Tái đắc cử, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ làm gì với Trung Đông? (Nguồn: PTI) |
Muốn có thành quả cần đầu tư nhiều 'vốn'
Do bà Sushma Swaraj không ra tranh cử lần này, Ấn Độ sẽ tìm kiếm một ngoại trưởng mới, nhưng những ảnh hưởng của ông Modi sẽ rõ ràng hơn trước.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Modi đã đầu tư đáng kể vốn liếng chính trị, thời gian và các nguồn lực vào việc nuôi dưỡng những "bạn bè" chủ chốt ở Trung Đông, cụ thể là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar và Iran ở khu vực Vùng Vịnh, Israel ở vùng Levant.
Thông qua sự tham gia mang tính cá nhân và những tính toán dựa trên lợi ích kinh tế không khoan nhượng, ông đã nỗ lực kết bạn với các nhà lãnh đạo của các quốc gia này, những người đôi khi không nói chuyện với nhau.
Nhiệm kỳ hai sẽ cho phép Thủ tướng Modi gặt hái thành quả từ các khoản đầu tư chính trị và nâng cấp mức độ can dự của mình lên tầm cao hơn.
Kế hoạch 2.0 của Thủ tướng Modi
Tuy nhiên, cùng với những "trái ngọt", Thủ tướng Modi sẽ không thể thoát khỏi một số vấn đề cấp bách và nhiều thách thức.
Đầu tiên và quan trọng nhất, sẽ là quan hệ với Iran, vốn là một thách thức chính sách đối ngoại lớn kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Thành công vang dội trong cuộc bầu cử sẽ không đủ để Thủ tướng Modi gạt sang một bên quyết tâm của Chính quyền Tổng thống Trump, chấm dứt hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Mỹ đã từ chối gia hạn miễn trừ lệnh cấm vận nhập khẩu dầu mỏ từ Iran hồi tháng 11 năm ngoái, theo đó Ấn Độ vẫn được phép nhập 200.000 thùng dầu/ngày từ nước Cộng hòa Hồi giáo này. Điều này có nghĩa là, Ấn Độ sẽ không thể nhập khẩu dầu thô từ Iran kể từ ngày 2/5/2019 mà không gây ra sự bất bình và thậm chí là tức giận của Mỹ.
Một bộ phận tầng lớp chính trị, phần lớn không tham gia Hạ viện khóa mới, có thể ủng hộ lập trường công khai phản đối việc thể hiện "quyền tự trị" chiến lược của Ấn Độ. Do đó, ông Modi sẽ phải đưa ra một cách tiếp cận cân bằng đối với Mỹ và các đòi hỏi của nước này với Iran.
Cùng với việc miễn trừ lệnh cấm vận dầu mỏ từ Iran hồi tháng 11/2018, Chính quyền Tổng thống Trump đã loại cảng Chabahar khỏi danh sách trừng phạt. Điều này trao cho ông Modi một cơ hội vàng để làm hài lòng cả Mỹ và Iran.
Đầu tư của Ấn Độ vào cảng của Iran này trên thực tế thấp hơn nhiều so với con số 500 triệu USD theo cam kết đầu tư ban đầu. Bằng cách tăng cường các cam kết tài chính vào dự án Cảng Chabahar, Ấn Độ có thể xoa dịu sự bất bình của Iran đối với việc ngừng nhập khẩu dầu thô.
Nói cách khác, điều Ấn Độ cần làm là ngừng nhập khẩu dầu thô của Iran để thỏa mãn Mỹ và mở rộng các cam kết tài chính đối với dự án Chabahar để giữ cho Iran vui vẻ!
Thứ hai, Thủ tướng Modi nên giảm bớt hệ thống quan liêu và cho phép dòng vốn đầu tư từ UAE và Saudi Arabia, hai quốc gia đã cam kết đầu tư lần lượt tới 75 tỷ USD và 100 tỷ USD vào Ấn Độ.
Nếu dự án nhà máy lọc dầu Ratnagiri không được triển khai do vấn đề đất đai, ông Modi nên thăm dò các quốc gia ven biển phía Tây khác để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của Saudi Arabia và UAE vào dự án nhà máy lọc dầu khổng lồ này.
Nếu Hãng hàng không Etihad của UAE rời khỏi liên danh với Hãng hàng không Jet Air đang gặp khó khăn của Ấn Độ, chính sách duy trì quan hệ cân bằng của Thủ tướng Modi với ban lãnh đạo UAE có thể sẽ hữu ích trong việc tư nhân hóa hãng hàng không Ấn Độ.
