Người di cư đi qua sa mạc Djibouti. (Nguồn: IOM) |
Phát biểu tại Đối thoại quốc tế về di cư tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ) diễn ra từ ngày 21-22/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Amy Pope bày tỏ hy vọng rằng những cuộc thảo luận sẽ mang tới thịnh vượng, lợi ích và đổi mới cho người di cư cũng như quốc gia nơi họ xuất phát và đích đến.
Theo một báo cáo gần đây của IOM, khoảng 281 triệu người trên toàn thế giới tham gia vào làn sóng di cư này, chiếm khoảng 3,6% dân số toàn cầu. Con số này đã tăng từ 153 triệu người vào năm 1990 và gấp hơn 3 lần so với 84 triệu người vào năm 1970. Xu hướng toàn cầu cho thấy sẽ có nhiều người di cư hơn trong tương lai.
Lý do lựa chọn rời bỏ
Theo Tổng Giám đốc IOM, ngày càng có nhiều người chạy trốn chiến tranh hoặc bạo lực; khó khăn kinh tế hoặc thiếu cơ hội; tác động của biến đổi khí hậu hoặc tình trạng khan hiếm lương thực; và sự kết hợp của tất cả những điều trên.
Người di cư đặc biệt dễ rơi vào tình trạng bị bóc lột, bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh di cư bất hợp pháp, với những con người tuyệt vọng thực hiện cuộc hành trình dài đầy nguy hiểm để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.
Mặt khác, di cư là một trong những động lực quan trọng nhất cho khả năng phục hồi, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế. Thậm chí, di cư còn được công nhận trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững như một chất xúc tác cho một tương lai công bằng và bình đẳng hơn cho tất cả mọi người trên thế giới.
Lợi ích sâu rộng
“Rõ ràng, di cư mang lại lợi ích về mặt thịnh vượng kinh tế. Nó cũng dẫn đến việc trao đổi kỹ năng, tăng cường lực lượng lao động, đầu tư và đa dạng văn hóa. Thành thật mà nói thì nó còn mang đến một số món ăn rất ngon”, bà Amy Pope nhấn mạnh.
Thực tế là người di cư đã góp phần cải thiện cuộc sống xã hội, dù ở quốc gia mới hay quốc gia cũ của họ. Theo báo cáo của IOM, số tiền người di cư gửi về nhà tăng đáng kinh ngạc 650% trong giai đoạn 2000-2022, từ 128 tỷ USD lên 831 tỷ USD.
Hầu hết lượng kiều hối, 647 tỷ USD, được gửi đến các nước có thu nhập thấp và trung bình, chiếm một phần đáng kể trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi nước này và vượt qua đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đầu tư vào di cư
Tổng Giám đốc IOM cho rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về đầu tư cũng cần phải tính đến đầu tư vào con người và di cư.
“Và cách để làm điều đó là xây dựng những con đường di cư an toàn và thường xuyên,” bà Pope nói đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ nhân quyền và phẩm giá của người di cư, bảo đảm họ có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu và không trở thành đối tượng bị bóc lột ở những quốc gia nơi họ làm việc.
Đại sứ Uganda tại LHQ Adonia Ayebare chỉ ra rằng tình trạng di cư đang thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở nhiều nơi trên thế giới. Đại sứ Adonia Ayebare nhấn mạnh sự cần thiết của các quốc gia trong việc “tạo ra một hệ sinh thái để cùng hành động” trên con đường di cư thường xuyên vì các lựa chọn hiện tại là không đủ.
Theo Đại sứ Adonia Ayebare, tình trạng chưa đủ điều kiện an toàn cho người di cư hiện nay dẫn đến cái giá rất đắt, cả về số lượng sinh mạng bị mất đi và sự đau khổ của con người do di cư không an toàn, cũng như vô số cơ hội bị bỏ lỡ cho các cá nhân và xã hội ở các quốc gia.
Tranh cãi và thông tin sai lệch
Như Phó Tổng thư ký LHQ Amina Mohammed đã lưu ý, vấn đề về lộ trình di cư thường xuyên đã trở thành chủ đề gây tranh cãi ở một số khu vực do bầu không khí chính trị xung quanh vấn đề di cư và sự gia tăng của các chiến dịch thông tin sai lệch độc hại.
Trong một video phát tại buổi Đối thoại, bà Amina Mohammed nêu rõ: “Thay vì đưa ra các lộ trình thường xuyên để tăng cường lực lượng lao động, giúp người di cư hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng sở tại và giúp việc di cư trở nên an toàn hơn cho tất cả mọi người, các nhà hoạch định chính sách thường coi di cư là một vấn đề, tin rằng di cư bất thường đại diện cho phần lớn di cư và chỉ tập trung vào các khía cạnh khủng hoảng".
Hiệp ước toàn cầu về di cư, được các quốc gia thành viên LHQ thông qua vào năm 2018, đã thể hiện cam kết “bảo đảm rằng việc hoạch định chính sách và hợp tác xung quanh vấn đề di cư không bị chi phối bởi những sai lầm và những quan điểm sai lệch như vậy, mà dựa trên thực tế, thông lệ và thực hiện cách tiếp cận 360 độ đối với vấn đề di cư, bao gồm cả thông qua các con đường thông thường”.
Tiềm năng của người di cư trẻ tuổi
Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về vấn đề thanh niên Felipe Paullier chỉ ra rằng một nửa dân số thế giới đang ở độ tuổi dưới 30. Với 1,8 tỷ người, họ đại diện cho thế hệ thanh niên lớn nhất trong lịch sử, phần lớn sống ở các nước đang phát triển và chiếm dưới 1/3 tổng số người di cư.
“Khai thác tiềm năng của những người di cư trẻ tuổi là yếu tố then chốt để giải phóng sự đóng góp của di cư đối với sự phát triển. Kinh nghiệm, khát vọng và đóng góp của những người di cư trẻ tuổi là những yếu tố không thể thiếu trong việc định hình một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”, ông Felipe Paullier nhận định.
Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về vấn đề thanh niên kêu gọi bảo đảm cho những người trẻ tuổi có chỗ ngồi tại các cuộc đàm phán và có tiếng nói trong quá trình ra quyết định, bao gồm cả Hiệp ước toàn cầu về di cư.
America Ferrera, nữ diễn viên điện ảnh, truyền hình và nhà hoạt động xã hội từng đoạt giải thưởng, đã được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí toàn cầu mới của IOM. (Nguồn: IOM) |
Đại sứ thiện chí IOM mới
Ngày 21/2, IOM thông báo rằng cô America Ferrera, nữ diễn viên điện ảnh, truyền hình và nhà hoạt động xã hội từng đoạt giải thưởng, đã được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí toàn cầu mới của IOM.
Cô America Ferrera được biết đến với nhiều vai diễn mang tính biểu tượng trong truyền hình và điện ảnh bao gồm Ugly Betty, Real Women Have Curves, Sisterhood of the Traveling Pants, Superstore và gần đây nhất là phim Barbie làm nên lịch sử, nhờ đó cô đã giành được đề cử giải Oscar đầu tiên.
Sinh ra ở Mỹ với cha mẹ là người nhập cư Honduras, nữ diễn viên Ferrera cho biết vấn đề di cư luôn ở trong trái tim cô.
Chia sẻ về cương vị mới, nữ diễn viên Ferrera bày tỏ: “Tôi rất vui mừng khi có cơ hội tiếp tục lan tỏa những câu chuyện giúp chúng ta hướng tới các giải pháp tốt hơn và an toàn hơn cho vấn đề di cư toàn cầu”.