Tham dự Hội thảo khoa học có Vụ Trưởng Vụ Tín ngưỡng và các tôn giáo khác, Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Ánh Chức; Phó Viện Trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Lan Oanh; Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam Ngô Đức Thịnh, cùng đại diện Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch; Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, các tỉnh thành trong cả nước và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo khoa học, GS. TS. Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh: “Cần đi đến thống nhất nhận thức chung. Đó là nhu cầu về Tín ngưỡng thờ Mẫu là có thực và chính đáng của những người tin vào Mẫu. Vì vậy, những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu phải được tôn trọng và họ được tự do thực hành tín ngưỡng của mình.”
Ban điều hành Hội thảo khoa học. (Ảnh: Trần Anh Tuấn) |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe hơn 20 tham luận và ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà chính sách, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tập trung đi sâu vào những vấn đề chính như: Những thay đổi về chính sách tín ngưỡng thờ Mẫu sau 2 năm tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh; Nhận thức xã hội về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nhìn từ các công trình nghiên cứu khoa học trong nước; Hoạt động của các tổ chức, đơn vị xã hội sau khi được UNESCO vinh danh; Các công trình nghiên cứu của nước ngoài về tín ngưỡng thờ Mẫu; Phong trào phục dựng nhạc lễ Chầu văn; Phát triển du lịch tâm linh tín ngưỡng thờ Mẫu…
Vụ Trưởng Vụ Tín ngưỡng và các tôn giáo khác, Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Ánh Chức có tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Trần Anh Tuấn) |
Đặc biệt, tham luận tham dự Hội thảo khoa học của Vụ Trưởng Vụ Tín ngưỡng và các tôn giáo khác, Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Ánh Chức về những thay đổi chính sách tín ngưỡng thờ Mẫu, đã thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự. Trong đó, tham luận đã cho thấy Đảng và Nhà nước ngày một cởi mở trong chính sách về tín ngưỡng thờ Mẫu.
Bên cạch đó, tham luận cũng đưa ra 5 đề nghị trung tâm và các hội viên, thanh đồng cần làm tốt. Đó là: Tuân thủ cam kết với UNESCO việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nguyên bản “Gốc”; Cần có nhiều giải pháp hơn nữa để thu hút các hội viên tham gia CLB tín ngưỡng thờ Mẫu, tổ chức tập huấn, trao đổi thống nhất nhận thức và giữ gìn nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu; Quán triệt với tinh thần, không thương mại hóa, không thần thánh hóa; không biến tướng, không lệch chuẩn, không đồng bóng hóa; Tăng cường và tiếp tục truyền cho thế hệ sau cách trình diễn, trang phục, cung văn…; Sau khi các thanh đồng hầu Thánh, cũng như trong cuộc sống đời thường cần phải mẫu mực hơn nữa ở mọi lúc mọi nơi.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Trần Anh Tuấn) |
Phát biểu Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Trần Thị An, Đại học Quốc gia Hà Nội thẳng thắng chỉ ra: “Các tham luận và các ý kiến cho thấy Hội thảo vẫn còn những vấn đề chưa giải quyết được.
Đó là sau hai năm Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh đã có sự phát triển nhanh, nóng. Sự phát triển nhanh và nóng đó đã khiến cho hoạt động trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có phần xộc xệch, lai tạp; phát triển khó kiểm soát. Hội thảo đã đưa ra vấn đề, cần chấn chỉnh hoạt động này và đưa vào quy củ. Hội thảo đang hướng tới việc xây dựng cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và các đồng đền và toàn bộ giới thanh đồng đạo quan, để thực hiện được một tôn chỉ là thờ một người Mẹ tâm linh của người Việt và giữ gìn nét đẹp, cũng như nét đặc sắc văn hóa Việt.”
Thay mặt Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Tổng thư ký Đỗ Văn Trụ trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích. (Ảnh: Trần Anh Tuấn) |
Cũng trong buổi Hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam Phạm Văn Tứ đã báo cáo tình hình hoạt động và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong năm qua của Trung tâm với những thành tích đã đạt được, cũng như những bất cập còn tồn tại trong năm 2018 và phương hướng hoạt động của trung tâm năm 2019.
Thay mặt Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Tổng thư ký Đỗ Văn Trụ trao giấy khen tới những tổ chức, cá nhân của Trung tâm có đóng góp tích cực cho phát triển trong việc bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.