Nếu như trước khi phe nổi dậy chiếm được Tripoli, người ta đều nghĩ chắc chắn rằng Đại tá Gaddafi và gia đình đang ẩn náu trong dinh thự Bab al-Aziziya, nơi được phòng thủ cực kỳ kiên cố, thì nay phỏng đoán đó đã tiêu tan. Người thì cho rằng ông đã ra ngoài bằng hệ thống hầm ngầm bí mật và vẫn “tử thủ” tại Tripoli hay một nơi nào đó trên đất nước Libya. Số khác lại tin ông đã ra nước ngoài từ lâu để tránh những trận bom oanh tạc mà NATO đã dội xuống đất nước này trong khi vẫn tuyên bố sự hiện diện bí mật của mình ở Tripoli qua đài phát thanh... Vậy thực hư chuyện này ra sao?
“Tử thủ” ở Libya
Có thể nói trong 6 tháng xảy ra cuộc chiến ở Libya, Muammar Gaddafi luôn kín tiếng về nơi ở của mình. Người ta vẫn nghe thấy tiếng ông Gaddafi nói trong các buổi phát sóng trên đài truyền hình Libya. Và mới đây nhất, tiếng nói của ông vẫn vang lên trong đêm 24/8, kêu gọi người dân Tripoli kiên cường chống lại cuộc tấn công của quân nổi dậy.
“Tôi đang ở Tripoli” - Gaddafi nói với kênh truyền hình Libya TV thông qua điện thoại - “Hãy ra đường, tôi sẽ sát cánh cùng các bạn cho tới phút chót”.
Tuyên bố vậy, nhưng chẳng ai biết ông đang ở đâu. Kể từ tháng 5 năm nay, ông Gaddafi đã không hiện diện trực tiếp trước công chúng. Lần cuối cùng người ta ghi hình ông Gaddafi là vào tháng 6 năm nay, khi nhà lãnh đạo quốc gia Bắc Phi đang chơi cờ cùng Chủ tịch Liên đoàn Cờ vua Thế giới Kirsan Ilyumzhinov.
Chính hãng tin AFP dẫn một nguồn tin ngoại giao không nêu tên cũng cho biết ông Gaddafi vẫn đang ở Tripoli và có thể cố thủ trong tư dinh của mình. Công trình này được đánh giá là một điểm phòng ngự tốt, với rất nhiều đường hầm và các căn phòng nằm ngầm dưới đất. Nhưng thực tế, cho đến đêm ngày 23/8, phe nổi dậy đã chiếm được khu dinh thự kiên cố của Đại tá Gaddafi sau một ngày giao tranh ác liệt, nhưng cả ông và gia đình đều bặt vô âm tín. Phóng viên Paul Danahar của BBC viết từ Tripoli cho rằng: “Người ta tin là ông Gaddafi đã trốn khỏi khu vực dinh thự qua một số đường hầm bí mật” và một trong những giả thuyết lớn hiện nay là ông ấy đã rời khỏi Tripoli để tìm về quê nhà Sirte. Paul nhắc lại việc các phóng viên BBC được mời tới thăm Sirte hồi năm ngoái, và chứng kiến màn tuần hành của hàng nghìn người ủng hộ ông.
Nhiều nguồn tin khác cho hay ông Gaddafi vẫn an toàn, khoẻ mạnh và ở một trong hai thành phố Sirte - quê hương ông, cách Tripoli 450km về phía Đông hoặc Sabha, cách thủ đô 650km về hướng sa mạc.
Có thể nói, hiện nay mọi con đường đều nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập. Vậy mà theo hãng tin RIA Novosti, báo chí địa phương vẫn cho hay ông Gaddafi đã bí mật đi thị sát quanh Thủ đô. Nhà lãnh đạo Libya thừa nhận: “Hóa trang để không bị mọi người để ý, tôi đã xem xét thành phố Tripoli. Tôi cảm thấy rằng Tripoli hiện không ở trong tình trạng nguy hiểm”.
Hôm 24/8, trong một bài phát biểu qua điện thoại được phát đi trên Đài truyền hình Arrai có trụ sở tại Syria, ông Gaddafi tuyên bố việc rút khỏi dinh thự Bab al-Aziziya chỉ là một “động thái chiến thuật”. Ông kêu gọi người dân “quét sạch lũ chuột” ở Tripoli và khẳng định ông vẫn hiện diện bí mật tại thành phố này.
Lưu vong
Trong lúc Libya lâm vào cảnh nước sôi lửa bỏng, khi phe đối lập liên tiếp giành thắng lợi và đã làm chủ Tripoli gần như hoàn toàn, giới phân tích đã ngạc nhiên trước sự vắng bóng của nhà lãnh đạo Gaddafi. Có nhiều phỏng đoán cho rằng ông đã ra nước ngoài, chờ cơ hội quay lại phục thù.
Việc ông Gaddafi lánh ra nước ngoài thực ra không phải giả thuyết mới mẻ. Từ tháng 2 năm nay, sau khi thành phố Benghazi rơi vào tay phe đối lập, Ngoại trưởng Anh William Hague đã hùng hồn tuyên bố ông Gaddafi đang trên đường tới Nam Mỹ. Tất nhiên, chỉ vài giờ sau khi thông tin của ông Hague được báo chí đăng tải, hàng loạt những tấm hình đã được phía Libya tung ra, cho thấy nhà lãnh đạo Libya đang ngồi trên xe hơi, tay cầm ô và đang nói chuyện với ai đó...
