📞

Cuộc hội ngộ tình yêu dành cho Sài Gòn

16:41 | 08/04/2018
Chương trình giao lưu ra mắt sách "Saigon của tôi" của nhạc sĩ Quốc Bảo ngày 7/4 tại Sân khấu chính, Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q1, TP.Hồ Chí Minh) được xem là cuộc hội ngộ tình yêu dành cho Sài Gòn từ đông đảo bạn đọc với nhiều lứa tuổi khác nhau.

Ngoài nhạc sĩ Quốc Bảo, chương trình còn có sự tham gia của ca sĩ kiêm nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam và ca sĩ June Nguyen, dưới sự dẫn dắt của MC Nguyễn Minh. Chương trình nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc nhiều thành phần lứa tuổi, những người đã và đang dành tình yêu cho Sài Gòn.

Theo chia sẻ của nhạc sĩ Quốc Bảo, Saigon của tôi giống như một tiểu luận về nhiếp ảnh, trong đó anh chọn ra một chủ điểm xuyên suốt, đó chính là tâm tưởng về Sài Gòn, vùng đất đã sinh ra và nuôi nấng anh. Bên cạnh ảnh, cuốn sách còn có thêm những dòng chú thích, góp phần bổ sung thêm cho những điều mà có thể ảnh chưa biểu đạt hết hoặc người xem chưa cảm nhận trọn vẹn cảm xúc, thông điệp sau những bức ảnh.

Chương trình giao lưu ra mắt sách "Saigon của tôi" của nhạc sĩ Quốc Bảo ngày 7/4. (Nguồn: Saigon Books)

Nhạc sĩ Quốc Bảo cho biết thêm, khi chụp những bức ảnh này, anh chủ trương tránh sự cực đoan trong việc phân định thế nào là Sài Gòn đẹp, thế nào là Sài Gòn xấu, Sài Gòn xưa và nay khác nhau như thế nào. Khi đặt tên cuốn sách là Saigon của tôi, Quốc Bảo hoàn toàn không có ngầm ý để phân biệt Sài Gòn của cá nhân mình với mọi người, mà theo anh Sài Gòn là của tất cả mọi người.

“Với tôi, Sài Gòn là miền tâm tưởng, xứ tâm tưởng. Những bức ảnh trong sách được ghi lại từ những giấc mơ của tôi, chúng có thể giống hoặc khác với cảm nhận của mọi người. Và tôi cũng không chủ trương phản ánh Sài Gòn xưa và Sài Gòn nay”, nhạc sĩ Quốc Bảo nói.

Vì lẽ đó, bạn đọc có thể bắt gặp trong cuốn sách Saigon của tôi những hình ảnh về Sài Gòn thoạt trông đầy ngẫu hứng. Đó có thể là bước chân, thùng xốp, quán cóc, gánh hàng rong, chiếc đèn… mà đôi khi bạn đọc hoàn toàn có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống. Sài Gòn trong Quốc Bảo là vậy, không yên tĩnh thì không còn là Sài Gòn nữa nhưng bằng cảm quan của mình, anh lại mong muốn chuyển tải đến một hình ảnh Sài Gòn thật tĩnh thông qua những bức ảnh của mình.

Với nhạc sĩ Phạm Hoài Nam, Sài Gòn định hình trong anh là những con hẻm, chỉ bởi từ khi vào Sài Gòn lập nghiệp, rồi sau những lần chuyển nhà, anh luôn ở trong những con hẻm sâu của Sài Gòn.

“Những con hẻm gắn bó với mình, rồi nhờ sống trong những con hẻm mà tôi có thể biết mặt quen tên với những người hàng xóm hay những người bán hàng rong. Không giống với nhạc sĩ Quốc Bảo từ nhỏ đến lớn anh đều gắn bó với đường Đồng Khởi, con đường sang chảnh nhất Sài Gòn nên sự cảm nhận của anh về Sài Gòn cũng khác biệt với mọi người hay với cá nhân tôi”, nhạc sĩ Phạm Hoài Nam chia sẻ.

Bìa cuốn sách "Saigon của tôi". (Nguồn: Saigon Books)

Ca sĩ June Nguyen lại mang đến một cảm nhận về Sài Gòn hoàn toàn khác biệt với nhạc sĩ Quốc bảo và nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam. Nếu Sài Gòn trong cảm nhận của hai người đàn ông trung tuổi là những điều mang tính trầm, tĩnh thì Sài Gòn trong June Nguyen lại là nhịp sống nhanh, thôi thúc mình phải làm việc, sáng tạo liên tục. Sau những ngày làm việc đó, cô và các bạn trẻ có xu hướng tìm một nơi yên tĩnh như Đà Lạt để nghỉ ngơi. “Tôi rất thích nhịp sống năng động của Sài Gòn”, June Nguyen tâm sự.

Chương trình giao lưu trở nên sôi nổi và thú vị hơn khi cuốn sách Saigon của tôi những tưởng chỉ chứa đựng tình cảm, suy tưởng mang tính cá nhân của nhạc sĩ Quốc Bảo, nhưng một cách tự nhiên, cuốn sách đã khơi gợi tình yêu Sài Gòn trong lòng những người tham dự. Không chỉ những người từng có ký ức với Sài Gòn mà những bạn trẻ thế hệ 9X từ nơi khác về Sài Gòn học tập và làm việc cũng mong muốn được bày tỏ tình yêu dành cho Sài Gòn.

Một bạn trẻ 9X cho biết: “Tôi rất khó cảm nhận Sài Gòn trong mắt ba mẹ nhưng vẫn thích Sài Gòn của mình. Sài Gòn có 24 giờ thì đã có 23 giờ kẹt xe, rồi những tòa nhà chọc trời thi nhau mọc lên. Nói như vậy không có nghĩa là Sài Gòn không đẹp, có những buổi tối đi xem kịch về khuya, tôi nhìn thấy một vẻ đẹp khác của Sài Gòn. Nếu muốn cảm nhận vẻ đẹp của Sài Gòn thì phải xem Sài Gòn sau 12 giờ đêm. Sài Gòn không bao giờ ngủ”.