📞

CPTPP mang lại lợi thế cạnh tranh khu vực cho Malaysia

22:05 | 12/03/2018
Ngày 12/3, Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia (FMM) nhận định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được ký kết sẽ mang lại cho Malaysia lợi thế cạnh tranh trong khu vực, đồng thời xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư.

Theo FMM, hiệp định trên hứa hẹn mức độ minh bạch và tính có thể dự đoán trong các quy định về đầu tư và các nhượng bộ về thuế, cũng như cách thức giải quyết các rào cản phi thuế quan cho các nhà sản xuất Malaysia.

Liên đoàn này cho rằng, CPTPP sẽ giúp đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu của Malaysia. Ví dụ, trên 80% xuất khẩu phụ tùng ô tô của nước này, đặc biệt là các linh kiện làm từ cao su, sẽ được miễn thuế ngay lập tức. Điều này giúp các linh kiện, thiết bị của Malaysia có thể được xuất khẩu đến các nước thuộc CPTPP như Mexico, đồng thời giúp các nhà sản xuất Malaysia trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: CDN Autotrade)

Bên cạnh đó, các nhượng bộ về thuế được các thành viên CPTPP nhất trí sẽ giúp tăng cường xuất khẩu cho lĩnh vực điện và điện tử, vốn là ngành có đóng góp quan trọng đối với xuất khẩu của Malaysia. Xuất khẩu của Malaysia đến các nước như Canada và các nước Mỹ Latin, nhất là Mexico, cũng sẽ tăng trưởng mạnh. Hiện các nước này đang áp mức thuế cao đối với các mặt hàng như thiết bị điện, viễn thông và điện tử dân dụng, vốn là thế mạnh của Malaysia. 

Ngoài ra, theo FMM, việc tham gia vào CPTPP còn giúp ngành sản xuất găng tay cao su của Malaysia có được lợi thế cạnh tranh trước các nước không phải là thành viên CPTPP, như Trung Quốc.

Không chỉ vậy, CPTPP còn cho phép các nhà sản xuất Malaysia có được nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu đa dạng và chất lượng hơn từ Nhật Bản và Mexico. Đây cũng sẽ là những nơi cung cấp máy móc và thiết bị hạng nặng cho Malaysia. 

Hiệp định CPTPP được ký kết hôm 8/3 vừa qua tại Chile, giữa 11 quốc gia thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Đây là phiên bản mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ quyết định rút khỏi văn kiện này. Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson dự báo CPTPP sẽ giúp Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030.

(theo TTXVN)