Tham gia buổi Tọa đàm, còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Bộ, cộng tác viên thanh tra và các cán bộ tham gia đoàn thanh tra của Bộ trong hai năm qua.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng yêu cầu quản lý đối ngoại ngày càng tăng, hoạt động hội nhập ngày càng tấp nập, là nhiệm vụ mới so với thanh tra các ngành khác. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng biểu dương những kết quả mà Thanh tra Bộ đã đạt được trong thời gian qua. “Công tác thanh tra của Bộ có nhiều thay đổi tích cực, đạt đúng yêu cầu thanh tra, bài bản hơn, kết quả, hiệu quả công tác thanh tra ngày càng tốt hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong công tác thanh tra chuyên ngành - được thực hiện từ năm 2014 đến nay cũng đã đem lại kết quả đáng khích lệ đối với địa phương, dù nhìn lại còn nhiều việc có thể làm tốt hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng cho rằng, trong nhận thức của mỗi cán bộ, đơn vị không nên coi thanh tra là cơ quan tìm vụ việc, xử lý vi phạm, mà phải coi Thanh tra Bộ là một khâu trong quản lý để cùng rà soát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Nếu phát hiện có vấn đề thì chấn chỉnh, xử lý, nâng cao hiệu quả công tác và góp phần bổ khuyết cho cơ chế, chính sách.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng yêu cầu quản lý đối ngoại ngày càng tăng, hoạt động hội nhập ngày càng tấp nập, là nhiệm vụ mới so với thanh tra các ngành khác. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Tọa đàm bàn bạc, thống nhất trong nhận thức, trong cách làm, đề xuất các giải pháp cụ thể... để thanh tra Bộ thực sự góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị. Từ đó, vạch lộ trình thực hiện để năm 2019 thực sự tạo bước chuyển mạnh hơn nữa trong công tác thanh tra, hỗ trợ hơn nữa các địa phương, đơn vị.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thông tin về tình hình công tác thanh tra trong thời gian qua, ông Phạm Việt Anh, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, số lượng các cuộc thanh tra trong năm 2018 của Bộ tăng, riêng thanh tra hành chính đối với các đơn vị trong Bộ tăng gấp đôi. Đội ngũ làm công tác thanh tra được tăng cường, trong đó có việc thành lập đội ngũ cộng tác viên thanh tra.
Qua thanh tra, các đơn vị đều có chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là nhận thức đúng và sâu sắc hơn về công tác thanh tra, về việc hoàn thiện nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, ông Phạm Việt Anh cũng nêu những vấn đề gây khó khăn cho công tác thanh tra, trong đó có việc thiếu văn bản quy định trong thanh tra chuyên ngành như: công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, Ngoại giao kinh tế, Ngoại giao văn hóa, biên giới lãnh thổ...
Ngoài ra, các vấn đề như thời gian thanh tra ngắn, các đối tượng thanh tra cung cấp tài liệu chưa trúng, nặng về nghiên cứu báo cáo... cũng gây khó cho người làm công tác thanh tra.
Cũng tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận về các vấn đề liên quan, đồng tình cao với ý kiến cần nhận thức đúng về công tác thanh tra, đúng yêu cầu đối với công tác này. Các đại biểu cũng thống nhất cao về việc cần hoàn thiện các cơ sở pháp luật có liên quan để làm “thước” cho thanh tra đo lường việc thực hiện; đề xuất việc nghiên cứu, kiến nghị chỉnh sửa nội dung Nghị định số 17/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2016 để công tác thanh tra chuyên ngành được thực hiện hiệu quả, thực chất hơn trong thời gian tới.