📞

Đại dịch Covid-19 hay nút ‘F5’ trong quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc

Hải Yến 13:59 | 17/04/2020
TGVN. Theo học giả Rintaro Nishimura, trợ lý nghiên cứu về Hàn Quốc tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ (CNI) trong bài viết trên The National Interest mới đây, quan hệ Tokyo – Seoul có thể được cải thiện không chỉ nhờ đại dịch Covid-19, mà còn thông qua những điểm đồng mà hai bên cùng chia sẻ lợi ích.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 12/2019. (Nguồn: The National Interest)

Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc xấu đi trong hai năm gần đây khi Tokyo và Seoul không có giải pháp kịp thời nhằm cải thiện quan hệ. Từ mâu thuẫn lịch sử về vấn đề “lao động thời chiến” và tranh chấp chủ quyền, căng thẳng giữa hai đồng minh châu Á của Mỹ đã nhanh chóng lan sang chính trị và kinh tế, dẫn đến hàng loạt động thái “ăn miếng, trả miếng”.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại châu Á và thế giới, Nhật Bản đã ban hành thời hạn tự cách ly 14 ngày tạm thời cho hành khách từ Hàn Quốc và Trung Quốc, đồng thời tạm dừng chính sách miễn thị thực.

Quyết sách này khiến Seoul hành động tương tự, ngưng chương trình miễn thị thực từ ngày 13/4 cho 90 quốc gia, trong đó có Nhật Bản.

Không khó để nhận ra đại dịch Covid-19 đã khiến căng thẳng song phương thêm trầm trọng. Tuy nhiên, giới quan sát đều đồng tình rằng, cả hai sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ một mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, bởi hai cường quốc này có nhiều điểm đồng hơn họ nghĩ.

Vì vậy, Tokyo và Seoul có thể coi dịch Covid-19 như một nút “F5 - refresh” để cải thiện quan hệ song phương, vì lợi ích của hai quốc gia và an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hy vọng le lói rồi chợt tắt

Năm 2018 và 2019 đã chứng kiến thăng trầm trong quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, với sự xuất hiện chủ đạo của gam màu tối. Mặc dù một số chỉ dấu trong năm 2020 cho thấy sự tiến triển trong quan hệ, song điều tốt đẹp đã không kéo dài khi Hàn Quốc lựa chọn đảo ngược tiến trình “phá băng”.

Trái ngược với những gì diễn ra hai năm trước, năm 2020 đã cho thấy nỗ lực hàn gắn quan hệ của lãnh đạo hai nước. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề nghị hai bên hợp tác giải quyết vấn đề lao động thời chiến, còn Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo gọi Seoul là láng giềng quan trọng nhất mà Tokyo chia sẻ giá trị và lợi ích.

Nhân viên y tế Hàn Quốc kiểm tra thân nhiệt tại một tòa nhà cao tầng ở khu phố Sindorim, thủ đô Seoul ngày 10/3. (Nguồn: Yonhap)

Tính đến ngày 17/4, Hàn Quốc đã có 10,635 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong khi con số này ở Nhật Bản là 8,582. Mặc dù đại dịch Covid-19 ban đầu được coi là cơ hội để “phá băng”, song lệnh hạn chế du lịch của Tokyo đã “đổ thêm dầu” vào cuộc xung đột với Seoul.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha mô tả động thái này là “phản khoa học”, còn Thứ trưởng Ngoại giao Cho Sei-young phản đối việc thiếu tham vấn về vấn đề này.

Không chỉ dừng lại ở đó, Hàn Quốc đã đảo ngược tiến trình, lựa chọn khiêu khích Nhật Bản giữa đại dịch. Vào ngày 1/4, Tổng thống Moon Jae-in đã đến thăm một nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn và giải thích rằng, chuyến thăm này cho thấy Seoul sẽ vượt qua đại dịch Covid-19, giống như cách nước này đã vượt qua các lệnh hạn chế xuất khẩu của Tokyo.

Những chỉ dấu và kỳ vọng

Việc giải quyết căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không phải là nhiệm vụ ngày một ngày hai. Khi yếu tố lịch sử và niềm tự hào dân tộc được đan xen, người ta có xu hướng hành động theo cảm xúc và quên đi những lợi ích thực tế của sự hợp tác. Dù vậy, triển vọng cải thiện cục diện quan hệ giữa Tokyo và Seoul không hẳn là không có, khi hội tụ đủ ba yếu tố sau.

