo Covid-19 tiếp tục làm thế giới đau đầu trong năm 2022 và có thể xa hơn nữa. Tất cả phụ thuộc vào cách thức virus tiến hóa và khả năng chống chịu, phản ứng của chúng ta.
Covid-19 cũng thức tỉnh cộng đồng nhân loại bộc lộ những phẩm chất nhân văn cao cả, trí thông minh, lòng quả cảm, đức hy sinh. Chưa bao giờ hai từ “đoàn kết”, “chia sẻ” được sử dụng trên xa lộ thông tin toàn cầu nhiều đến thế, nhắc nhở các quốc gia và công dân toàn cầu rằng đại dịch nguy hiểm là có thật, hãy bớt “tham, sân, si”, vượt qua sự chia rẽ, thù hận và chỉ có hợp tác, đồng tâm hiệp lực mới mong sớm vượt qua kiếp nạn!
Thế giới bước vào năm Covid-19 thứ ba. Phải làm gì để một năm mới tốt đẹp hơn?
Câu trả lời nằm trong chính ý thức của mỗi chúng ta - không hoảng loạn, không bấu víu vào những luận cứ phi khoa học, ở cách ứng xử của các quốc gia trong việc đầu tư cho nghiên cứu, coi Covid-19 như một bệnh, một chuyên khoa là hướng đi tất yếu trong thời kỳ thích ứng an toàn.
Covid-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt. Vì vậy, cần tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cấp địa phương để ngăn chặn sự sụp đổ của các hệ thống y tế; bảo đảm quyền tiếp cận công bằng về y tế, nhất là vaccine cho tất cả mọi người; và cần đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Trên hết, đoàn kết toàn cầu là yếu tố quan trọng để cùng nhau chiến đấu chặn đứng những đại dịch trong tương lai, vì an toàn cho mọi người.