📞

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng: Hy vọng có nhiều đóng góp hơn về quê hương

08:15 | 08/02/2019
Tâm huyết với ý tưởng thành lập một mạng lưới trí thức Việt kiều tại Đức, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng kỳ vọng vào những đóng góp của họ hướng về đất nước, đặc biệt trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà nước Đức được xem là nơi khởi nguồn.

Thưa Đại sứ, trước khi kết thúc nhiệm kỳ tại Đức, Đại sứ đã chủ trì thành công buổi gặp mặt một số trí thức người Việt tại Đức. Lý do gì thúc đẩy Đại sứ thực hiện ý tưởng này?

Lịch sử phát triển cộng đồng người Việt tại Đức khá khác biệt so với ở các nước khác. Tại châu Âu, Đức được ví như mảnh đất lành, từ đó, đội ngũ trí thức người Việt được đào tạo và phát triển rất tốt, hòa vào sự phát triển chung của quốc gia tiên tiến này. Lực lượng trí thức Việt kiều ở Đức gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nghiên cứu sinh có uy tín. Có rất nhiều người thành đạt, trong đó, một số đã được trao các giải thưởng lớn như Giải thưởng Hồ Chí Minh… 

Hiện chưa có con số thống kê những đóng góp của trí thức người Việt ở Đức cho đất nước nhưng ở từng mảng khác nhau, có thể thấy những đóng góp rất đáng kể, đặc biệt trong  lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ… Có những người vẫn âm thầm đóng góp cho quê hương mà không cần nhắc tên và cũng có những người vẫn còn băn khoăn về cách thức và đầu mối để có thể đóng góp cho quê hương.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng và một số trí thức Việt kiều tại Đức trong buổi gặp mặt triển khai ý tưởng thành lập mạng lưới trí thức Việt kiều. (Ảnh: NVCC)

Từ góc độ đó, cùng với mong muốn các nhà khoa học đang hoạt động tại Đức có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước, tận dụng được những chất xám quý giá này, đặc biệt trong bối cảnh mới, chúng tôi đã phải có một thời gian dài lên ý tưởng và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Từ buổi gặp ban đầu, chúng tôi đã truyền tải thông điệp rằng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, kêu gọi và tạo điều kiện cho trí thức ở ngoài nước đóng góp phát triển đất nước. Tôi tin tưởng, ở một quốc gia có trình độ phát triển cao như Đức, các nhà khoa học người Việt có điều kiện tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật và có thể đóng góp cho quê hương bằng nhiều hình thức khác nhau.

Buổi gặp mặt đã thành công ngoài mong đợi. Một số nhà khoa học say sưa chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm, cách thức tìm kiếm nguồn tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học và ứng dụng hướng về trong nước;  giới thiệu về các chủ đề họ đang nghiên cứu mà trong nước đang rất quan tâm như về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, cách mạng số hóa mà nước Đức được xem là nơi khởi nguồn... Bởi vậy, những đóng góp của họ về bất kỳ vấn đề nào, từ kinh nghiệm phát triển, mô hình điều hành… kể cả những thất bại của các quốc gia đi trước cũng sẽ là những đóng góp rất ý nghĩa.

Tại buổi gặp mặt, các nhà khoa học đã thống nhất hình thành Ban Vận động, tiến tới thành lập Hội trí thức Việt Nam tại Đức trên tinh thần rộng mở và nguyên tắc tự nguyện.

Đại sứ kỳ vọng thế nào về sự phát triển của ý tưởng này?

Việc lập được một tổ chức trí thức là cả một nghệ thuật và không thể vội vàng, mà hiệu quả cuối cùng mới là quan trọng nhất. Làm sao tạo ra được một tổ chức có sự đồng thuận cao, tôn vinh những người thực sự có uy tín đứng trong những tổ chức đó. Ai cũng được thu nạp, đa dạng thành phần nhưng cần trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, mọi người đều vui vẻ tham gia và đóng góp, đồng lòng chung tay xây dựng đất nước.

Cộng đồng Việt Nam với trên 130.000 người là cộng đồng châu Á lớn nhất ở Đức Ở Việt Nam, có khoảng hơn 100.000 người nói tiếng Đức.

Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng, một hình thức đóng góp thích hợp nào đó của các nhà khoa học cho đất nước, khích lệ được lòng nhiệt huyết trong họ sẽ hiệu quả hơn một tổ chức có tên mà mọi người không muốn tham gia. Bởi vậy, công việc đầu tiên là lập được nhóm nòng cốt, sau đó từng bước kêu gọi, vận động để lan tỏa dần trong cộng đồng, có được sự tham gia của những người tài ba, tâm huyết. Từ chính mạng lưới này, sẽ vận động tiếp để lập nên một tổ chức tập hợp các trí thức cùng có mong muốn đóng góp xây dựng đất nước. Ngoài ra, việc phối hợp với chính đội ngũ trí thức thành danh ở trong nước, thông qua các mối quan hệ cá nhân của họ để tạo ra mạng lưới các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng là cách làm hiệu quả. 

