📞

Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh: Một khoảng trống để lại…

Vinh Hà 08:00 | 14/06/2021
Với nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mozambique Đặng Giang, ông Nguyễn Khắc Huỳnh (1928-2021) vừa là thủ trưởng vừa là người thầy có ảnh hưởng nhất trong sự nghiệp ngoại giao của mình…

Có lẽ ít có nhà ngoại giao Việt Nam nào gắn bó thời gian dài với Mozambique như Đại sứ Đặng Giang – hơn 10 năm học tập và công tác nhiệm kỳ. Điều ông luôn cảm thấy “biết ơn” mảnh đất Đông Nam châu Phi là ông có cơ duyên gặp, rèn luyện và sau đó, “nối nghiệp” nhà ngoại giao lão thành Nguyễn Khắc Huỳnh khi trở thành Đại sứ Việt Nam thứ năm tại nước này.

Dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời ngoại giao của Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh là những năm tháng đàm phán Hiệp định Paris lịch sử (1968-1973). Song dấu ấn ấm áp nhất trong nghiệp ngoại giao của ông có lẽ là quãng thời gian làm Đại sứ Việt Nam tại Mozambique (1983-1986).
Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh (hàng đầu, thứ hai từ trái) và những người bạn Mozambique. (Ảnh tư liệu)

Đại sứ “ba khả năng”

Những ký ức thời thanh niên ở Mozambique của Đại sứ Đặng Giang chực ùa về khi tôi hỏi về nhà ngoại giao lão thành Nguyễn Khắc Huỳnh - người đã mãi mãi rời xa cõi trần từ ngày 9/6 vừa qua.

Đầu những năm 1980, chàng trai ở độ tuổi 20 sau khi kết thúc khóa học tiếng Bồ Đào Nha và thực tập tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Maputo đã may mắn được Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh tiếp nhận làm cán bộ của Đại sứ quán.

Quyết định ấy đã mở ra một ngả rẽ sự nghiệp mà ông Đặng Giang theo đuổi liên tục trong gần bốn thập niên sau đó. Những bài học vỡ lòng về công tác lễ tân, phiên dịch, báo chí, văn phòng, kể cả lái xe… của ông có hình bóng của Đại sứ Nguyễn Ngọc Vũ và đặc biệt là Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh.

Niềm đam mê nghiên cứu quan hệ quốc tế của ông Đặng Giang – sau này là Đại biện lâm thời Việt Nam tại Angola và Đại sứ Việt Nam tại Mozambique cũng bắt nguồn từ đây. Anh cán bộ trẻ được “Đại sứ giao ghi chép Đại sự ký về các diễn biến của tình hình nước sở tại, quan hệ đối ngoại với các nước… một cách thường xuyên, thậm chí là hằng ngày”.

Ông Huỳnh luôn nhắc chúng tôi khi nghiên cứu phải đưa ra ba khả năng. Yêu cầu này buộc cho cán bộ ngoại giao phải “vận nội công” tổng lực để hiểu và “giải mã” đúng bản chất của tình hình.

Rất tự nhiên, ông Giang khi đó rất chăm đọc báo nước sở tại, “để nhỡ Đại sứ có bất chợt hỏi tin nổi bật trong ngày còn biết đường trả lời”. Ông cười, khi nhớ lại vị thủ trưởng rất đỗi hiền từ trong cuộc sống nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc trong công việc.

Ông Giang cho rằng “chỉ thực sự hiểu đúng về làm ngoại giao” khi được Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh giao cho nhiệm vụ không chỉ điểm tin tình hình, động thái… mà còn phải tổng hợp, nhận định, đánh giá và đề xuất các kịch bản.

“Ông Huỳnh luôn nhắc chúng tôi khi nghiên cứu phải đưa ra ba khả năng”. Yêu cầu này buộc cho cán bộ ngoại giao thời đó lúc nào cũng phải “vận nội công” tổng lực để hiểu và “giải mã” đúng bản chất của tình hình.

Gần 40 năm trôi qua mà ông Đặng Giang vẫn nhớ cảm giác “sướng âm ỉ” của anh cán bộ trẻ khi nhận lại bản báo cáo ít màu mực đỏ của thủ trưởng “ba khả năng”. Càng ít bút phê của Đại sứ chứng tỏ khả năng nghiên cứu của cán bộ "không đến nỗi nào"...

