📞

Đại học kinh doanh Lausanne vinh danh thành tích xuất sắc trong sự nghiệp ngoại giao của Đại sứ Dương Chí Dũng

09:57 | 28/09/2020
TGVN. Tối 26/9, Đại học kinh doanh Lausanne (BSL) của Thụy Sỹ đã tổ chức trọng thể Lễ trao Bằng Tiến sỹ Danh dự cho Đại sứ Dương Chí Dũng, nguyên Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva và hiện đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc về các nước chậm phát triển của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO).
Đại sứ Dương Chí Dũng nhận Bằng Tiến sỹ của Đại học kinh doanh Lausanne (BSL).

Tới dự buổi Lễ có Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan, các cán bộ của Phái đoàn và Đại sứ quán, cùng nhiều bạn bè Thụy Sỹ và người Việt Nam tại Thụy Sỹ.

Mỗi năm vào dịp Lễ Tốt nghiệp, BSL thường tiến hành trao Bằng Tiến sỹ Danh dự (Doctorat Honoris Causa) cho một số cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp hoạt động chính trị, xã hội, khoa học công nghệ, kinh doanh hoặc khởi nghiệp. Những người nhận Bằng này được mời đến Lễ Tốt nghiệp để chào mừng và phát biểu về kinh nghiệm cuộc đời và sự nghiệp với các sinh viên tốt nghiệp BSL.

Sau khi điểm lại những đóng góp tích cực vào việc tăng cường hợp tác quốc tế và hòa bình trong sự nghiệp ngoại giao của Đại sứ Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng trường BSL Philippe Du Paskier đã bày tỏ niềm tự hào của trường BSL được vinh danh và trao Bằng Tiến sỹ Danh dự cho Đại sứ Dương Chí Dũng.

Phát biểu tại buổi Lễ, Đại sứ Dương Chí Dũng đã giới thiệu sơ qua về chặng đường sự nghiệp Ngoại giao 40 năm qua, khi Đại sứ đã từng là thầy giáo đứng trên bục giảng của Viện Quan hệ quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao) thuộc Bộ Ngoại giao, đã từng tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương, đại diện cho Việt Nam trên các diễn đàn của LHQ về nhân quyền, nhân đạo, phát triển xã hội… đã từng đảm nhiệm thành công chức vụ Chủ tịch Hội nghị Giải trừ Quân bị LHQ (2019), Chủ tịch Đại hội đồng WIPO.

Đại sứ cũng đã từng tham gia các hoạt động ngoại giao song phương, đặc biệt là thời gian làm Đại sứ Việt Nam tại Pháp, kiêm nhiệm Monaco, Andorra, CH Trung Phi (2011-2014), vượt qua nhiều khó khăn thách thức để trưởng thành và đạt đến đỉnh cao về sự nghiệp như ngày hôm nay.

Đại sứ Dương Chí Dũng chia sẻ, chặng đường sự nghiệp 40 năm qua đã để lại nhiều kỷ niệm sâu đậm khó quên với nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, qua học tập từ đồng nghiệp và những người đi trước, qua thực tiễn tự mình đúc kết.

Theo Đại sứ Dương Chí Dũng, một bài học cơ bản, xuyên suốt, là phương châm hành động mà bản thân luôn nỗ lực cố gắng thực hiện trong suốt chặng đường hoạt động ngoại giao của mình, đó là bài học về Đối thoại. Nếu thử ngẫm nghĩ thật sâu sắc, Đối thoại không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Đối thoại hiện diện trên khắp mọi bình diện của cuộc sống, từ cuộc sống riêng tư của mỗi người, cuộc sống vợ chồng, đến tương tác với các đồng nghiệp trong công việc hàng ngày, rồi đến hoạt động trong các lĩnh vực nghề nghiệp, công tác chuyên môn, trong quan hệ với các đối tác. Nếu không có Đối thoại thì hạnh phúc gia đình tan vỡ.

Nếu không có Đối thoại, sẽ không có mối quan hệ đồng nghiệp, đối tác tốt đẹp và chân thành. Đối thoại là mục đích, là công cụ, phương thức, là chìa khóa của thành công. Thế giới của chúng ta sẽ không còn xung đột, tranh chấp, loài người chúng ta sẽ không còn hận thù, căm ghét nếu chúng ta biết Đối thoại. Nếu luôn có thành kiến với đối tác và cho rằng ta luôn đúng, luôn phải và đứng trên đối tác thì sẽ không có đối thoại thực sự, chân thành và xây dựng, sẽ không đạt được một kết quả thỏa đáng, để có “Win - Win” cả hai bên cùng thắng.

Đối thoại trong hoạt động ngoại giao, trên thương trường chính là con đường để chúng ta có thể đi đến các thỏa thuận cùng có lợi, là quá trình đàm phán để đi tìm điểm đồng, mẫu số chung nhằm đạt được kết quả mong đợi cho các bên liên quan.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ.