Giả thuyết trên càng thêm thuyết phục, khi hãng Al-Jazeera đưa tin, trước khi Tripoli thất thủ, có 2 chiếc máy bay đã đợi sẵn trên đường băng để chở ông Gaddafi tới một nơi chưa xác định. Có những phỏng đoán ông Gaddafi sẽ tới Venezuela, nơi bạn ông, Tổng thống Hugo Chavez, sẵn sàng đón tiếp. Tunisia dường như là điểm tới lý tưởng tiếp theo, bởi có tin vợ và con gái ông đã sang đó từ tháng 5 năm nay. Nicaragua cũng là một điểm đến. Ông Bayardo Arce, cố vấn về kinh tế của Tổng thống Nicaragua, cho biết Chính phủ Nicaragua sẵn sàng cho nhà lãnh đạo Libya tị nạn chính trị nếu ông ấy yêu cầu. Rồi Nam Phi cũng là địa chỉ đáng quan tâm bởi nước này phản đối việc NATO không kích Libya. Tuy nhiên, hôm 22/8, Nam Phi đã tuyên bố: “Nam Phi là thành viên Tòa án Hình sự Quốc tế và vì thế có trách nhiệm bắt giữ Gaddafi nếu ông đặt chân tới đây”.
Tuy nhiên, cuối tuần trước, theo một phát ngôn viên của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC) ở Libya, ông Gaddafi đã kêu gọi các nước láng giềng như Ai Cập, Morocco, Tunisia, hay Algeria tìm một “ngôi nhà” cho các thành viên trong gia đình của ông, chứ không phải cho bản thân ông.
Cùng đường
Ngoài việc đồn đoán ông Gaddafi tử thủ hay lưu vong ra nước ngoài, người ta thậm chí còn rỉ tai nhau, “mọi cung đường của ông Gaddafi hiện đã bị chặn đứng”. Người ta giờ cũng không còn thắc mắc chuyện chế độ Gaddafi liệu có thể tiếp tục tồn tại hay không vì cho đến nay, khoảng 30 quốc gia tuyên bố chế độ Gaddafi đã mất tính hợp pháp, đồng thời công nhận NTC của phe nổi dậy là đại diện hợp pháp của nhân dân Libya.
Điều rất bất lợi nữa cho ông Gaddafi là NTC vừa treo thưởng 1,7 triệu USD để truy tìm ông Muammar Gaddafi, dù còn sống hay đã chết. Bên cạnh đó, thủ lĩnh NTC Mustafa Abdel Jalil còn nhấn mạnh NTC sẽ ân xá cho những người thân cận với ông Gaddafi mà hạ sát hoặc bắt sống được ông này. Phát ngôn viên phe đối lập Guma el-Gamaty cho BBC biết, những người thân cận với ông Gaddafi đều bị vướng vào vòng xoáy cùng với nhà lãnh đạo này là vi phạm tội ác chống lại người dân Libya. Chính vì vậy, lời đề nghị của phe đối lập là một động lực tâm lý rất lớn cho họ. Nếu họ không muốn bị chết cùng Gaddafi, nếu họ muốn bảo toàn tính mạng, miễn trừ truy tố thì họ phải giao nộp hoặc giết chết ông ta. Bên cạnh việc treo thưởng, phe đối lập cũng đưa ra lời đề nghị để Đại tá Gaddafi rút lui an toàn khỏi Libya nếu ông tuyên bố từ chức. Tuy nhiên, theo ông Gamaty, khả năng này rất khó xảy ra: “Tôi nghĩ ông Gaddafi sẽ thà chết hoặc bị bắt còn hơn là từ chức”. Nếu bị bắt, người phát ngôn của NTC, ông Abdel Hafiz Ghoga, tuyên bố ông Gaddafi sẽ bị xét xử ở Libya trước khi được chuyển đến Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Tóm lại, cho tới nay tất cả mới chỉ dừng lại ở mức phỏng đoán, chưa có bất kỳ nguồn tin đáng tin cậy nào để kiểm chứng được số phận của nhà Gaddafi.
Hoàng Minh (tổng hợp)
Phỏng đoán vẫn chỉ là phỏng đoán. Trường hợp cụ thể nhất là việc báo Al Jazeera dẫn lời phe đối lập đưa tin đã bắt được hai con trai của Đại tá Gaddafi, trong đó có Saif al-Islam. Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Luis Moreno-Ocampo cũng xác nhận điều này. Song trớ trêu thay, Saif al-Islam đã đến gặp các nhà báo quốc tế ở khách sạn 5 sao Rixos tại Tripoli vào tối muộn ngày 22/8 để bác lại tin tức nêu trên. Sự xuất hiện của Saif al-Islam là một đòn đau giáng vào truyền thông đã quá vội vã tin phe đối lập cũng như ICC vì trước đó cả hai lớn tiếng khẳng định Saif al-Islam đã bị bắt. |