Cuộc chơi mạo hiểm của Mỹ và Iran tại Trung Đông. (Nguồn: AFP) |
Cộng đồng thế giới có nhiều lý do để lo ngại về những diễn biến tiếp theo sẽ xảy ra ở khu vực Trung Đông. Sau các vụ tấn công bằng máy bay không người lái gây thiệt hại nặng cho hai cơ sở chế xuất dầu thô của Saudi Arabia và khiến giá “vàng đen” thế giới có lúc tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua, đã có nhiều thông điệp trái chiều phát đi từ Mỹ và các đồng minh. Điều đó cho thấy những toan tính truyền thống đã không còn chính xác trong bối cảnh hiện nay.
Chiến lược “câu giờ"
Thế giới đang trải qua thời điểm rất quan trọng. Bất kỳ nước cờ sai lầm nào cũng có thể gây ra những hậu quả tai hại. Phát động một cuộc chiến tranh trong khu vực sẽ mở “chiếc hộp Pandora” và dẫn đến những rủi ro kinh tế và rủi ro chiến lược chưa từng có.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sử dụng chiến lược “câu giờ” bằng cách cử Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Trước đây, một cuộc tấn công có quy mô như vậy nhằm vào đồng minh thân cận của Mỹ có thể khiến Washington ngay lập tức phát động chiến dịch quân sự, thậm chí không cần bất kỳ bằng chứng nào. Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi và Tổng thống Mỹ cũng không phải là một Tổng thống có suy nghĩ trực diện như vậy.
Thái độ thận trọng của ông Trump phản ánh tình thế “tiến thoái lưỡng nan” mà ông phải đối mặt. Trên thực tế, ông không muốn tham gia vào một cuộc xung đột quân sự khác ở Trung Đông, nhưng cũng không muốn tỏ ra là một nhà lãnh đạo yếu đuối.
Jamal Abdi, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về vấn đề Iran ở Washington nhận định: “Tình hình hiện nay là rất nghiêm trọng, có thể tác động đến nền kinh tế toàn cầu nếu Mỹ quyết định trả đũa quân sự. Tình thế tại Trung Đông giống như trong một nồi áp suất khi những sự kiện như vậy có thể đẩy mọi chuyện bùng phát và xoay vần từ các lực lượng ủy nhiệm sang cuộc chiến tranh toàn diện”.
Trong khi đó, Joe Bermudez, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định, những hình ảnh vệ tinh cho thấy, kẻ tấn công có kiến thức về máy móc và chế xuất dầu mỏ khi đã nhằm chính xác vào những nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia tại Abqaiq để làm tê liệt hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh sẽ không thể cho biết cuộc tấn công bắt nguồn từ đâu.
Cho đến nay, Iran bác bỏ mọi cáo buộc về bất kỳ sự liên quan nào tới vụ tấn công, song Tehran lại không lên án phiến quân Houthi khi cho rằng, vụ tấn công là một thông điệp khẳng định cuộc chiến ở Yemen cần phải được chấm dứt và phiến quân Houthi có quyền phản ứng trước các tội ác đang xảy ra ở Yemen.
Tuy nhiên, chắc chắn đằng sau vụ tấn công này không chỉ là về vấn đề Yemen, mà còn là về Iran và việc họ không thể bán dầu mỏ trên thị trường toàn cầu. Theo các nhà ngoại giao châu Âu, thông điệp của Tehran rất rõ ràng, đó là nếu Iran không được nới lỏng trừng phạt thông qua các biện pháp ngoại giao thì họ sẽ khiến Mỹ và các đồng minh phải gánh chịu sự hỗn loạn.
Rủi ro thực sự đối với nước Mỹ
Nền kinh tế Iran đang phải chịu áp lực rất lớn và giới lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi giáo đã tính toán rằng, “chơi cùng một trò chơi” và trông đợi những kết quả khác nhau sẽ không giúp ích gì cho họ. Do đó, quyết định bây giờ là lúc thay đổi các quy tắc hành động, khai thác sự miễn cưỡng của Tổng thống Trump khi khó có thể tham gia bất kỳ cuộc chiến nào trong giai đoạn “nhạy cảm” trước cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau.
Như các nhà ngoại giao châu Âu đã nói, đó là một rủi ro đã được Iran tính toán. Nếu động thái này thúc đẩy Chính quyền Tổng thống Trump tham gia đàm phán ngoại giao với Iran, điều đó là rất tốt. Tuy nhiên, nếu động thái này dẫn đến sự đối đầu quân sự, mọi quốc gia khác trong khu vực sẽ phải gánh chịu hậu quả khi các lực lượng ủy nhiệm của Tehran sẽ có những hành động đáp trả Mỹ và các đồng minh của Washington ở Lebanon, Syria, Iraq và Yemen.
