PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm, hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ngày càng trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế. (Nguồn: Quochoi) |
Quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới có rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong việc lan tỏa sức mạnh mềm, xây dựng bản lĩnh, sự tự tin cho văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời, hình thành thương hiệu cho các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam cũng như hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì thế, trong những năm qua, qua nhiều kỳ Đại hội Đảng, ở nhiều nghị quyết và văn bản khác nhau, quảng bá văn hóa Việt Nam trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Cụ thể, trong Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, quảng bá văn hóa là một trong những nội dung chính. Theo đó, về mục tiêu, chúng ta xác định: “Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh; quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam; xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy xây dựng thương hiệu địa phương”.
Tôi cho rằng, công tác quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn, rào cản. Trước hết, tôi nhận thấy những nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành và địa phương trong việc tăng cường hoạt động quảng bá văn hóa. Những hoạt động quảng bá này, bằng nhiều con đường, kênh ngoại giao, ở các sự kiện khác nhau cả trong và ngoài nước đã giúp cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế, giúp chúng ta có thêm nguồn lực để phát triển đất nước.
Tuy nhiên, so với kỳ vọng và tiềm năng văn hóa của đất nước, chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để công tác quảng bá văn hóa có thêm kết quả và hiệu quả thiết thực. Theo tôi, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn lực. Chúng ta thiếu cả nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất và con người cho hoạt động này.
Đối với tài chính, rõ ràng, cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay gây ra nhiều khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa. Không chỉ những hoạt động lớn như World Expo (Triển lãm thế giới) mà ngay cả những hoạt động nhỏ như các đoàn ra, đoàn vào cũng vướng mắc rất nhiều về các quy định tài chính.
Kênh huy động nguồn lực bên ngoài cũng gặp khó khăn do vướng cơ chế hợp tác công – tư hay quản lý, sử dụng tài sản công.
Trình diễn áo dài truyền thống xứ Huế tại “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2021. (Nguồn: Nhân dân) |
Đối với cơ sở vật chất, dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, nhưng các thiết chế văn hóa, thể thao hầu như chưa đủ điều kiện bảo đảm để tổ chức các sự kiện lớn ở Việt Nam. Do vậy, Việt Nam chưa trở thành địa điểm ưu tiên, lý tưởng cho các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn trên thế giới. Từ đó, chúng ta khó quảng bá văn hóa của mình ngay trên chính đất nước mình.
Chưa kể, chúng ta còn thiếu các cơ sở quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Dù đặt ra các chỉ tiêu, nhưng nhiều năm phấn đấu, chúng ta mới chỉ có Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và Lào. Trung tâm xúc tiến du lịch còn khó khăn hơn nữa...
Trong khi đó, nguồn lực con người cũng chính là nguồn lực quan trọng nhất. Vì thế, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhận ra rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác quảng bá văn hóa của các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ quan trọng này. Chính sách đãi ngộ của chúng ta cũng chưa thực sự tốt nên không thu hút được nhiều người giỏi tham gia hoạt động quảng bá.
Đó là những khó khăn lớn nhất bên cạnh việc thiếu điều phối các kế hoạch quảng bá, hay những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách khác. Vượt được qua những khó khăn này, tôi tin, công tác quảng bá văn hóa của chúng ta sẽ đạt được thành quả, giúp đất nước phát triển tốt hơn nữa.
Bên cạnh đó, soi chiếu việc quảng bá văn hóa từ những giá trị trường tồn của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam, chúng ta nhận thấy rằng, những nguyên tắc như dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã thực sự “soi đường cho quốc dân đi”, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho quốc gia. Trong cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc, văn hóa là một lực lượng quan trọng để hình thành nên sức mạnh tinh thần cho đất nước, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, "san bằng" mọi cách biệt về kinh tế, quân sự với các nước khu vực ASEAN và thế giới.
Trong bối cảnh đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là sự kế thừa gần gũi nhất của Đề cương, khi mà tiên tiến thể hiện nguyên tắc khoa học, đậm đà bản sắc dân tộc bổ sung giá trị cho nguyên tắc dân tộc trong Đề cương. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong vǎn hóa các dân tộc khác.
Trong quá trình đó, quảng bá văn hóa dân tộc được thực hiện thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Từ đấy, để văn hóa khẳng định chủ quyền quốc gia, những giá trị dân tộc, để sức sống mới của văn hóa tạo nên mục tiêu và động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước...
| TS. Cù Văn Trung: Quyền được phát triển con người ở nước ta ngày càng được khẳng định sâu sắc TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục cho rằng, quyền phát ... |
| Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Một số nội dung sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 28/11 là một sự kiện chính trị quan trọng, có ... |
| TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Cần tạo đột phá chiến lược về thể chế TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm, chúng ta cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, các loại giấy phép và các ... |
| GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Người thầy hiện đại cần thay đổi để thích ứng Người thầy hiện đại là người thầy phù hợp với thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của kỷ nguyên số. |