Thứ ba, cuộc khủng hoảng nội bộ Vùng Vịnh đang diễn ra liên quan đến Qatar không phục vụ cho lợi ích của Ấn Độ. Căn cứ vào những liên kết kinh tế, chính trị, năng lượng và công dân định cư ở nước ngoài, một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề bế tắc giữa Saudi Arabia và Qatar là mối quan tâm của Ấn Độ.
Hòa giải thường đi kèm với những "phần thưởng" và "thiệt hại" không thỏa đáng. Ấn Độ đã tránh, một cách chính đáng, bị lôi cuốn vào việc làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Arab - Israel hay cuộc đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran. Tuy nhiên, bên trong cộng đồng Arab vùng Vịnh lại khác và "miếng bánh" của Ấn Độ ở đây rất lớn.
Hơn nữa, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Modi đã thiết lập mối quan hệ cá nhân với tất cả các nhà lãnh đạo chủ chốt liên quan đến cuộc khủng hoảng, cụ thể là Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin-Salman, Thái tử UAE Mohammed al-Nahyan và Quốc vương Qatar Tamim al-Thani. Ông Modi cũng đã gặp họ nhiều lần.
Thủ tướng Modi nên sử dụng quyền lực lớn mà Hiến pháp Ấn Độ trao cho một Thủ tướng cũng như các mối quan hệ cá nhân của mình với các nhà lãnh đạo này để bắt đầu tiến trình đối thoại. Cả hai là đề xuất khả thi và quan trọng mà ông Modi có thể xem xét đóng vai trò bắc cầu, hoặc hàn gắn sự rạn nứt giữa các Vương quốc Arab vùng Vịnh.
Thứ tư, Trung Quốc đã tìm cách lôi kéo các nước Arab vùng Vịnh công nhận và tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" đầy tham vọng của họ. Là những quốc gia giàu có và nhiều tài nguyên, các nước Arab là "nơi đặt cược" tốt hơn với Trung Quốc so với các nền kinh tế nghèo ở châu Á và châu Phi.
Điều này có nghĩa là Ấn Độ sẽ phải mở rộng "rổ giao dịch" của mình và chuyển sang các dự án đầu tư với các nước Arab vùng Vịnh. Công ty liên doanh phân bón Ấn Độ - Oman ở Sur và quan hệ đối tác kinh tế giữa Ấn Độ với Jordan là một mô hình và tiền lệ cho Ấn Độ gia tăng mạnh đầu tư hơn nữa vào các nền kinh tế ở nơi đây.
Chính phủ của Thủ tướng Modi cũng nên khuyến khích khu vực tư nhân tăng cường sự hiện diện của mình tại các nền kinh tế Trung Đông, đặc biệt là khu vực Vùng Vịnh.
Thứ năm, Ấn Độ nên mở rộng sự hiện diện của mình sang nền kinh tế và thị trường công nghệ Israel thông qua các khoản đầu tư có chọn lọc nhưng táo bạo, nhằm mục đích mua lại công nghệ của nước này.
Thúc đẩy hợp tác an ninh mạng với Israel sẽ đòi hỏi phải xác định các lĩnh vực chủ chốt và các cam kết tài chính đáng kể. Các tuyên bố và bản ghi nhớ đơn thuần sẽ không giúp Ấn Độ trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghệ.
Cuối cùng, những cam kết chính trị ngày càng gia tăng của Ấn Độ với Trung Đông phải được phổ biến công khai rộng rãi hơn ở trong nước.
Do tập trung mổ xẻ mối quan hệ với Pakistan, nhiều nhà bình luận đã bỏ qua các mối quan hệ Ấn Độ - Vùng Vịnh và Ấn Độ - Trung Đông hoặc đã đi đến kết luận sai lầm rằng, dưới triều đại Modi, các quan hệ của Ấn Độ với thế giới Hồi giáo đã xấu đi. Không gì có thể vượt quá sự thật.
Thủ tướng Modi đã khéo léo cân bằng các mối quan hệ với Israel và Palestine, với Saudi Arabia và Iran, với Saudi Arabia và Qatar đồng thời thúc đẩy các lợi ích của Ấn Độ. Các nhà lãnh đạo của Saudi Arabia và UAE đã trao tặng các danh hiệu cao quý nhất của họ cho Thủ tướng Modi chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ, qua đó có thể thấy được hiện trạng mối quan hệ của Ấn Độ với thế giới Hồi giáo dưới thời Modi.
Một nhận thức đúng đắn về chính sách Trung Đông của Thủ tướng Modi kể từ năm 2014 sẽ không chỉ tạo ra sự ủng hộ rộng rãi hơn ở trong nước đối với chính sách đó, mà còn gia tăng ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực. Nếu câu thần chú của thời đại Modi 1.0 là tham gia tích cực, thì giờ là lúc để hành động.