Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ký kết Hiệp ước về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện tại Bình Nhưỡng, ngày 19/6/2024. (Nguồn: KCNA) |
Hai bên “chiến tuyến”
Tập hợp lực lượng trên bán đảo Triều Tiên đang ngày một kịch tính với nước đi rất đáng chú ý của Nga và Triều Tiên vào tháng trước. Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Triều Tiên ngày 18-19/6, hai nước đã ký kết Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện với tâm điểm là Điều 4, khẳng định hai bên sẽ “hỗ trợ quân sự và các hình thức hỗ trợ khác” trong trường hợp Nga hoặc Triều Tiên bị “một hoặc một vài nước” tấn công. Đây là điều khoản đáng chú ý và báo hiệu khả năng có thể hình thành liên minh Nga - Triều trong tương lai.
Trên thực tế, hợp tác ngày càng khăng khít giữa hai nước không phải mới được thúc đẩy gần đây. Chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Bình Nhưỡng là kết quả của đà phát triển đang lên của hợp tác Nga - Triều, cũng là nhằm đáp lại chuyến đi đến Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un năm 2023. Ngày 28/3 năm nay, Nga cũng đã phủ quyết một dự thảo Nghị quyết của Liên hợp quốc về việc gia hạn ủy quyền hoạt động của một nhóm chuyên gia độc lập (PoE) theo dõi việc thi hành các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, Hiệp ước Đối tác Chiến lược toàn diện lần này giữa Nga và Triều Tiên đã có tác động chưa từng có tiền lệ đến lập trường chính sách của Hàn Quốc đối với việc viện trợ vũ khí cho các bên tham gia xung đột. Trước Hội nghị thượng đỉnh Vladimir Putin – Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng, Hàn Quốc vẫn luôn từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine bất chấp áp lực từ phía Mỹ và phương Tây.
Tuy nhiên, Hàn Quốc đang cân nhắc đảo ngược chính sách này, đồng thời thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với NATO. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 3 liên tiếp kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5/2022. Hàn Quốc và NATO cũng đang có kế hoạch thiết lập cơ chế hợp tác về viện trợ cho Ukraine, thảo luận hợp tác về công nghiệp quốc phòng và tìm hiểu các khả năng mở rộng trao đổi thông tin tình báo giữa hai bên.
Một bên “lấp lửng”
Mặc dù có quan hệ gần gũi với cả Nga, Triều Tiên và không hài lòng về hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn, Trung Quốc vẫn tỏ thận trọng trước Hiệp ước Nga - Triều mới được ký kết. Ưu tiên cao nhất của Trung Quốc đang là giành vị trí số 1 trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu với Mỹ, giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước hiện nay.
Để tập trung nguồn lực cho các mục tiêu này, Trung Quốc cần môi trường hòa bình, ổn định xung quanh, nhất là ở Đông Bắc Á. Nếu Trung Quốc không có nước đi khôn khéo giữa hai tập hợp lực lượng Nga - Triều và Mỹ - Nhật - Hàn để tránh can dự trực tiếp vào hai điểm nóng Ukraine và Triều Tiên, môi trường ổn định mà Trung Quốc đang cần sẽ bị đe dọa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, ngày 16/5/2024. (Nguồn: The Guardian) |
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn đang ứng xử hài hòa với các bên để đảm bảo mục tiêu đó. Trong khi không viện trợ quân sự trực tiếp cho cả Nga và Triều Tiên, Trung Quốc vẫn duy trì phối hợp nhịp nhàng với Nga trong BRICS, SCO; kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao với Nga và Triều Tiên trong năm 2024. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Nga Putin tại Bắc Kinh vào tháng 5; cử ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) thăm hữu nghị Triều Tiên hồi tháng 4.
Trung Quốc cũng bỏ phiếu trắng đối với dự thảo Nghị quyết của Liên hợp quốc về PoE theo dõi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên ngày 28/3 trong khi tìm kiếm quan hệ thân thiện hơn với Hàn Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Trung - Nhật - Hàn lần thứ 9 tại Seoul do Hàn Quốc (Chủ tịch luân phiên năm nay) tổ chức ngày 26-27/5, chính thức nối lại cơ chế thường niên này sau gần 5 năm ngắt quãng. Đáng chú ý, Trung - Hàn cũng đã tổ chức Đối thoại ngoại giao - an ninh 2+2 cấp Thứ trưởng tại Seoul, Hàn Quốc chỉ 1 ngày trước khi Nga và Triều Tiên ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Những liên kết ngắn hạn?