Công tác nghiên cứu ở Đại sứ quán giúp ông Giang hiểu hơn về ngoại giao và mang theo bài học “ba khả năng” từ Đại sứ Huỳnh trong suốt thời gian làm việc ở các vụ khu vực hay cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, kể cả khi đã nghỉ hưu.

Tình bạn đi cùng năm tháng

Điều mà vị Đại sứ 62 tuổi vẫn khâm phục thủ trưởng Nguyễn Khắc Huỳnh đến giờ là “vốn kiến thức của ông rất rộng và ông hiểu rất sâu nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa đến cả quân sự”.

Trong vai trò phiên dịch cho các cuộc tiếp xúc đối ngoại của Đại sứ, ông Đặng Giang nhiều lần chứng kiến thủ trưởng “biến hóa” rất tài tình. Đặc biệt là các cuộc gặp với Đại sứ nước ngoài, dù thuộc xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, Đại sứ đều có thể kể những câu chuyện về nước đó để tạo không khí thân mật…

Một nhà ngoại giao hiểu biết “trên trời dưới bể”, thân thiện và chân thành. Dễ hiểu vì sao lãnh đạo và người dân Mozambique đều quý mến ông.

Trong câu chuyện của Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh với Mozambique không thể không nhắc đến tình bạn với ông Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Cơ quan lãnh đạo Mặt trận Frelimo Armando Emilio Guebuza, sau này là Tổng thống Mozambique (2005-2015). Hai ông có mối quan hệ thân thiết lắm, hầu như tháng nào cũng gặp gỡ, say sưa nói chuyện về mọi chủ đề.

Sau này, vào dịp Tổng thống Armando Emilio Guebuza tới thăm Việt Nam, ông Huỳnh dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia đón đoàn. Hai người bạn cũ ôm nhau thắm thiết, tình cảm vẫn vẹn nguyên như thuở nào ở Maputo.

Tổng thống Guebuza cảm động phát biểu trong cuộc mít tinh chào mừng ông tại Hà Nội rằng: “Tôi rất vui vì hôm nay đón tôi có ngài Đại sứ rất thân thiết với tôi năm xưa”.

Đại sứ Huỳnh còn có một người bạn tâm giao ở Bộ Ngoại giao Mozambique là Vụ trưởng Vụ Lễ tân. Họ gặp nhau mỗi tuần, uống cà phê, hàn huyên, gần gũi và yêu thương. Vợ chồng ông Huỳnh cũng thường xuyên qua thăm gia đình ông Vụ trưởng…

Tuy nhiên, trên chuyến bay về Việt Nam khi kết thúc nhiệm kỳ (tháng 10/1986), ông được tin Tổng thống Mozambique và người bạn - Vụ trưởng Vụ Lễ tân qua đời trong một vụ tai nạn máy bay ở Mbuzini, Nam Phi. Lúc bay về thủ đô Moscow (Nga), ông Huỳnh đến Đại sứ quán ta và liên hệ với Đại sứ quán nước bạn ở Moscow để tới tưởng niệm họ…

Sau này, mỗi khi nhắc đến người bạn tâm giao năm xưa trong câu chuyện hoài niệm về Mozambique, ông Huỳnh vẫn luôn có cảm giác trĩu nặng…

Và giờ đây, cảm giác trĩu nặng đọng lại trong Đại sứ Đặng Giang khi nghe tin vị thủ trưởng đáng kính năm xưa đã không còn nữa. Một cây đại thụ nằm xuống để trống một khoảng trời khó lòng bù đắp…

Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh sinh năm 1928 tại Quảng Trị và mất ngày 9/6/2021 tại Hà Nội. Ông có nhiều năm công tác trong môi trường quân đội trước khi chuyển sang ngành ngoại giao. Ông nguyên là thành viên đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mozambique, Zimbabwe và Zambia.

Ông là tác giả nhiều bài báo và các cuốn sách như “Ngoại giao Việt Nam - Phương sách và nghệ thuật đàm phán”, “Ngoại giao Việt Nam, Góc nhìn và suy ngẫm”, “Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam với cuộc đàm phán Paris” và đồng tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu về ngoại giao Việt Nam và các vấn đề quốc tế.

Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì những đóng góp cho hòa bình và xây dựng đất nước và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.