📞

Đa dạng sinh học biển ở Việt Nam

GS. TS. Nguyễn Hồng Thao 16:54 | 07/11/2023
Việt Nam được đánh giá là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản phong phú trên thế giới.
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao. (Nguồn: Fistenet.gov.vn)

Ða dạng sinh học theo điều 2 Công ước về đa dạng sinh học 1992 có nghĩa là tính (đa dạng) biến thiên giữa các sinh vật sống của tất cả các nguồn bao gồm các hệ sinh thái tiếp giáp, trên cạn, biển, các hệ sinh thái thuỷ vực khác và các tập hợp sinh thái mà chúng là một phần. Tính đa dạng này thể hiện ở trong mỗi bộ loài, giữa các loài và các hệ sinh học.

Bảo tồn đa dạng sinh học

Biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng môi trường biển và ven biển, các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên và môi trường biển không bền vững của con người có tác động xấu đến sinh vật biển và mất đa dạng sinh học biển. Nhiều loài sinh vật biển giảm số lượng, một số loài đã bị tuyệt chủng cục bộ. Sự suy giảm đa dạng sinh học đã dẫn đến sự suy giảm số lượng các loài có giá trị kinh tế, tác động trực tiếp tới kinh tế và điều kiện sống của con người.

Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền.

Tính đa dạng sinh học cao

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; dưới biển có trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển.

Rừng ngập mặn ở Việt Nam tập trung ở vùng biển đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: scem)

Về đa dạng sinh học biển, Việt Nam được Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đánh giá là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản phong phú trên thế giới với khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau.

Nước ta có 114 cửa sông, 12 đầm phá, 50 vũng/vịnh, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều hệ sinh thái, sinh cảnh ven biển và ven bờ quan trong như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các vùng đất ngập nước. Trong tổng loài sinh vật được phát hiện có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.038 loài cá, trong đó có trên 100 loài cá có thể đánh bắt vì mục đích kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước.

Ngoài ra còn phát hiện khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Biển Việt Nam có khoảng 1.122km2 rạn san hô với khoảng 350 loài san hô đá phân bổ rộng khắp từ Bắc vào Nam. Sống gắn bó với các vùng rạn san hô là trên 2.000 loài sinh vật đáy và cá, trong đó có khoảng trên 400 loài cá rạn san hô và nhiều hải đặc sản khác.

Rừng ngập mặn có khoảng 252.500ha, tập trung ở vùng biển đồng bằng sông Cửu Long (191.800ha). Các thảm cỏ biển phân bổ từ Bắc vào Nam và ven các đảo, ở độ sâu từ 0 - 20m, có tổng diện tích trên 5.583ha, tập trung ở ven biển các đảo Phú Quốc, Côn Đảo, quần đảo Trường Sa và một số cửa biển miền Trung. Bước đầu, các nhà khoa học đã phát hiện 125 loài động vật đáy và 158 loài rông biển sống trong và dưới thảm cỏ biển.