TIN LIÊN QUAN | |
Cha mẹ là những "nhà giáo không cầm phấn" | |
Gieo mầm tử tế cho trẻ |
Tôi cho rằng tương lai một đứa trẻ diễn ra thế nào chủ yếu do cha mẹ quyết định.
Ngày nay, không còn chuyện "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó", gò ép con theo ý kiến của mình nhưng sự giáo dục của cha mẹ sẽ có những tác động không nhỏ tới tính cách của con trẻ. Câu hỏi được đặt ra là cha mẹ sẽ đặt nền móng cho tương lai của con thế nào và từ bao giờ? Tôi khẳng định rằng sự lựa chọn đó cần bắt đầu từ rất sớm, ngay từ khi con mới ra đời.
Tính cách quyết định số phận
Ai cũng thấy rằng những trẻ có tính cách sôi nổi, vui tươi sẽ dễ dàng có nhiều bạn bè. Những trẻ nóng tính sẽ gặp không ít xung đột, va chạm, mâu thuẫn. Những trẻ có tính cách kiên nhẫn, nhường nhịn sẽ được nhiều người yêu quý.
Từ sinh hoạt hàng ngày, nếu cảm thấy việc con cái mình cần phải có tính cách quyết đoán, tự tin, tự lập, những người cha, người mẹ sẽ tìm cách tạo ra các tình huống cho con thể hiện, theo dõi và tán thưởng. Đứa trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận và dần dần tự tin, tự chủ và ngược lại. Như vậy, các bậc cha mẹ chính là những người lựa chọn tính cách cho con bằng chính sự chăm sóc, dạy dỗ của mình ngay từ nhỏ. Cũng có thể nói, lựa chọn cách giáo dục cho con chính là lựa chọn số phận cho đứa trẻ.
Cha mẹ nên tạo môi trường vừa học vừa chơi cho trẻ. (Ảnh: Thu Hương) |
Trước khi làm gì đó với con, cha mẹ hãy nghĩ rằng con sẽ có thể tổn thương, có thể bị căng thẳng (stress) vì những điều họ đã làm. Trẻ nhỏ không phải là cái máy, cứ bật nút lên là chạy. Cần phải hiểu rằng, trẻ cũng có chính kiến riêng của mình.
Trẻ em cũng không dễ bị đánh lừa nên sẽ rất khó chịu nếu nghe người khác nói dối. Các bé hoàn toàn biết cách lựa chọn đúng, sai. Để dạy năng lực phản biện, phụ huynh phải cho con làm quen với mọi ý kiến, ở nhiều chiều chứ không phải chỉ có một.
Cha mẹ cũng là con người và cũng có lúc sai. Nếu cứ tìm cách chứng minh “bố mẹ luôn đúng”, trẻ sẽ vô cùng khó chịu. Cha mẹ cho con biết “con người thật” và sẵn sàng xin lỗi khi mình sai, chấp nhận hình phạt nếu phạm lỗi sẽ làm con hài lòng và dễ tiếp thu với thái độ đúng đắn hơn.
Khoa học có thể chứng minh mỗi đứa trẻ là một thiên tài ở những lĩnh vực khác nhau. Nếu cha mẹ chỉ đánh giá con qua kết quả các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh,... mà quên đi việc giúp con khám phá những khả năng khác của bản thân, vô tình làm hỏng tương lai tốt đẹp của trẻ. Nếu cha mẹ vẫn chỉ tập trung đánh giá con bằng điểm số và thứ hạng trên trường, lớp, con trẻ sẽ khó có cơ hội tiếp nhận những kiến thức từ các môn học không được tổ chức giảng dạy trong nhà trường.
Cũng phải nói thêm rằng, nhiều khả năng của trẻ không phát triển khi nhỏ mà lớn lên mới xuất hiện. Cha mẹ cần biết chờ đợi và điều chỉnh những mong ước của mình cho phù hợp với năng lực con. Một đứa trẻ không có chút năng khiếu nghệ thuật nào nhưng được cha mẹ hướng đi theo nghệ thuật chỉ tạo cho bé những áp lực và căng thẳng mà thôi. Thực tế, nhiều trẻ đi theo con đường nghệ thuật do sức ép của cha mẹ đã luôn cảm thấy chán chường, tự ti và thất vọng vào bản thân mình.
Hãy tạo “đề kháng” cho con
Hiện nay, vô tình hay hữu ý, nhiều bậc cha mẹ thay vì định hướng lại làm thay hoặc chăm sóc con đến tận chân tóc, kẽ răng. Trẻ lớn lên vẫn thiếu kỹ năng mềm cần thiết, sống phụ thuộc vào mẹ cha, giống kiểu thiếu “sức đề kháng”.
