📞

Đánh bom liều chết tại Indonesia: Một vụ nổ, hai bài toán

Lưu Huỳnh 11:10 | 30/03/2021
Vụ đánh bom liều chết tại Indonesia cho thấy hai vấn đề lớn mà quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới nói riêng và Đông Nam Á nói chung phải đối mặt.

Ngày 28/3, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra ngoài một nhà thờ Thiên chúa giáo ở Makassar, Indonesia khiến ít nhất 20 người khác bị thương. Đáng chú ý, vụ nổ xảy ra khi nhiều người đang tập trung trong nhà thờ trong ngày đầu tiên Tuần lễ Phục sinh của Thiên chúa giáo.

Indonesia xác nhận vụ đánh bom liều chết, công bố thông tin về nghi phạm. (Nguồn: AP)

Truyền thông Indonesia dẫn lời linh mục Wilhemus Tulak cho biết kẻ tấn công định lao xe máy vào khuôn viên nhà thờ trước khi kích nổ bom nhưng đã bị bảo vệ chặn lại, khiến kẻ này không thực hiện được ý đồ gây thêm thương vong và buộc phải hành động.

Ngay sau đó, Bộ trưởng An ninh Indonesia Mahfud MD tuyên bố đây là một vụ đánh bom liều chết do hai đối tượng thực hiện. Cùng ngày, Cảnh sát trưởng Quốc gia Indonesia, Tướng Listyo Sigit Prabowo cho biết hai kẻ này đều thuộc nhóm Jamaah Ansharut Daulah (JAD), chịu ảnh hưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thực tế này cho thấy hai điều.

Thứ nhất, câu chuyện về hòa hợp tôn giáo vẫn là bài toán khó mà Jakarta đang tìm lời giải. Theo thống kê năm 2018, Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới với 225/267,7 triệu người theo đạo Hồi, tương đương 86,7% dân số.

Trong khi đó, số người Thiên chúa giáo của quốc gia này chỉ chiếm 28,6 triệu người, tương đương 10,72% dân số. Tương tự, tại Makassar, thành phố lớn nhất trên đảo Sulawesi và là nơi diễn ra vụ đánh bom, phần lớn dân số theo đạo Hồi và người theo Thiên chúa giáo chỉ chiếm phần nhỏ.

Sự chênh lệch này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội. Hồi tháng trước, việc một học sinh nữ theo Thiên chúa giáo tại Tây Sumatra bị buộc phải trùm khăn để tới trường đã gây nên một làn sóng phản đối, buộc Bộ Giáo dục và Bộ Tôn giáo Indonesia đã phải ban hành lệnh cấm các trường học bắt buộc học sinh mang sắc phục tôn giáo đến trường học.

Đây là bước tiến đáng mừng, song mới chỉ là khởi đầu. Đã đến lúc Indonesia xây dựng kế hoạch tổng thể, rõ ràng nhằm thu hẹp khác biệt, đảm bảo sự bình đẳng giữa dân số đạo Hồi, Thiên chúa giáo và thiểu số khác.

Đã đến lúc Indonesia xây dựng kế hoạch tổng thể, rõ ràng nhằm thu hẹp khác biệt, đảm bảo sự bình đẳng giữa dân số đạo Hồi, Thiên chúa giáo và thiểu số khác.

Thứ hai, bối cảnh chủ nghĩa khủng bố cực đoan vẫn đang phát triển tại Indonesia. Nhóm JAD từng bị nghi ngờ đã thực hiện các vụ tấn công liều chết vào các nhà thờ và một đồn cảnh sát, giết chết ít nhất 30 người ở thành phố Surabaya vào năm 2018.

Nhóm phiến quân này cũng được cho là đã tham gia vào vụ đánh bom một nhà thờ ở Philippines vào năm 2019 khiến hơn 20 người thiệt mạng.

Trong bối cảnh đó, đầu tháng 1/2021, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 20 đối tượng tình nghi là thành viên JAD. Do đó, không loại trừ khả năng đây là hành vi trả đũa của nhóm này với Jakarta.

Đáng ngại hơn, hoạt động mạnh của các nhóm như JAD cho thấy tư tưởng cực đoan của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang ảnh hưởng đáng kể tới một bộ phận, dù nhỏ, người theo đạo Hồi tại Indonesia nói riêng và các quốc gia Đông Nam Á có đông dân số đạo Hồi nói chung, đe dọa tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn khu vực.

Do đó, vụ đánh bom liều chết tại Makassar vừa qua đã đặt ra hai vấn đề lớn về bình đẳng tôn giáo và an ninh quốc gia mà Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung cần sớm giải quyết.