Trong chuyến công tác, ngày 26/4, Đại sứ Ngô Đức Mạnh đã có buổi làm việc và trình quốc thư lên Chủ tịch Quốc Hội CH. Turkmenistan - Guslat Mamedowa. Chủ tịch Quốc Hội Guslat Mamedowa đã chúc mừng ông Ngô Đức Mạnh được giao đảm trách cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại nước Cộng hòa Turkmenistan.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh trình Quốc thư lên Chủ tịch Quốc hội Turkmenistan Guslat Mamedowa. (Nguồn: TTXVN) |
Giới thiệu về Turkmenistan, Chủ tịch Quốc Hội Guslat cho biết, Turkmenistan là nước trung lập, cơ chế này được nhận từ Liên hiệp quốc (LHQ) vào năm 1995 và năm 2015 được công nhận lần hai. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao những cải cách của Turkmenistan trong tất cả các lĩnh vực. Kinh tế Turkmenistan đang phát triển, trường học, nhà trẻ, các công trình văn hóa, chăm sóc sức khỏe và thể thao được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đề cập đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Turkmenistan, Chủ tịch Guslat Mamedowa nhấn mạnh: "Hai nước có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Chúng ta thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế. Tôi hy vọng, quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển".
Đại sứ Ngô Đức Mạnh bày tỏ niềm vinh dự và trách nhiệm khi chính thức nhận nhiệm vụ Đại sứ tại Turkmenistan. Đại sứ cảm ơn bà Chủ tịch đã dành thời gian tiếp đoàn và giới thiệu về đất nước Turkmenistan.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh cũng chúc mừng bà được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Turkmenistan và bày tỏ sự cảm ơn chân thành trước những tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ của của nhân dân Turkmenistan, khi còn là một nước cộng hòa thuộc Liên xô đã dành những tình cảm, sự giúp đỡ của mình cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Trước đó, cùng ngày, Đại sứ Ngô Đức Mạnh đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Turkmenistan Vepa Hajiev và trao đổi về nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Turkmenistan đến Việt Nam trong thời gian tới.
Qua trao đổi với Chủ tịch Quốc hội, cũng như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Turkmenistan, Đại sứ Ngô Đức Mạnh đánh giá, hai nước còn rất nhiều tiềm năng để hợp tác. Turkmenistan là nước giàu về khí thiên nhiên, đứng thứ tư trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm công nghiệp, các mặt hàng tiêu dùng mà người Turkmenistan có nhu cầu sử dụng, cũng như có cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước. Bên cạnh đó là hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao..., để tăng cường hơn nữa giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số hoạt động để góp phần thúc đẩy hợp tác, như tập trung nỗ lực tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp, tổ chức giới thiệu về tiềm năng, hợp tác, cũng như kết nối các doanh nghiệp Việt Nam đến làm việc ở Turkmenistan.
Đại sứ cũng sẽ cố gắng thúc đẩy các cuộc giao lưu, chuyến thăm làm việc giữa các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của hai nước. Đại sứ Ngô Đức Mạnh bày tỏ mong muốn thời gian sắp tới sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, trước hết là miễn visa cho những người mang hộ chiếu ngoại giao, cũng như các thỏa thuận hợp tác khác để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp hai nước đến với nhau nhiều hơn.
Trong chương trình làm việc tại Turkmenistan, ngày 27/4, Đại sứ Ngô Đức Mạnh đã đến thăm một số công ty trong các lĩnh vực dệt vải, dệt thảm, sản xuất bánh kẹo và tham dự tọa đàm bàn tròn về hợp tác Việt Nam- Turkmenistan trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại và đầu tư…
Bàn tròn hợp tác Việt Nam-Turkmenistan trong lĩnh vực kinh tế-thương mại và đầu tư. (Nguồn: TTXVN) |
Tại Tọa đàm, đại diện các bộ quản lý về thương mại, xây dựng, nông nghiệp, hội các nhà sản xuất công nghiệp, doanh nhân của Turkmenistan và đại diện một số doanh nghiệp của Việt Nam đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên. Phía Turkmenistan sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư hoặc thành lập các công ty liên doanh trong nhiều lĩnh vực.
Ngoài khí thiên nhiên, Turkmenistan có thế mạnh về bông, vải, thảm các loại. Các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam có thể tìm được cơ hội nhập khẩu bông, vải từ thị trường này. Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như chè, cà phê, thủy hải sản... cũng có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Á này.
Trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Turkmenistan sẽ tiếp tục trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của hai nước tham gia các hội chợ, triển lãm, để tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư.