Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho rằng nên cởi bỏ áp lực cho các bên khi học trực tuyến. (Nguồn: Quốc hội) |
Sáng nay 9/11, trong Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu tiếp tục nêu ý kiến về việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.
Dạy học trực tuyến còn nhiều bất cập
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh), thời gian qua, toàn ngành giáo dục và giáo viên đã có nhiều cố gắng, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai dạy và học trực tuyến giữa muôn vàn khó khăn.
Việc học trực tuyến không thể thay thế được học trực tiếp nhưng là giải pháp tất yếu, tối ưu nhất để đảm bảo cung cấp kiến thức, sự an toàn cho người học trong diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo bà Hà, chất lượng việc dạy và học chưa được đảm bảo, do rất nhiều yếu tố khách quan. Ví dụ, chất lượng của đường truyền internet không ổn định, một bộ phận thầy, cô giáo, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa thật hiệu quả. Mặc dù Chính phủ đã phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thực tế.
Ngoài ra, việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài.
Học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè, trong khi nhiều phụ huynh chưa tương tác hợp lý với con trong quá trình học trực tuyến.
Giáo viên chịu áp lực tâm lý khi “một tiết dạy, trăm mắt nhìn”. Khán, thính giả của giáo viên trong giờ học trực tuyến giờ đây không chỉ là học sinh mà còn là phụ huynh, dư luận và cả mạng xã hội.
Cần đánh giá hiệu quả học trực tuyến
Đưa ra giải pháp, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) nghiên cứu điều chỉnh chương trình học trực tuyến để tăng thời lượng cho giáo viên, học sinh tương tác, chia sẻ, nâng cao kỹ năng mềm để cởi bỏ áp lực tâm lý cho cả người dạy và người học. Từ đó, việc dạy và học cũng trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả, mang tính thực tiễn nhiều hơn.
Đồng thời, bà Hà đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ hữu quan nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý việc dạy, học và tổ chức dạy học online phù hợp, hiệu quả, tiên tiến và thân thiện với người dùng.
Cũng quan tâm vấn đề dạy học trực tuyến, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) cho hay, rất nhiều gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn, không thể trang trải số tiền hơn 3 triệu để mua điện thoại thông minh hoặc khoảng 10 triệu đồng cho một chiếc máy tính.
Đại biểu Thu Phước đề nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT nên xem xét bổ sung, làm rõ nội dung này trong báo cáo và có những định hướng, giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới.
Theo nữ đại biểu tỉnh Kon Tum, với tình hình dịch bệnh phức tạp cùng xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ thì hình thức học trực tuyến cần được xác định không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là một xu hướng tất yếu, lâu dài.
Vì vậy, bà Phước cho rằng, Bộ GD&ĐT cần khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên thời gian qua, xác định những vướng mắc, bất cập, từ đó đưa ra những giải pháp để giải quyết, phát huy tốt ưu điểm của hình thức giáo dục đào tạo trực tuyến trong thời gian tới.
Bài toán tuyển sinh đại học: Có bỏ sót người tài?
Đề cập vấn đề tuyển sinh đại học trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho biết, điểm chuẩn đầu vào của nhiều trường đại học tăng mạnh và việc nhiều thí sinh có điểm gần như tuyệt đối vẫn trượt đại học là vấn đề cần được xem xét.
Năm học 2020-2021, học sinh phải ôn tập trực tuyến thay vì đến trường học trực tiếp nhiều tháng trước kỳ thi, việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bài thi của học sinh.
Bộ GD&ĐT đã thiết kế đề thi phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nên điểm thi tốt nghiệp của học sinh khá tốt.
“Tuy nhiên, bài toán về xét tuyển đại học lại rất cam go. Câu chuyện điểm cao, điểm gần như tuyệt đối vẫn không đỗ nguyện vọng 1 hoặc trượt đại học không phải là câu chuyện mới nhưng nếu tiếp tục diễn ra, liệu các trường đại học có bỏ sót tài năng thực sự. Liệu học sinh còn thực sự tin tưởng vào năng lực bản thân”, đại biểu Nguyễn Thị Hà trăn trở.
Đồng thời, bà Hà đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu lại phương thức xét tuyển đại học, tìm giải pháp mở "cánh cửa" cho những học sinh điểm cao có thể vào được đúng trường đại học mơ ước cũng như giải bài toán hướng nghiệp để đặt mục tiêu khuyến học và lựa chọn nhân tài lên cao nhất.
Nhấn mạnh hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, đại biểu Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) cho rằng, số lượng các trường đại học ngày càng nhiều, đầu vào tuyển sinh của một số trường thấp, định hướng nghề nghiệp trong phổ thông chưa cao dẫn đến một số phụ huynh, học sinh thiếu định hướng.
Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, đại biểu Khương Thị Mai cho rằng, cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học, siết chặt tổ chức giáo dục đại học.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, cần đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút nguồn vốn đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, đặc biệt, kiểm định chất lượng giáo dục là giải pháp rất quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) phát biểu. |
Trong khi đó, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, để phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bà Quỳnh Thơ nêu quan điểm, thời gian qua, một trong những nguồn nhân lực chất lượng cao đã bị bỏ sót, không được khai thác hiệu quả, hay nói cách khác là bị chảy máu chất xám, đó là các du học sinh nhận được học bổng từ các trường đại học nước ngoài.
"Nhiều em sau khi tốt nghiệp không trở về nước mà ở lại nước ngoài làm việc; được các tập đoàn, công ty nước ngoài trả lương cao, môi trường làm việc tốt, thậm chí trong đại dịch có nhiều người bản địa ở một số nước thất nghiệp nhưng những lưu học sinh của chúng ta ở lại làm việc lại không bị ảnh hưởng. Điều đó cho thấy chất lượng nguồn nhân lực này là rất cao", đại biểu Thơ đặt vấn đề.
Do đó, bà Thơ cho rằng, để Việt Nam trở thành một nước hùng cường theo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, triển khai thành công mục tiêu kinh tế số và chuyển đổi số, cần có chiến lược, chính sách mạnh mẽ trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài trở về nước công tác và cống hiến.
| Học sinh trở lại trường: Nếu có F0, chỉ phong tỏa diện hẹp lớp học, tòa nhà Thay vì thực hiện phong tỏa toàn trường trong thời gian dài, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có thể chỉ phong tỏa lớp ... |
| Chuyên gia Hoàng Nam Tiến: 'Thời đại ngày nay, chọn nhầm trường, nhầm nghề, không sao cả…' Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom nêu quan điểm, xã hội luôn cần các bạn trẻ học liên tục bởi vì công nghệ, ... |