📞

Danh họa da Vinci từng là nhà tổ chức hôn lễ?

06:00 | 05/08/2016
Leonardo da Vinci là một người đa tài. Người ta gọi ông bằng nhiều danh xưng khác nhau như họa sĩ, nhà khoa học, kỹ sư, nhà toán học và... cả nhà tổ chức hôn lễ.

Được đặt tên là Lionardo di ser Piero da Vinci, lại sống tại thị trấn miền núi Vinci vào năm 1452, người họa sĩ thiên tài đã tự rút gọn tên mình cho dễ nhớ thành Leonardo da Vinci, có nghĩa là Leonardo đến từ thị trấn Vinci.

Trong khi nhiều người cùng thời dành thời gian để tranh đấu quyền lực hoặc tổ chức tiệc tùng, da Vinci lại cố gắng mường tượng về tương lai và nghiên cứu để thiết kế ra những cỗ máy có thể thay đổi thế giới hàng thế kỷ sau đó. Một trong những sáng tạo đỉnh cao của ông chính là chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới, cũng như chiếc ván trượt nước đầu tiên...

Thiết kế ván trượt trên nước của Da Vinci. (Nguồn: Atlas Obscura).

Xuất thân từ cái nôi ẩm thực

Hoàn toàn dễ hiểu khi những tác phẩm và phát minh của da Vinci như bức họa Nàng Mona Lisa và Bộ đồ lặn dưới biển khiến người ta hoàn toàn tin rằng, có thể ông chỉ chuyên tâm vào công việc duy nhất: Cầm cọ. Tuy nhiên, da Vinci từng có khoảng thời gian từng làm công việc của một nhà tổ chức hôn lễ (trong khoảng thời gian từ năm 1489 đến 1493). Với công việc này, cũng giống như những công việc khác, da Vinci đã làm với đầy đủ sự thích thú và tâm huyết.

Khi đã biết da Vinci là một nhà tổ chức hôn lễ thì sẽ không còn ngạc nhiên khi biết rằng danh họa này còn có xuất thân từ ngành ẩm thực. Cha dượng của ông là một đầu bếp chuyên làm bánh ngọt. Từ nhỏ, da Vinci đã quen với những nguyên liệu như bột, đường và những loại bánh (đặc biệt là bánh hạnh nhân). Chính vì vậy mà năm 17 tuổi, gia đình và hàng xóm đã gọi ông với biệt danh “Cậu bé mập mạp”.

Khi 20 tuổi, da Vinci xin học việc tại nhà hàng Le Tre Lumache (có nghĩa là Ba chú ốc sên). Tại đây, ông có được nhiều kiến thức về ốc sên, món ăn được phục vụ hàng ngày với bơ và rau mùi tây. Sau khi da Vinci học việc tại đây được khoảng 1 năm thì một vụ ngộ độc đã khiến cho hầu hết nhân viên nhà bếp của nhà hàng tử vong. Chính vì vậy, ông được chỉ định trở thành người phụ trách nhà hàng.

Với tính cách luôn luôn đổi mới, da Vinci đã cố gắng giới thiệu một thực đơn hoàn toàn mới, hợp lí và nhẹ nhàng hơn. Nổi bật trong đó có món cháo yến mạch được tạo hình và sắp xếp tinh xảo trên đĩa thức ăn.

Trong sổ ghi chép của quản lý nhà hàng da Vinci chi chít những sáng kiến, phác thảo dành cho nhà bếp như máy đánh trứng, dụng cụ tách vỏ hạt hoạt động nhờ vào sức ngựa hay những dụng cụ nhà bếp được vận hành bởi những chú ong...

Những sáng chế vượt thời gian

Trong thời gian này, Da Vinci quan tâm nhiều đến các nghi thức trên bàn ăn và một số sử gia thậm chí còn xem ông là người phát minh ra khăn ăn. Rõ ràng, da Vinci đang nhắm đến những điều to tát và quan trọng hơn là tổ chức hôn lễ. Tạm gác những hiểu biết và tài năng về khoa học, toán học, giải phẫu cơ thể người, hội họa và điêu khắc, da Vinci quyết định trở thành một “người chủ trì những buổi tiệc” - một cách nói hoa mỹ của nghề tổ chức hôn lễ.

Khi da Vinci tổ chức hôn lễ của Công tước Giovanni Galeazzo với nàng Isabella ở vùng Arragon vào năm 1489, nghi lễ bao gồm một màn biểu diễn như trên dải ngân hà với những hành tinh xoay tròn. Khi cặp đôi đi ngang qua khu trưng bày, mỗi hành tinh mở ra và một người ăn mặc như một vị thần bước ra. Mỗi người sẽ ngâm một bài thơ của Bellincioni để chúc phúc cho cặp đôi mới cưới.

Hôn lễ của Công tước xứ Milan vào năm 1491 xem ra là màn trình diễn lớn nhất của da Vinci. Ông không chỉ là người chuẩn bị thực đơn, các màn giải trí, trang trí... mà ông còn thiết kế trang phục của những vị khách và cả mũ của họ. Cách bài trí phòng ăn của ông cũng vô cùng tài tình, trong đó, tất cả các thực khách sẽ ngồi theo một hướng. Ý tưởng này được lặp lại trong tác phẩm nổi tiếng của ông là Bữa tối cuối cùng.

Bức tranh Bữa tối cuối cùng của da Vinci. (Nguồn: Atlas Obscura).

Khi Công tước Ludovico Sforza muốn làm thứ gì đó khác thường cho đám cưới của mình với công chúa Beatrice d’Este, ông đã yêu cầu da Vinci tạo ra một đàn lễ làm từ những nguyên liệu ăn được với chiều dài 61 mét. Những chiếc ghế được làm bằng bánh ngọt và cháo yến mạch. Khi mọi thứ đã sẵn sàng vào đêm trước hôn lễ, một đàn chuột đã “mở tiệc” tại đây. Và thế là hôn lễ bị hoãn cho đến khi Da Vinci có thời gian làm một đàn lễ khác.

Sau một thời gian, nhận thấy công việc kinh doanh tổ chức hôn lễ không mang lại lợi ích nào đáng kể, vị thiên tài đã chuyển sang tập trung sáng chế những vũ khí quân sự và nghĩ ra những chiến lược chiến tranh cho những bạo chúa của nước Italy. Ông đã phát minh ra những máy móc như nỏ khổng lồ và xe bọc thép, hay xe tăng ngày nay...

Những kinh nghiệm và sáng chế của da Vinci trong thời gian làm công việc tổ chức hôn lễ ít có khả năng được áp dụng khi ông chuyển sang lĩnh vực quân sự. Tuy vậy, người ta vẫn luôn bán tín bán nghi rằng liệu những phát minh đó có tạo cảm hứng cho những phát minh của ông sau này? Chẳng hạn như những phác thảo về một cỗ máy biết bay - mà ông đặt tên là Aerial Screw (gần giống máy bay trực thăng ngày nay) khiến người ta liên tưởng tới một cánh cổng lớn cho cô dâu và chú rể bước vào lễ đường...

(theo Atlas Obscura)