Các trí thức trẻ đón nhận ý tưởng này như thế nào, thưa Đại sứ?

Hiện nay có khoảng 5.000 sinh viên Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại Đức. Hội học sinh, sinh viên tại đây được tổ chức khá tốt và hoạt động bài bản.

Nhận được lời kêu gọi, động viên và cả khích lệ, nhiều trí thức trẻ rất háo hức, sẵn sàng tham gia, đặc biệt khi họ thấy được vai trò của thanh niên, được thể hiện và cháy hết mình với những đam mê để hướng về đất nước. Mạng lưới những người trẻ này nếu kết nối tốt, vận động được sự tham gia của thế hệ tiếp theo trong cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Đức – họ là những người thành thạo tiếng Đức, được đào tạo tốt, thì đây sẽ là những hạt nhân rất quan trọng cho mạng lưới trí thức người Việt tại nước Đức trong tương lai.

Sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Đức nói chung và đội ngũ trí thức người Việt tại đây trong tương lai sẽ thế nào?

Giới Lãnh đạo nước Đức luôn ca ngợi cộng đồng người Việt và đánh giá đây là một trong những cộng đồng người nước ngoài mẫu mực. Cộng đồng người Việt tại đây hiện cũng có chỗ đứng tốt, được chính quyền sở tại coi trọng và rất nghiêm túc trong thực hiện luật lệ nước sở tại.

Trong con mắt người Đức, người Việt Nam rất chăm chỉ, siêng năng, cần mẫn, thành đạt và đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục con cái. Giới trẻ Việt Nam được đánh giá học giỏi, đạt thành tích cao, thậm chí, nhiều em thuộc thế hệ tiếp theo của các gia đình người Việt đứng đầu tại các cơ sở giáo dục Đức.

Hệ thống giáo dục đào tạo đại học của Đức xếp hàng đầu thế giới và đặc biệt là không mất phí. Cơ hội học tập và được đào tạo ở Đức rất rộng mở. Tuy nhiên, đây là một môi trường đào tạo khắc nghiệt, bởi vậy, học viên đã học và tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo của Đức thường nắm chắc cơ hội việc làm với thu nhập tốt và cơ hội phát triển bản thân.

Bên cạnh hệ thống giáo dục đại học, Đức còn có hệ thống đào tạo nghề bài bản, học đi đôi với hành. Người học được trả lương và thường trở thành kỹ thuật viên lành nghề, được chủ cơ sở đào tạo nghề yêu cầu ở lại làm việc. Tuy nhiên, học đại học hay học nghề tại Đức, hành trang mà các bạn trẻ cần chuẩn bị thật kỹ trước khi lên đường chính là ngôn ngữ - tiếng Đức.

Đại sứ nhận định thế nào về mối quan hệ Việt - Đức thời gian tới?

Tôi rất kỳ vọng vào tương lai của mối quan hệ này. Hai nước có tiềm năng hợp tác to lớn và có thể bổ sung lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực. Đức là một nền kinh tế hàng đầu thế giới, là một trong những nước đi tiên phong trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, là nơi sản xuất nhiều công nghệ nguồn, đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường… Đức đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có nhiều tiềm năng, dân số trẻ, cần cù, đang phát triển năng động, có quyết tâm cao về hội nhập quốc tế.

Việt Nam và Đức không chỉ là Đối tác chiến lược của nhau mà còn là những người bạn gần gũi, tin cậy. Cộng đồng Việt Nam với trên 130.000 người là cộng đồng châu Á lớn nhất ở Đức, đang tích cực hòa nhập và đóng góp vào sự đa dạng văn hóa và phát triển của nước Đức. Ở Việt Nam, có khoảng hơn 100.000 người nói tiếng Đức. Đây là điểm đặc thù hiếm thấy trong quan hệ của Đức với các nước châu Á.

Có thể nói, tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn, đều có thể trở thành dự án hợp tác tốt trong tương lai nhờ nỗ lực và quyết tâm của cả hai bên, trong đó có sự chủ động của Việt Nam. Tính chủ động và sự quyết tâm hiện đóng vai trò rất lớn, nhằm chia sẻ các mối quan tâm và ý tưởng hợp tác, giúp biến những tiềm năng thành hiện thực qua các dự án cụ thể.

Bên cạnh hợp tác cấp Chính phủ, các bang của Đức cũng đều là những nền kinh tế lớn (có những bang có GDP gần gấp ba Việt Nam). Do đó, việc thúc đẩy hợp tác cấp địa phương cũng có ý nghĩa rất lớn.

Xin cảm ơn Đại sứ!

(thực hiện)