Trong thời gian tới, quan hệ hợp tác Nga - Triều sẽ tiếp tục phát triển nếu như không có sự thay đổi về chính sách đối với Triều Tiên của Mỹ và Hàn Quốc cũng như bước ngoặt mới trong tình hình chiến sự tại Ukraine. Mặc dù vậy, việc thực thi Điều 4 của Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sẽ vấp phải một số trở ngại ở thời điểm hiện tại.
Từ góc độ của Nga, mục tiêu cao nhất vẫn là giành thắng lợi trong xung đột ở Đông Âu. Việc hỗ trợ phòng thủ cho Triều Tiên sẽ làm dàn trải lực lượng của Nga trên hai mặt trận cùng một lúc trong khi Nga đang thiếu hụt vũ khí. Thêm vào đó, cũng có ít khả năng Triều Tiên sẽ bị tấn công từ bên ngoài. Mỹ đang cần tập trung cho bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới với nhiều diễn biến hết sức khó lường như việc ứng viên Donald Trump bị ám sát hụt cho đến việc đương kim Tổng thống Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (giữa) phát biểu tại buổi họp báo chung trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Nhật Bản - Trung Quốc lần thứ 9, tại Seoul, ngày 27/5/2024. Từ trái sang là Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc) |
Tương tự, ở Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng đang cần giải quyết các vấn đề phức tạp của chính trị trong nước, đối mặt với áp lực lớn từ người dân Hàn Quốc trong bối cảnh nhiều người ký vào đơn kiến nghị trực tuyến yêu cầu luận tội Tổng thống. Trong bối cảnh như thế, việc đẩy khủng hoảng với Triều Tiên lên cao vào thời điểm này sẽ càng làm "lung lay" vị trí lãnh đạo của ông Yoon.
Về phía Mỹ - Nhật - Hàn, kịch bản vắng bóng của hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Yoon Suk Yeol ở Mỹ và Hàn Quốc sau năm 2024 và 2027 sẽ đặt dấu hỏi lớn cho sự phối hợp lâu dài của hợp tác 3 bên. Nếu như không có những nỗ lực chủ động bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản của Tổng thống Yoon, có lẽ Hội nghị Thượng đỉnh Trại David lịch sử đã không thể diễn ra. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ có hướng triển khai chính sách đối với vấn đề Ukraine, Triều Tiên như thế nào? Kịch bản Trump 2.0 có thể tạo ra những chuyển biến mới cho cục diện bán đảo Triều Tiên hay không? Đây là những câu hỏi vẫn còn để ngỏ câu trả lời đến năm 2025.
Về phía Trung Quốc, nhiều khả năng nước này sẽ tiếp tục “án binh bất động”, không có động thái can dự rõ ràng vào những rối ren ở bán đảo Triều Tiên hiện nay, ít nhất là trong năm 2024 khi chưa có sự thay đổi lớn về chính sách của Mỹ, Hàn Quốc đối với vấn đề Triều Tiên cũng như tình hình chiến sự ở Ukraine. Việc ai sẽ kế nhiệm Tổng thống Mỹ Joe Biden và quản lý cạnh tranh với Mỹ hậu Biden cũng là vấn đề thuộc ưu tiên cao hơn của Trung Quốc thay vì quan tâm thúc đẩy đối thoại phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên ở thời điểm Trung Quốc đang cần giữ cho Đông Bắc Á ổn định như hiện nay.
| Phái đoàn quân sự Nga thăm Triều Tiên Ngày 18/7, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã tiếp phái đoàn quân sự Nga do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Alexei Krivoruchko dẫn ... |
| Triều Tiên đón khách quý từ Nga, Mỹ tỏ nỗi lo về mối 'thâm tình' Moscow-Bình Nhưỡng Ngày 22/7, Tổng công tố Liên bang Nga Igor Krasnov đã tới Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm làm việc đầu tiên của lãnh đạo ... |
| Sau Nga, đây là nước tiếp theo Triều Tiên tuyên bố tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực Ngày 23/7, Ngoại trưởng Belarus Maxim Ruzenkov đã đến Bình Nhưỡng trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày. |
| Lực đẩy mới cho quan hệ Trung - Nga Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới ... |
| Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác năng lượng với Nga Ngày 17/11, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đã đề nghị Trung Quốc và Nga làm sâu sắc hơn nữa hợp tác về năng ... |