TIN LIÊN QUAN | |
Ông Trump sẵn sàng gặp giới lãnh đạo Iran "bất cứ lúc nào" | |
Căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ và truyền thông chưa "giảm nhiệt" |
Đáng chú ý, họ đều là người “ngoại đạo” với chính trường cho tới khi chính thức trở thành lãnh đạo quốc gia: Ông Trump từng nổi tiếng với vai trò doanh nhân bất động sản lọc lõi, còn ông Conte chỉ là một giáo sư dạy luật ít có tên tuổi “vô tình” được chọn để trở thành Thủ tướng bởi đảng Liên đoàn Phương Bắc (NL) và Phong trào Năm Sao (M5S).
Tuy nhiên, trong khi ông Trump là người có cá tính mạnh, luôn muốn thu hút sự chú ý thì ông Conte thường kiệm lời và rất mềm mỏng. Do đó, không ngoài dự đoán cuộc thảo luận và họp báo giữa hai nhà lãnh đạo có tính cách trái ngược ngày 30/7 tại Nhà Trắng đã mang đến nhiều bất ngờ cho những người theo dõi.
Tuy hai mà một
Một trong số đó là việc ông Conte đồng tình với nhiều lập trường của ông Trump như quan điểm về EU và người nhập cư. Sau những lời xã giao như cảm ơn Tổng thống Mỹ vì “lời mời tốt đẹp”, Thủ tướng Italy đã mô tả Washington như “anh em sinh đôi” của Rome, với “những chính phủ của sự thay đổi”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte trong buổi họp báo chung ngày 31/7 tại Nhà Trắng. (Ảnh: TGCom24) |
Quan trọng hơn, khi được hỏi về phản ứng trước nhiều phát ngôn “bạo vì tiền” của ông Trump tại Thượng đỉnh G7 và Thượng đỉnh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa qua, ông Conte đã ủng hộ lãnh đạo nước chủ nhà và nhận định: “Tôi cho rằng ông Trump đã bày tỏ lập trường một cách rõ ràng, đóng góp tích cực vào việc xem xét lại những quan điểm truyền thống”. Điều này là khác hẳn so với những nhà lãnh đạo khác tại EU, tiêu biểu là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi họ tập trung chỉ trích ông Trump. Ông Conte cũng cho rằng việc đóng góp 2% ngân sách cho NATO là “hợp lý”, đồng thời cam kết sẽ “trở thành người truyền tải thông điệp này tới những lãnh đạo khác”.
Trong vấn đề người nhập cư, ông Conte cho biết Italy đang “tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn mới” và “cố gắng giải quyết hiện tượng người nhập cư… tương đồng với lập trường của Tổng thống Trump”, đồng thời nhấn mạnh về trách nhiệm của EU. Về phần mình, ông chủ Nhà Trắng “rất tán thành những gì Italy đang làm với vấn đề nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp”, khẳng định hai bên “nhất trí rằng một đất nước chỉ hùng mạnh khi có đường biên giới vững chắc”.
“Khẩu vị” người Italy
Song dù có giống nhau đến mấy, giữa hai nhà lãnh đạo vẫn tồn tại nhiều khác biệt về quan điểm rõ ràng. Nó cũng giống như cách người Italy chẳng bao giờ nuốt nổi món pizza đầy những dứa và xúc xích của người Mỹ. Một trong những khác biệt đó nằm ở quan hệ với Nga. Ông Conte khẳng định lập trường của Rome với Moscow là “không thay đổi”, đồng thời mong muốn dỡ bỏ cấm vận đối với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Điều này trái ngược với lập trường của Mỹ, khi ông Trump khẳng định sẽ tiếp tục duy trì cấm vận, bất chấp “cuộc gặp tốt đẹp” với ông Putin hai tuần trước tại Helsinki. Tuy nhiên, cả Italy và Mỹ cho biết sẽ sẵn sàng đối thoại với Nga nhằm giải quyết bất đồng còn tồn tại.
Ngoài ra, ông Trump cũng mô tả Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) mà ông hủy bỏ hồi tháng Năm là “nực cười”, đồng thời cho biết: “Ngài Thủ tướng Italy và tôi đồng ý rằng Iran không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân”. Song tuyên bố này của ông Trump đã không nhận được phản ứng tích cực từ ông Conte. Cần nhớ rằng việc JCPOA trên bờ vực sụp đổ đã ảnh hưởng lớn tới hợp đồng đầu tư trị giá 6 tỷ Euro giữa Italy và Iran hồi đầu năm 2018, khép lại cánh cửa vào một thị trường đầy tiềm năng của các doanh nghiệp xứ sở hình chiếc ủng.
Cuối cùng, như thường lệ, ông Trump không quên nhắc đến thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Italy: “Italy có thặng dư thương mại lên tới 31 tỷ USD với Mỹ, đồng nghĩa với việc Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại 31 tỷ USD với Italy. Chúng tôi đã bàn thảo về điều này và sẽ tìm ra giải pháp trong thời gian tới”. Tuần trước, Tổng thống Donald Trump và một lãnh đạo khác của châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude-Juncker đã cùng nhau “tìm giải pháp” tại Washington. Ông Trump đã nhất trí với ông Juncker sẽ đưa Mỹ “hướng tới gỡ bỏ thuế nhập khẩu, hàng rào phi thuế quan và hỗ trợ đối với các mặt hàng phi công nghiệp”, đổi lại EU sẽ tăng cường thương mại dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế, đậu nành.
Song tại thảo luận và họp báo chung giữa ông Trump và ông Conte, đã không có một tuyên bố tương tự được đưa ra. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về tương lai giao dịch thương mại giữa hai nước, nhất là khi một phần không nhỏ của nền kinh tế Italy là công nghiệp sản xuất đồ xa xỉ xuất khẩu. Đây sẽ là bài toán khó dành cho Thủ tướng Conte và chính phủ liên minh.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, “chơi” với Mỹ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Ông Conte, người chỉ mới bước vào chính trường được vài tháng, đã gây ấn tượng mạnh với ông chủ Nhà Trắng bằng phong thái lịch thiệp, mềm mỏng song cũng không kém phần cứng rắn trong những vấn đề cốt lõi tới lợi ích quốc gia. Đây sẽ là tiền đề không nhỏ để hai bên tiếp tục thắt chặt quan hệ, giải quyết bất đồng và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực cùng quan tâm.
Thổ Nhĩ Kỳ quyết giữ vững lập trường trước lệnh trừng phạt từ Mỹ Ngày 29/7, đài Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Tổng thống nước này Tayyip Erdogan khẳng định Ankara sẽ quyết tâm giữ vững lập ... |
Nếu được mời, Tổng thống Trump sẵn sàng thăm Nga Ngày 27/7, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng thăm Moscow khi ông nhận được lời mời chính thức từ Tổng ... |
Lợi ích khó tách rời khiến Mỹ - EU nhất trí giảm căng thẳng thương mại Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại Nhà Trắng ngày 26-7-2018 theo ... |