Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Thiên Tân ngày 26/7. (Nguồn: THX) |
Phái đoàn Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman dẫn đầu đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và các quan chức khác tại Thiên Tân, Trung Quốc, một tuần sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia liên minh quốc tế lên án Trung Quốc về các cuộc tấn công an ninh mạng toàn cầu.
Mâu thuẫn chưa thể hóa giải
Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá các cuộc gặp là “thẳng thắn và cởi mở”, đồng thời phác họa Bắc Kinh như một nhân tố chuyên phá vỡ các nguyên tắc quốc tế, đặc biệt trong vấn đề Tân Cương.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng lên án việc Trung Quốc từ chối hợp tác với quốc tế để tiến hành một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố rằng cuộc gặp diễn ra “thẳng thắn và chuyên sâu”, phản ứng trước hàng loạt chỉ trích từ Washington.
Giới chức Trung Quốc thể hiện thái độ “bất bình mạnh mẽ” với chính sách mà Bắc Kinh coi là "đặc biệt nguy hiểm” của Washington và những cáo buộc về vấn đề nhân quyền.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, giới chức nước này “yêu cầu Mỹ ngay lập tức dừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, chấm dứt việc làm tổn hại các lợi ích của Trung Quốc, vượt qua giới hạn đỏ, 'đùa với lửa' và ngừng 'kéo bè kết cánh' để hình thành một liên minh chống Trung Quốc dưới vỏ bọc các giá trị”.
Đáng chú ý, lần đầu tiên Trung Quốc trao cho Mỹ danh sách những bất bình và những vấn đề mà nước này cho là "giới hạn đỏ", yêu cầu Mỹ có động thái để sửa chữa mối quan hệ song phương.
Một bản tóm tắt nội dung cuộc đối thoại của Ngoại trưởng Vương Nghị với Thứ trưởng Sherman trên tài khoản Weibo của đài truyền hình CCTV cho biết nhà ngoại giao Trung Quốc đã nêu 3 yêu cầu chính.
Một là, Mỹ không được thách thức hay tìm cách phá vỡ mô hình quản trị của Trung Quốc.
Hai là, không được can thiệp vào sự phát triển của Trung Quốc.
Ba là, không được xâm phạm chủ quyền hay gây tổn hại tới toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Ngoại trưởng Vương Nghị được cho là đã nhấn mạnh với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ rằng Đài Loan là vấn đề “quan trọng nhất” trong vấn đề chủ quyền.
Ngoài ra, nội dung trong danh sách các yêu cầu đối với Mỹ còn bao gồm việc dỡ bỏ lệnh hạn chế, lệnh trừng phạt đối với nhiều tổ chức, cá nhân Trung Quốc.
Mong muốn tiếp tục đối thoại
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Ngô Tâm Bá thuộc Đại học Phúc Đán, cho rằng cuộc gặp tại Thiên Tân là cần thiết để hai bên đánh giá về ý định cũng như điều mà đối phương quan tâm trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đều đang chuẩn bị cho giai đoạn đối đầu và giao thiệp tiếp theo.
Theo vị chuyên gia này, cuộc hội đàm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với người đồng cấp Trung Quốc Tạ Phong là cơ hội để Bắc Kinh trình bày quan điểm về những vấn đề chính với hy vọng cải thiện cái nhìn của Mỹ về Trung Quốc.
Trong khi đó, cuộc gặp của bà Sherman với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là để hai bên thảo luận về bước tiếp theo cho mối quan hệ Mỹ-Trung.
Chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhằm tạo dựng những nền tảng nhất định cho mối quan hệ Mỹ-Trung đang xói mòn. (Nguồn: EPA) |
Có thể thấy rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tìm cách giành được lợi thế trong việc kiểm soát mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới và định hình nền tảng cho cuộc gặp đầu tiên giữa hai Tổng thống Joe Bien và Chủ tịch Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 10 tới.
Dù ngôn ngữ đưa ra trong cuộc gặp khá quyết đoán, cả hai bên đều tỏ ý mong muốn tiếp tục đối thoại.
Nhà phân tích về Trung Quốc Neil Thomas làm việc tại Tổ chức Eurasia, hãng tư vấn rủi ro chính trị, đánh giá, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang trong giai đoạn cạnh tranh chiến lược, mối quan hệ xét về tổng thể đang xuống dốc, và xu hướng này tiếp diễn trong các cuộc gặp vừa qua.
Tuy nhiên, nhà phân tích Thomas cũng chỉ ra rằng, việc cả hai bên đều muốn có cuộc gặp này cho thấy cả ông Biden và ông Tập Cận Bình đều muốn tạo dựng những nền tảng nhất định cho mối quan hệ đang xói mòn.
Ông Neil Thomas nhấn mạnh: "Bởi họ đều biết đây là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới. Mối quan hệ đó có những ảnh hưởng đáng kể tới sự ổn định trên toàn cầu trên khía cạnh chính trị, an ninh và cả kinh tế”.
Trao đổi với tờ New York Times sau cuộc gặp ở Thiên Tân, Thứ trưởng Sherman nói: “Trong những lĩnh vực hai bên có chung lợi ích, và có những lợi ích toàn cầu đáng kể, chúng tôi đã có các cuộc thảo luận đầy tính xây dựng và chia sẻ một số ý tưởng. Chúng ta sẽ cần phải xem xem mọi chuyện sẽ đi tới đâu”.
Chuyến công du Trung Quốc của bà Sherman diễn ra sau các chặng dừng chân khác tại châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ, trùng thời điểm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang ở thăm Singapore và Ngoại trưởng Antony Blinken khởi hành tới Ấn Độ. Những diễn biến này phản ánh tầm quan trọng của châu Á đối với chính quyền ông Joe Biden.
Chuyến đi tới Thiên Tân của thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng đánh dấu cuộc gặp đầu tiên kể từ sau những căng thẳng tại Alaska hồi tháng 3 giữa quan chức Mỹ-Trung.
Bản ghi nội dung các cuộc gặp của Thứ trưởng Sherman cho thấy các tranh cãi hồi tháng 3/2021 không những không được hóa giải mà còn tiếp tục leo thang căng thẳng, đặc biệt là trong các vấn đề như nhân quyền và nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm điều tra nguồn gốc dịch Covid-19.
| Được và mất từ cuộc gặp Mỹ-Trung tại Thiên Tân Cuộc gặp giữa quan chức ngoại giao Mỹ-Trung không thể hóa giải bất đồng, song vẫn tạo dư địa để hai nước tìm hiểu, tiếp ... |
| Chạy đua vũ trang ở Bắc Cực, Nga tung chim sắt có 'mắt thần', phát hiện được mục tiêu xa hàng trăm km Mới đây, lực lượng không quân-vũ trụ Nga đã triển khai đội máy bay cảnh báo sớm, hay còn gọi là những radar bay A-50U ... |