Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. |
Tết Nguyên đán của Việt Nam đang cận kề, ấn tượng của Đại sứ về dịp này là…?
Năm nay, Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Với tư cách là Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, tôi rất vui mừng vì được đón Năm mới cùng tất cả mọi người trong năm quan trọng này. Tôi xin chúc các bạn cùng gia đình và bạn bè một năm mới hạnh phúc, khỏe mạnh và hy vọng rằng năm 2023 sẽ là một năm tuyệt vời đối với tất cả các bạn.
Chỉ ít ngày nữa, chúng ta sẽ thấy quang cảnh người người chở đào, quất trên khắp phố phường để chuẩn bị cho Tết. Đó là một trong những cảnh tôi thích nhất. Tết đầu tiên của tôi kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam rơi vào giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau đó, Việt Nam đã dần lấy lại sức sống như giai đoạn trước đại dịch và năm nay, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam, Tết sẽ đến trong nguồn năng lượng tích cực, dồi dào.
Mối quan hệ được cho là “có tiềm năng vô hạn” của hai nước đã đạt tới thời kỳ đánh dấu bước phát triển vượt bậc. Tôi mong muốn việc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao sẽ tạo ra nền tảng cho quan hệ Nhật Bản-Việt Nam phát triển vượt bậc hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới.
Sau Tết, sẽ có nhiều sự kiện và chương trình khác nhau được tổ chức tại các tỉnh thành khắp Việt Nam. Tôi rất mong tất cả các bạn sẽ cùng tham gia và chung tay để dịp kỷ niệm 50 năm này thêm phần sôi động. Hơn nữa, tôi hy vọng mọi người sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử giao lưu lâu đời giữa Nhật Bản và Việt Nam, cảm nhận những tiềm năng mạnh mẽ đang chờ đón hai nước trong tương lai.
Đại sứ kỳ vọng gì về sự phát triển của quan hệ song phương với dấu mốc 50 năm quan hệ ngoại giao?
Việt Nam là đối tác quan trọng không thể thiếu trong mục tiêu thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản. Nhật Bản tin rằng có thể cùng Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác, đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực.
Trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực và thế giới ngày càng nhiều biến động phức tạp, quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh càng trở nên quan trọng mang tính chiến lược.
Về phương diện kinh tế, năm 2023, chính phủ Nhật Bản mong muốn hỗ trợ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa. Tôi mong muốn đưa các hoạt động hợp tác giữa hai nước thông qua dự án ODA sôi động trở lại như giai đoạn trước năm 2017, đặc biệt hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đóng góp cho công cuộc cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Tôi mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh (GX), chuyển đổi số (DX), hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đào tạo nhân lực…
Thông qua các kết quả hợp tác nêu trên, đồng thời dựa vào nội dung được nêu tại Phần phụ lục của Tuyên bố chung Nhật Bản-Việt Nam được hai bên công bố nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021, tôi mong muốn quan hệ Nhật Bản-Việt Nam không chỉ dừng lại ở quan hệ song phương mà còn nâng lên tầm quan hệ chiến lược có vị thế ngang bằng vì sự phát triển của toàn khu vực và thế giới trên mọi lĩnh vực.
Đại sứ nhận định như thế nào về sự đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong thời gian tới?
Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định và đưa ra thông điệp về việc chú trọng ngoại giao đa phương, đồng thời tăng cường vai trò và thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động tại Liên hợp quốc như: là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của mình tại ASEAN, tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương được phát triển trong những năm gần đây như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tham gia thảo luận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF)... Tôi mong rằng, Việt Nam sẽ nâng cao hơn nữa vai trò của mình tại các hội nghị đa phương quốc tế, đối phó với các thách thức toàn cầu, tăng cường vị thế trên trường quốc tế.
Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam sẽ kéo theo sự phát triển kinh tế của không chỉ trong khu vực ASEAN mà của toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài và được xem là công xưởng sản xuất mới của thế giới. Tôi cho rằng Việt Nam sẽ ngày càng đóng góp to lớn cho sự phát triển và ổn định của kinh tế thế giới.
Thêm vào đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố về mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam đã và đang phấn đấu hết mình để đạt được mục tiêu tham vọng này, đồng thời cho cộng đồng thế giới thấy một mô hình mới của nước đang phát triển hài hòa giữa hai mục tiêu phát triển kinh tế và đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0.
Nhằm hỗ trợ quá trình trung hòa khí thải carbon dựa trên tình hình thực tế các nước châu Á bao gồm Việt Nam, Nhật Bản đã đưa ra Sáng kiến cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) thúc đẩy công cuộc cùng thực hành kiểm chứng các kỹ thuật sản xuất không phát thải như: công nghệ sinh học, Hydrogen, Amoniac, CCUS. Nhật Bản mong muốn hỗ trợ mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi xanh (GX) của Việt Nam thông qua các cơ chế hợp tác như AZEC.