Nhiều cơ sở hạ tầng cáp quang quan trọng bị hư hại ở vùng Biển Baltic. (Nguồn: PSU) |
Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, một cuộc chiến ngầm đã diễn ra giữa Nga và NATO, và ngày càng trở nên căng thẳng về cáp quang biển.
Trong vài tháng qua, nhiều cơ sở hạ tầng cáp quang quan trọng đã bị hư hại ở vùng Biển Baltic, chủ yếu do các tàu dân sự neo đậu quá gần. Nhiều nghi ngờ đổ dồn vào Nga, mặc dù không có bằng chứng cụ thể. Ngày 27/12, NATO đã có động thái tuyên bố tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Baltic.
Động thái này diễn ra sau sự cố cáp điện Estlink 2 nối giữa Phần Lan và Estonia đã bị hư hại ngày 25/12, chỉ một tháng rưỡi sau khi 2 cáp quang ở vùng biển của Thụy Điển bị đứt. Cảnh sát Phần Lan nghi ngờ tàu chở dầu Eagle-S có liên quan đến sự cố này. Con tàu này bị nghi ngờ thuộc một hạm đội vận chuyển dầu Nga bị cấm vận, đã rời cảng Ust-Luga của Nga vào ngày 24/12.
Trước tình hình các vụ việc xảy ra ngày càng nhiều, các quốc gia ven Biển Baltic hy vọng sẽ thuyết phục các đồng minh triển khai nhanh chóng các tàu để giám sát và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Estonia ngày 27/12, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết: “Một giải pháp tiềm năng là triển khai lực lượng của Thụy Điển ở đây, hoặc của Đức, Ba Lan hay bất kỳ quốc gia nào khác. Nhờ các mối quan hệ song phương, chúng tôi có thể tìm ra các giải pháp nhanh hơn so với việc chờ đợi toàn bộ NATO”.
Lo ngại sự cố tương tự diễn ra, Estonia đã quyết định triển khai các cuộc tuần tra trên biển để bảo vệ cáp Estlink 1 - cáp duy nhất còn hoạt động sau khi Estlink 2 bị hư hỏng.
Trong khi đó, ngày 24/12, Liên minh châu Âu (EU) đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các tàu Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố: “Con tàu bị nghi ngờ là một phần trong 'hạm đội ma' của Nga. Chúng tôi sẽ đề xuất các biện pháp bổ sung, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt để nhắm vào hạm đội này”. EU cũng dự định thực hiện các biện pháp mới để bảo vệ các cáp dưới biển, bao gồm “các công nghệ phát hiện mới” và “khả năng sửa chữa dưới biển”.
Cảnh giác cao độ
Không chỉ có Biển Baltic, các hoạt động của tàu Nga được NATO theo sát ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Trong đó, có 2 tàu thường xuyên hoạt động trong các vùng biển này và phía NATO cho rằng các tàu này theo dõi sát sao đường đi của các cáp quang: Kildin - một tàu có kích thước tương đương một tàu đánh cá lớn, được cho là trang bị khả năng nghe lén điện từ và Yantar - một tàu do thám.
Sau khi rời Biển Baltic vào đầu tháng 11, Yantar đã di chuyển dọc theo bờ biển Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy. Một nguồn tin quân sự châu Âu tiết lộ: “Nó theo dõi chính xác đường đi các cáp quang dưới biển của chúng tôi. Sau khi dừng lại khoảng 10 ngày tại cảng Tartus (Syria), đến ngày 25/12, tàu này đã quay trở lại Cyprus. Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ đến hiện trường vụ chìm tàu Ursa Major (tàu chở hàng của Nga bị chìm vào ngày 23/12 giữa Tây Ban Nha và Algeria), nhưng nhiệm vụ tình báo dường như quan trọng hơn”. Phạm vi hoạt động của các tàu Nga có thể được sử dụng cho các “hành động trong tương lai”.
Hải quân các nước phương Tây đã siết chặt vòng vây quanh Yantar và Kildin, thay phiên nhau tuần tra giám sát. Nguồn tin quân sự chia sẻ: “Chúng ta như đang chơi trò mèo vờn chuột ở chính sân nhà mình”.