Trong hai nhiệm kỳ làm việc tại Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ (New York,1992-1995 và Geneva, 1999-2002), Đại sứ Dương Chí Dũng lúc đó với tư cách cán bộ Phái đoàn đại diện cho Việt Nam tại Ủy ban 3 (Third Committee - UB 3) của Đại hội đồng LHQ về các vấn đề nhân quyền, nhân đạo và tại Ủy ban Nhân quyền LHQ (hiện là Hội đồng Nhân quyền), đã tham gia tích cực vào đối thoại và đàm phán giữa các nước thành viên, đặc biệt là quá trình đàm phán để thiết lập chức vụ Cao ủy Nhân quyền LHQ và thành lập Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Trong các cuộc thảo luận tại UB 3 và Ủy ban Nhân quyền, cá nhân Đại sứ cảm nhận thấy rõ nét xu hướng chính trị hóa cao độ trong các vấn đề nhân quyền và cho đến nay xu hướng này vẫn đang tiếp tục diễn ra tại các diễn đàn nêu trên. Những vu cáo, chỉ trích lẫn nhau về cái gọi là vi phạm nhân quyền diễn ra thường xuyên, căng thẳng, sự thiếu thiện chí hợp tác là không khí bao trùm tại các diễn đàn này.

Các nước Phương Tây thường nhấn mạnh, việc thực hiện các quyền cá nhân về dân sự, chính trị (tự do chính kiến, biểu đạt..), nhấn mạnh tính phổ quát của nhân quyền, các nước đang phát triển tập trung bảo vệ các quyền tập thể, tính đặc thù văn hóa và truyền thống của mỗi nước trong thực hiện nhân quyền, nhấn mạnh các quyền trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, coi đây là những quyền cơ bản vì nếu còn đói nghèo, chậm phát triển thì không thể có nhân quyền thực sự.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Điều nghịch lý là Việt Nam đã từng là nạn nhân của những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, lại là đối tượng của những phê phán vô căn cứ về nhân quyền. Chỉ đơn cử trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ để giành nhân quyền thiêng liêng được sống trong hòa bình và độc lập, người dân Việt Nam đã phải chịu những mất mát không thể bù đắp được trong mỗi gia đình. Hơn 13,350 triệu tấn bom đạn (gấp 3,9 lần số lượng bom đạn sử dụng trong thế chiến II) đã chút xuống Việt Nam, trường học, bệnh viện, nhà máy bị san phẳng…Những vết thương chiến tranh vẫn còn đó với những nạn nhân chất độc da cam và những di chứng khác của cuộc chiến tranh tàn khốc.

Do vậy, cần phải làm sao để vượt qua những định kiến, khác biệt, làm gì để các quốc gia cùng nhau hợp tác chân thành để phấn đấu cho mục tiêu cao cả là tôn trọng và bảo đảm các quyền con người thực sự cho người dân. Hợp tác quốc tế về nhân quyền sẽ không có ý nghĩa nếu chỉ có chỉ trích và phê phán lẫn nhau. Nhiều khi những thông tin nêu tại các diễn đàn là không sát thực, không được kiểm chứng.

Chỉ có Đối thoại thực chất, bình đẳng và xây dựng mới giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau một cách thực chất, tăng cường xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quan trọng này.

Theo tinh thần đó, từ cuối thập kỷ 90 của Thế kỷ trước, Việt Nam đã triển khai nhất quán và sâu rộng chính sách Đối thoại, thúc đẩy hợp tác về nhân quyền với các nước quan tâm (Mỹ, EU, Na Uy, Australia, Thụy sỹ..), các cơ chế và tổ chức liên quan của LHQ. Trong quá trình đạt đến chính sách nêu trên, Đại sứ luôn tự hào đã đóng góp một phần nhỏ bé của mình.

Thông qua quá trình đối thoại thẳng thắn, chân thành, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, các bên đối thoại hiểu được sát thực tình hình cụ thể của mỗi bên, tăng cường xây dựng lòng tin, cùng chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác về nhân quyền, từ đó giúp củng cố và phát triển mối quan hệ song phương về mọi mặt.

Ông Chủ tịch BSL Philippe Du Paskier cho biết, được thành lập vào năm 1987, BSL là một trong những trường kinh doanh hàng đầu của Thụy Sỹ. Phương châm và triết lý giáo dục của trường với chương trình giảng dạy kết hợp lý luận và thực tiễn phong phú, tập trung giúp cho các học viên không chỉ có được các kỹ năng và hiểu biết sâu rộng về kinh doanh mà còn trang bị các kiến thức thực tiễn để các em có thể sẵn sàng bước vào thương trường với hành trang là những kiến thức cốt lõi, phong phú về kinh doanh gắn với bối cảnh của một thế giới đang có những biến động khôn lường, những thách thức đang đặt ra với nhân loại như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số…, nhằm đào tạo các em trở thành những nhà kỹ trị trong quản lý doanh nghiệp, trong kinh doanh của Thế kỷ 21, mang đến cho xã hội những giải pháp kinh doanh tối ưu về lợi nhuận đồng thời đóng góp vào việc giải quyết những thách thức chung của nhân loại.

Cùng dự Lễ nhận Bằng Tiến sỹ Danh dự năm nay còn có ông Marc-André Berclaz - Cựu Chủ tịch Đại học Khoa học Ứng dụng Tây Thụy Sỹ (HES-SO), hiện là Giám đốc điều hành của Đại học Bách khoa Liên Bang Lausanne của Thụy Sỹ (EPFL) tại chi nhánh Valais. Năm 2008, Đại sứ Ngô Quang Xuân - nguyên Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva - cũng đã được trao bằng Tiến sỹ Danh dự để vinh danh những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực ngoại giao, đặc biệt làsự kiện Việt Nam gia nhập WTO.

(theo Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)