Trong bất cứ việc gì, ai cũng có những “lần đầu”. Nghĩa là, khi trẻ bắt tay vào việc gì đó, ban đầu sẽ cảm thấy vụng về, lúng túng. Tuy nhiên, chỉ làm vài lần, trẻ chắc chắn sẽ thành thạo và khéo léo.
Ở châu Âu, chúng ta thường thấy nhiều em bé tự lo cho chính mình từ việc mặc quần áo, đi vệ sinh, xúc ăn. Một bé chừng 12 tháng ngồi trên ghế ăn dùng dĩa xúc thức ăn là hết sức bình thường. Trái lại, ở Việt Nam, hình ảnh thường thấy là nhiều bậc phụ huynh sợ con vụng về, ngơ ngác, chạy ngay vào làm thay, tưởng là giúp con nhưng đồng nghĩa với việc tước đi của con cơ hội trải nghiệm. Chính những việc này đã khiến con trẻ không có điều kiện để ứng phó, xử lý tình huống, kém trong việc rèn luyện kỹ năng cần thiết để làm được những việc sau này, cũng bởi vậy khó đạt đến những mong ước của cha mẹ.
Được trải nghiệm, trẻ sẽ trưởng thành hơn. (Ảnh: Thu Hương) |
Cha mẹ Việt vẫn thường ngạc nhiên khi thấy các bậc cha mẹ người Đức ngồi chơi vui vẻ dưới ghế đá gần khu chơi cát trong khi trẻ em leo trèo thoải mái trên các mô hình nhà, cầu trượt, lưới,... trong khi họ thì không thể rời mắt khỏi con vì lo sợ con bị ngã, bị vấy bẩn... Với người Đức, cha mẹ sẽ bình thản ngồi từ xa nhìn con chơi. Khi bé ngã đau, khóc, họ lại gần để bày tỏ sự quan tâm và kiểm tra vết thương một cách điềm tĩnh thay vì hốt hoảng.
Cha mẹ thường dạy con phải sống hiền lành, lương thiện nhưng khi con gặp chút va chạm với bạn bè, một số bậc cha mẹ lại chạy đến can thiệp, bênh vực con. Hoặc khi con có lỗi ở trường học, bị cô phạt, cha mẹ đến trường gây sự với cô để đòi công bằng cho con. Điều này chỉ khiến con trẻ thấy như được “bảo kê”, dần dần sẽ có thái độ coi thường thầy cô, bạn bè, không tuân thủ kỷ luật, thiếu tôn trọng mọi người...
Khi con có lỗi, cha mẹ chỉ quát mắng con cho bõ cơn tức rồi bỏ qua chứ không nhẹ nhàng chỉ ra những cái sai để con sửa. Dần dần, con sẽ tiếp tục làm những điều xấu bị cấm với suy nghĩ: khi nào bị mắng thì chịu đựng tí chút, đợi cơn tức của bố mẹ qua là xong. Chính việc giải quyết các vấn đề không đến nơi đến chốn của cha mẹ là lý do để con tiếp tục có những hành động xấu, không tuân thủ luật lệ.
Để làm gương cho con, ý muốn nói ra miệng và hành vi của cha mẹ phải khớp nhau. Một người cha vẫn dạy con phải ăn nói lịch sự, có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, lễ phép thì không thể chửi bậy, nói tục thành thói quen. Trẻ sẽ không thể ăn nói lịch sự trong khi vẫn thấy cha mẹ "nói lời không giữ lấy lời". Sự thiếu tin tưởng và tôn trọng của con với cha mẹ sẽ gây trở ngại đến việc cha mẹ dạy dỗ con trong gia đình.
Rõ ràng sự lựa chọn trong quan niệm giáo dục, cách dạy dỗ và ứng xử của cha mẹ với con trẻ chính là các điều kiện quan trọng số một trong việc hình thành tính cách của con. Từ những tính cách được cha mẹ dạy dỗ, con sẽ ứng xử, ứng phó với các tình huống gặp ngoài đời. Từ những tính cách đó, con sẽ lựa chọn con đường đi tiếp theo cho cuộc đời mình. Có thể nói, từ yếu tố bẩm sinh cho đến yếu tố giáo dục, cha mẹ luôn là người nắm giữ vận mệnh của con.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Cha mẹ là những "nhà giáo không cầm phấn" Chia sẻ với TG&VN nhân dịp 20/11, Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh (Viện trưởng Viện Giáo dục IEDV) cho rằng, gia đình chính là ... |
Để không lạc trong "mê trận" phương pháp giáo dục con Chia sẻ với Báo TG&VN, TS. Lê Nguyên Phương - chuyên gia hàng đầu về Tâm lý học đường cho rằng, điều quan trọng của ... |
Các bậc phụ huynh thường hay kêu ca là làm thế nào để có thể dạy con cái trở thành người tử tế trong một ... |