Tổng Thư ký Ban Ki-moon (giữa) và Câu lạc bộ đầu bếp Liên hợp quốc. |
Người đầu bếp cho những bữa tiệc ngoại giao ấy như là một đại sứ. Duy có một điều khác. Họ không ngồi bàn đàm phán mà đứng trong căn bếp của mình, âm thầm bày tỏ quan điểm thông qua những món ăn. Ở các sự kiện quốc tế, dù với quy mô lớn hay nhỏ, việc cùng thưởng thức một món ăn sẽ khiến các nguyên thủ quốc gia tìm thấy những nhận thức chung, đề tài chung để mở đầu cho những câu chuyện quan trọng hơn gấp nhiều lần sau đó.
Vai trò hậu trường quan trọng
"Các Tổng thống và các vị Vua đến rồi đi - nhưng những đầu bếp thì ở lại", Gilles Bragard, người thành lập ra Câu lạc bộ đầu bếp cho các nguyên thủ quốc gia (CCC) từ năm 1977, bình luận. Là một nhà thiết kế trang phục đầu bếp nổi tiếng, ông Braggard (người Pháp) đã có ý tưởng lập ra một tổ chức tập hợp các đầu bếp "chóp bu" giống như hình thức Liên hợp quốc. Theo ông "các cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo rất căng thẳng. Một bữa ăn ngon sẽ giúp họ xích lại gần nhau". Joel Normand, người đã nấu ăn cho các đời Tổng thống Pháp kể từ Charles de Gaulle thì "bật mí": "Nhiều cố vấn của các Tổng thống đời trước vẫn nói với tôi: "Nhờ có ông, bếp trưởng ạ, mà chúng tôi ký xong được cái hiệp ước đấy".
Ngoài việc nấu ăn, tại những cuộc gặp thường niên của câu lạc bộ này, các vị đầu bếp chia sẻ với nhau nhiều nguyên tắc ngoại giao vô cùng tinh tế, kể cả sở thích ăn uống của các nguyên thủ. Chẳng hạn, Walter Scheib, đầu bếp của Nhà Trắng, từng cho biết Tổng thống Bush luôn ăn món khoai tây rán của Pháp suốt thời gian Mỹ và Pháp bất hòa về vấn đề Iraq... Với khoảng 40 thành viên chuyên nấu nướng cho các nhân vật đứng đầu chính phủ, những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng vô cùng hữu dụng khi được thể hiện trên bàn tiệc bởi những đầu bếp tinh tế chắc chắn sẽ góp phần hiệu quả vào kết quả mà họ mong đợi.
Các nhà sử học và nhà nghiên cứu chính trị cũng đã dẫn ra rất nhiều tình huống, trong đó việc các đầu bếp thể hiện việc lựa chọn món ăn, địa điểm, sắp bàn... cũng là một cách truyền tải thông điệp nhất định.
Chẳng hạn, trong không khí căng thẳng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel từng có cuộc gặp mặt đánh dấu 50 năm hòa giải quan hệ Pháp - Đức. Phương án thực đơn sao chép bữa ăn nổi tiếng, gồm thịt thăn bò và macarons quả mâm xôi, đã từng được chuẩn bị vào năm 1962 cho các nhà lãnh đạo thời hậu chiến là Charles de Gaulle và Konrad Adenauer lúc ký Hiệp ước hữu nghị Pháp - Đức, được đưa ra. Sự tinh tế của lịch sử món ăn, sự hài lòng của các vị nguyên thủ đã làm cho các đầu bếp Pháp đã "ghi công" ở bữa tiệc chiêu đãi đó. Năm 1987, tại tiệc chiêu đãi ở Washington, loại rượu vang California từ Thung lũng sông Nga được lựa chọn với dụng ý nhắc đến lịch sử hội nhập của người Nga trong vùng này.
Chiến lược cấp quốc tế
Dù chưa có một định nghĩa chính thức và rõ ràng song trên thực tế, ngoại giao ẩm thực và Đại sứ ẩm thực đang là những khái niệm được sử dụng trên toàn thế giới.
Mỹ là quốc gia nổi tiếng vì có sự đầu tư chuyên nghiệp cho lực lượng "Đại sứ ẩm thực" ở nhiều cấp độ.
Ở phạm vi nhà nước, năm 2011, Mỹ đã có Đại sứ ẩm thực đầu tiên là đầu bếp José Andrés, người Washington, D.C. José đồng thời cũng là Đại sứ của Liên minh Bếp sạch toàn cầu, nghiên cứu loại bếp thân thiện với môi trường, có thể được sử dụng trên toàn thế giới mà không gây ô nhiễm không khí. Ngay sau khi José đắc cử, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra nhiều sáng kiến ngoại giao ẩm thực độc đáo. Tháng 9 năm 2012, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thành lập "Đạo quân bếp trưởng" với hơn 80 đầu bếp danh tiếng nhất nước Mỹ. Lực lượng đặc biệt này được thành lập với mục tiêu làm sứ giả cho nghệ thuật ẩm thực Mỹ, quảng bá và thúc đẩy thực phẩm Mỹ ở nước ngoài.
Không chỉ vậy, những đầu bếp ở một số nhà hàng thuộc bang Pittsburgh và Oakland của nước này chỉ phục vụ những món ăn đến từ những quốc gia đang có xung đột với Mỹ như Afghanistan, Iran, Cuba và Venezuela. Đồ ăn được họ đóng gói mang đi, trên bao bì có in những thông tin và sự kiện về đất nước, con người và cuộc xung đột. Từ đó, chính quyền có thể thông tin cho người dân Mỹ biết những gì đang xảy ra trên thế giới, về quan điểm của nước mình trước sự kiện đó như thế nào.
Thái Lan cũng là một trong những chính phủ đầu tiên và tích cực nhất trong việc này. Từ 10 năm trước, Chính phủ Thái Lan đã xây dựng dự án đưa món ăn Thái đến với bạn bè trên khắp thế giới. Các đầu bếp Thái được cử đi khắp thế giới để giới thiệu về ẩm thực Thái Lan.
Hoặc "ngoại giao kim chi" của Hàn Quốc cũng được xây dựng xuất phát từ ý tưởng tương tự. Chính phủ Hàn Quốc đã không tiếc kinh phí để các đầu bếp nước này có thể quảng bá thực phẩm Hàn Quốc trên toàn thế giới.
Rõ ràng, vị trí và vai trò ngày càng quan trọng của những người đầu bếp đang góp phần làm nên những thành công không nhỏ của các thỏa thuận, đàm phán, cải thiện vị trí và hình ảnh cho các quốc gia.
VIẾT CHUNG