Báo JoongAng Ilbo của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức ngoại giao giấu tên của nước này cho biết ông Jo Song Gil đã xin tị nạn vào đầu tháng trước. Nguồn tin này cũng cho biết phía Italy đang rất lo lắng không biết phải xử lý việc này như thế nào, nhưng đã bảo vệ ông Jo ở một nơi bí mật và an toàn.
Cổng Đại sứ quán Triều Tiên tại thủ đô Rome, Italy (Ảnh: Deutsche Welle) |
Trong khi đó, hãng thông tấn AP cũng trích lời Nghị sĩ Hàn Quốc Kim Min Ki cho biết cơ quan tình báo Hàn Quốc NIS đã thông báo việc này trong cuộc họp kín ở Quốc hội.
Ông Jo năm nay 48 tuổi và trở thành quyền Đại sứ Triều Tiên tại Rome vào tháng 10 năm 2017, sau khi Italy trục xuất Đại sứ lúc đó là ông Mun Jong Nam để phản đối vụ thử hạt nhân một tháng trước đó của Triều Tiên do bị cáo buộc là đã vi phạm nghị quyết Liên Hợp Quốc.
Vẫn theo tờ JoongAng Ilbo, ông Jo được cho là "con trai hoặc con rể của một trong những quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Bình Nhưỡng".
Tờ báo này cho rằng các viên chức ngoại giao CHDCND Triều Tiên khi làm nhiệm vụ ở nước ngoài thường phải để lại gia đình hoặc con cái, nhưng ông Jo đến Italy vào tháng 5/2015 cùng với vợ và các con, cho thấy nhà ngoại giao cấp cao này của Triều Tiên có thể xuất thân từ gia đình danh giá.
Tuy nhiên, hiện chưa có nguồn tin nào cho biết lý do vì sao ông Jo quyết định “đào tẩu”.
Các nhân viên ngoại giao của CHDCND Triều Tiên thường có nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài là 3 năm và phải trở về đất nước sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
Nhà ngoại giao cao cấp gần đây nhất của CHDCND Triều Tiên đào tẩu là ông Thae Yong Ho, Phó đại sứ Triều Tiên tại London, Anh vào năm 2016 và chuyển tới Hàn Quốc sinh sống.