📞

Đan Mạch thông qua dự luật mới về người tị nạn, EC lo ngại, Liên hợp quốc phản đối mạnh

An Chu 16:31 | 04/06/2021
Ngày 3/6, Quốc hội Đan Mạch đã thông qua dự luật cho phép nước này chuyển những người đăng ký tị nạn tới các nước bên ngoài châu Âu, bất chấp phản đối của các tổ chức phi chính phủ và Liên hợp quốc (LHQ) vì lo ngại quyền của người tị nạn bị xói mòn.
LHQ cho rằng, quyết định của Quốc hội Đan Mạch là sự, thoái thác; trách nhiệm của quốc gia Bắc Âu này đối với người tị nạn theo luật quốc tế. (Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters)

Động thái thông qua dự luật với 70 phiếu thuận và 24 phiếu chống là một sự phá vỡ các nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm xem xét lại toàn bộ các quy tắc di cư và tị nạn trong châu Âu, một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc trong khối.

Dự luật sẽ cho phép Đan Mạch chuyển những người tị nạn tại lãnh thổ nước này tới các trung tâm tị nạn ở một quốc gia đối tác, có khả năng là bên ngoài châu Âu, nơi những người đăng ký tị nạn sẽ được xem xét và có thể được hưởng quy chế bảo vệ tại nước đó.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU cho biết, EC có "những quan ngại cơ bản" về luật này của Đan Mạch.

Người phát ngôn của EC Adalbert Jahnz cho biết: "Việc xử lý các yêu cầu tị nạn ở nước ngoài đặt ra những vấn đề cơ bản về cả quyền tiếp cận các thủ tục xin tị nạn và quyền tiếp cận để bảo vệ một cách hiệu quả".

Quan chức này nói thêm: "Không thể thực hiện được theo các quy tắc hoặc đề xuất hiện có của EU theo thỏa thuận mới về di cư và tị nạn", bổ sung rằng, quyền xin tị nạn là một trong những quyền cơ bản trong khối".

Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ luật trên, coi đó là sự "thoái thác" trách nhiệm của quốc gia Bắc Âu này theo luật quốc tế.

Trong một tuyên bố, người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi nhấn mạnh, nếu luật trên có hiệu lực, có thể dẫn đến việc chuyển giao một cách cưỡng ép những người xin tị nạn và sự chối bỏ trách nhiệm của Đan Mạch trong việc bảo vệ những người tị nạn dễ bị tổn thương.

Ông nêu rõ: "UNHCR phản đối mạnh mẽ những nỗ lực vốn tìm cách chuyển người xin tị nạn ra nước ngoài và đùn đẩy nghĩa vụ bảo vệ quốc tế cho các quốc gia khác".

(theo Reuters)