Các tàu tuần tra của NATO không ngần ngại phô trương sức mạnh, sẵn sàng “đuổi khéo” bất cứ khi nào tàu Nga lại gần các tuyến cáp quan trọng.
Những va chạm này đã tạo ra một bầu không khí căng thẳng, cho thấy một cuộc chiến ngầm đang diễn ra dưới lòng đại dương.
Được giới thiệu cách đây khoảng 10 năm như một tàu khảo sát thủy văn, Yantar sở hữu một khoang tàu có thể mở ra để hạ thủy một robot dưới nước một cách kín đáo. Nguồn tin quân sự nêu rõ: “Con tàu đó không chỉ đơn thuần nghiên cứu đáy biển. Nhưng việc chứng minh một hành vi phá hoại là cực kỳ khó. Chúng ta phải lần theo từng mét, từng giây đường đi của nó để có thể kết luận nó đã tác động lên một sợi cáp nào đó và phải liên kết giữa những gì quan sát được trên mặt nước với những gì các nhà điều khiển nhìn thấy”.
Trong những năm qua, hải quân các nước NATO đã trang bị các phương tiện quan sát dưới nước, robot điều khiển từ xa hoặc thiết bị không người lái để kiểm tra tình trạng của các cáp quang, bổ sung cho các phương tiện do các công ty như Orange Marine hoặc Alcatel Submarine triển khai, đồng thời giám sát 24/7 để kịp thời phát hiện bất thường.
Orange Marine khẳng định công ty này có nhiều tuyến cáp khác nhau để có thể chuyển hướng lưu lượng trong trường hợp xảy ra sự cố, nhờ đó đảm bảo dịch vụ liên tục cho khách hàng, đồng thời nhắc lại rằng các sự cố đứt cáp dưới biển xảy ra thường xuyên, khoảng 150 đến 200 lần/năm. Tuy nhiên, theo Orange Marine, hầu hết các sự cố này là do các hiện tượng tự nhiên (động đất, lở đất) hoặc các tai nạn hàng hải (câu kéo, neo đậu tàu).
Tàu của Lực lượng Biên phòng Phần Lan tuần tra ở vùng biển gần Helsinki. (Nguồn: Getty) |
Thách thức an ninh phi truyền thống
Việc bảo vệ hệ thống cáp quang toàn cầu trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng là một thách thức lớn đối với các nhà khai thác tư nhân. Những phương thức tấn công tinh vi và khó phát hiện như: cắt cáp, chôn các thiết bị nghe trộm hoặc tấn công mạng đã làm cho vấn đề này trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Nhà nghiên cứu Julien Nocetti thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) cho rằng: “Sự mơ hồ giữa các hoạt động bình thường và các hành vi gây hấn, cùng với việc không công khai nhận trách nhiệm đã tạo ra một môi trường an ninh đầy rủi ro, khiến việc xác định mục tiêu tấn công và truy cứu trách nhiệm trở nên khó khăn”. Điều này không chỉ gây gián đoạn thông tin liên lạc mà còn đe dọa đến an ninh và kinh tế của nhiều quốc gia.
Ngoài những gì đang diễn ra trên biển, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng lo ngại về nguy cơ leo thang quan hệ với Nga thông qua những mối nghi ngại như vậy.
Đứng trước những thách thức an ninh phi truyền thống, NATO dường như đang bối rối, khó xử. Điều 5 của NATO, vốn được thiết kế để ứng phó với các cuộc tấn công quân sự trực tiếp, đang gặp phải những thách thức chưa từng có.
Một cuộc tấn công bằng tên lửa sẽ kích hoạt một phản ứng rõ ràng, nhưng đối mặt với những vụ phá hoại cáp quang biển liên tiếp và khó xác định, NATO sẽ phải làm gì? Câu hỏi đặt ra là liệu các hành vi phá hoại có được coi là một cuộc tấn công vũ trang để kích hoạt Điều 5 hay không?
Vấn đề này cũng dẫn đến một câu hỏi cấp bách về tương lai của NATO. Nếu không có những thay đổi thích hợp về khả năng răn đe và bảo vệ thì liên minh có thể bị suy yếu. Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên phải tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo và phát triển các công cụ pháp lý mới để đối phó với các hình thức tấn công phi truyền thống.