Tất nhiên, đối đầu quân sự là kịch bản xấu nhất đối với Iran. Tehran hiểu rằng, Chính quyền của ông Trump cũng sẽ tìm cách tránh xung đột quân sự nổ ra. Các cử tri Mỹ trong vài năm qua đã bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Donald Trump sau khi họ hứa sẽ rút quân khỏi Trung Đông. Bản thân ông Trump đã nổi tiếng với câu nói: “Các quốc gia vĩ đại sẽ không tham chiến trong những trận chiến bất tận”. Và sau khi lên tiếng cảnh báo “đạn đã lên nòng”, ông Trump lại cho thấy, ông muốn tránh chiến tranh xảy ra. Người Iran đã xây dựng một chiến lược xung quanh tâm lý đó của Tổng thống Mỹ.
Hiện trường một nhà máy của Tập đoàn Saudi Aramco sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào ngày 14/9 . (Nguồn: Reuters) |
Trong khi truy tìm nguồn gốc của vụ tấn công chắc chắn sẽ là chủ đề mà giới điều tra và phân tích tình báo tập trung, viễn cảnh bức tranh rộng hơn là những gì phía ngoại giao châu Âu quan tâm hơn vào lúc này. Đối với họ, gốc rễ của sự leo thang hiện tại là do Chính quyền Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran. Thêm vào đó là sự ủng hộ của Chính quyền Mỹ đối với cuộc xung đột tại Yemen, mặc dù Quốc hội nước này bỏ phiếu để ngăn Washington can dự vào cuộc chiến và ngừng vũ trang bất kỳ bên nào. Và hiện giờ, Mỹ lại đứng trước rủi ro bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh ủy nhiệm trong khu vực Trung Đông, thay vì có thể đóng vai trò là nhà trung gian. Đây mới chính là rủi ro thực sự đối với nước Mỹ.
Tính toán của Iran là gì?
Về phía Iran, nếu thực sự Tehran có liên quan tới vụ tấn công cơ sở dầu mỏ tại Saudi Arabia, câu hỏi đặt ra là tính toán của Iran là gì? Vụ tấn công nghiêm trọng đến mức đã làm giảm 50% sản lượng dầu mỏ của Riyadh, nhưng nó cũng sẽ làm phá hủy mọi khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Câu trả lời trong kịch bản đó là: Iran hành động vì sự sống còn của Tehran.
Chủ tịch Jamal Abdi cho rằng, hiện Iran gặp khó trong xuất khẩu dầu mỏ, trong khi Mỹ lại thông qua các đồng minh như Anh, để can thiệp hoạt động của các tàu chở dầu của Tehran, như vụ bắt giữ tàu chở dầu vừa qua. Người Iran, đặc biệt là những nhà lãnh đạo theo đường lối cứng rắn, không tin Mỹ sẽ quay trở lại thỏa thuận và dỡ bỏ lệnh trừng phạt nước này. Theo họ, thứ ngôn ngữ duy nhất mà Mỹ hiểu lúc này là “trừng phạt và gây sức ép tối đa”. Trong khi đó, Iran sẽ không cầu xin Mỹ nới lỏng trừng phạt. Tehran thực sự muốn đảm bảo rằng, họ chiếm ưu thế và nếu có các cuộc đàm phán, họ sẽ mang đến bàn đàm phán với những lợi thế. Tuy nhiên, nếu đàm phán không xảy ra, Iran sẽ thể hiện khả năng răn đe của riêng mình.
Đây là một “cuộc chơi” rất mạo hiểm. Tuy nhiên, Iran vẫn theo đuổi nó, với hy vọng rằng, nước Mỹ sẽ do dự và các đồng minh của Washington cũng sẽ thận trọng. Bản thân các nước vùng Vịnh cũng rất e ngại hỗ trợ các cuộc tấn công quân sự chống lại Iran vì hậu quả có thể là rất lớn đối với an ninh khu vực. Điều này lý giải vì sao Ngoại trưởng Mỹ tới Saudi Arabia và UAE, nhằm tìm kiếm các giải pháp phù hợp.
Theo một nghĩa nào đó, ông Trump đang thoái thác trách nhiệm của mình. Theo một góc nhìn khác, ông chủ Nhà Trắng muốn đảm bảo rằng, Saudi Arabia sẽ phải sẵn sàng với bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai và Mỹ sẽ không phải là bên duy nhất trong câu chuyện này. Chắc chắn căng thẳng hiện tại sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực của Pháp trong việc tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Trump. Mặc dù vậy, khả năng hai nhà lãnh đạo có thể gặp gỡ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần tới là gần như không thể xảy ra.
Căng thẳng gia tăng cũng có thể là một “cơ hội vàng” cho ngoại giao khi nhu cầu đàm phán ngày càng lớn. Vì vậy, ông Trump sẽ phải đối mặt với một quyết định rất khó khăn trong những ngày tới, và ông có thể thấy lời khuyên từ các đồng minh châu Âu của mình rất hữu dụng. Đó là đừng hành động vội vàng.