Trụ sở Bộ chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD). |
Mới đây, Canada cho biết sẽ sớm đưa ra kế hoạch hiện đại hóa Bộ chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD), tổ chức mà Mỹ và Canada lập ra để bảo vệ khu vực này trước nguy cơ xảy ra các vụ tấn công trên không. Canada đã quyết định mua hai tàu phá băng và dự kiến sẽ mua 88 máy bay chiến đấu trong năm nay.
Không riêng gì Canada, các nước quanh Bắc Cực, đặc biệt là Mỹ và Nga, cũng đang tăng cường đầu tư vào khu vực này. Nga đã thành lập Bộ chỉ huy chiến lược chung “Phương Bắc” đảm bảo an ninh suốt từ Murmansk đến Anadyr, đồng thời lên kế hoạch khôi phục 13 sân bay quân sự nằm ngoài vòng cực và cho triển khai đến đó các máy bay hiện đại như MiG-31, Tu-160, Tu-95.
Với Mỹ, năm ngoái, Lầu Năm Góc đã thông qua bản cập nhật chiến lược Bắc Cực. Phần không mật của tài liệu có tên là “Giành lại sự thống trị ở Bắc Cực” đã được công bố. Trước đó, hồi năm 2019, Tổng thống Donald Trump thậm chí còn đề nghị mua hòn đảo Groenland của Đan Mạch nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương để dễ kiểm soát Bắc Cực.
Bắc Cực thu hút sự quan tâm của các nước bởi tiềm năng của khu vực này. Ẩn sâu dưới Bắc Cực là khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% lượng khí đốt của thế giới. Đó là chưa kể lượng dầu và khí gas khác như hydrocacbon trong đá phiến dầu và khí metan ở thềm lục địa.
Do khí hậu nóng lên, băng ở nhiều nơi ở Bắc Cực bắt đầu tan, khiến việc khai thác ở khu vực này trở nên dễ dàng hơn. Con đường thủy ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á đi qua vùng Bắc Cực cũng đang dần hình thành.
Xem ra, băng càng tan nhanh thì cuộc đua ở Bắc Cực càng nóng. Đây sẽ là một trong những địa bàn cạnh tranh địa chính trị gay gắt trong tương lai...