Thứ nhất, kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Quốc hội khóa 21 cho thấy, uy tín cá nhân của Tổng thống Moon Jae-in đang tăng và cánh cửa hợp tác trong quan hệ với Nhật Bản đang rộng mở. Ngày 15/4, đảng Dân chủ đồng hành (DP) cầm quyền đã giành chiến thắng áp đảo lần đầu tiên trong 16 năm.

Theo Yonhap, đảng DP cầm quyền cùng đảng vệ tinh Dân chủ vì dân dự kiến giành được 180 ghế, chiếm 3/5 tổng số ghế tại Quốc hội, còn đảng đối lập chính Tương lai Thống nhất (UFP) cùng đảng vệ tinh Tương lai dự kiến giành được 103 ghế.

Kết quả trên cho thấy, nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 đã được đền đáp. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in đạt 52,5%, cao nhất trong hơn 1 năm qua.

Sự tín nhiệm ngày càng tăng của người dân dành cho chính trị gia 67 tuổi sẽ mở ra một chương mới để “cài đặt lại” quan hệ với Nhật Bản, còn cuộc bầu cử Quốc hội lần này sẽ là chìa khóa để mở ra cánh cửa hợp tác giữa hai cường quốc ở Đông Bắc Á.

Thứ hai, hợp tác trong đại dịch Covid-19 có thể là sự khởi đầu trong quá trình xây dựng lòng tin, không chỉ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, mà còn cả với Trung Quốc, láng giềng trung gian quan trọng. Trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 101 năm phong trào kháng Nhật giành độc lập ngày 1/3, Tổng thống Moon Jae-in đã đề cập rằng, các thách thức an ninh phi truyền thống có thể được giảm thiểu bằng cách thắt chặt hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngay sau thông điệp này, vào giữa tháng 3, Ngoại trưởng ba nước láng giềng Đông Bắc Á đã họp trực tuyến chia sẻ thông tin về SARS-CoV-2.

Giới học giả kỳ vọng, thông qua cơ chế tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin, đối thoại về tranh chấp thương mại và vấn đề lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ sớm được giải quyết.

Đàm phán chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ là một trong những vấn đề hai đồng minh châu Á thân cận của Washington phải đối mặt trong thời gian tới. (Nguồn: Wilson Center)

Mỹ - một thông điệp chung

Thứ ba, trong bối cảnh Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang gặp trục trặc trong đàm phán chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ, hai nước có thể lấy điểm đồng này làm đòn bẩy lợi ích, xích lại gần nhau hơn.

Giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, Mỹ và Hàn Quốc đã không đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí đồn trú của quân đội Mỹ tại đây thông qua 7 vòng đàm phán. Bất chấp cảnh báo của Washington rằng một nửa số công nhân Hàn Quốc đang làm việc tại các căn cứ Mỹ sẽ mất việc, Seoul không đồng ý với phương án đóng góp tài chính lên tới 4-5 tỷ USD.

Về phần mình, Nhật Bản cũng sắp phải đối mặt với các cuộc đàm phán tương tự vào cuối năm nay, do Thỏa thuận các Biện pháp đặc biệt (SMA) để chi trả chi phí đồn trú cho quân đội Mỹ năm 2021 sắp hết hạn. Hiện tại, xứ sở hoa anh đào đang đóng góp 1,72 tỷ USD/năm theo SMA và ít nhất 187 triệu USD/năm theo Chương trình Cải thiện Cơ sở vật chất (FIP).

Giống như Hàn Quốc, Nhật Bản là một trong nhiều quốc gia đồng minh mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đang hưởng lợi bất chính từ các thỏa thuận hiện tại. Yêu cầu tăng 5 lần mức đóng góp của ông chủ Nhà Trắng đã không được Tokyo chấp thuận, khi Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga nhấn mạnh rằng mức đóng góp hiện tại rất “hợp lý”.

Với việc Nhật Bản và Hàn Quốc đều ở trong tình huống tương tự, hai bên cần tăng cường trao đổi thông tin và cùng nhau gửi một thông điệp tới Mỹ rằng, đóng góp tài chính không phải là những gì có thể đòi hỏi ở đồng minh.

Cái khó ló cái khôn – điều này được cho là đúng với quan hệ Nhật-Hàn ngày nay. Các chuyên gia cho rằng, Tokyo và Seoul cần nhanh chóng xây dựng lòng tin, thông qua quá trình trao đổi thông tin về SARS-CoV-2, hay chia sẻ về đàm phán chi phí quân sự với Mỹ trong tương lai gần. Vì lợi ích quốc gia và an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ Nhật – Hàn hữu hảo là điều mà các bên đều mong muốn.

(theo The National Interest)