Nhỏ Bình thường Lớn

Để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập trung bình cao

Sự quyết tâm, bản lĩnh của các nhà lãnh đạo đất nước và cộng đồng doanh nghiệp sẽ là điều kiện tiên quyết để Việt Nam đạt được các mục tiêu quan trọng trong năm 2030 và 2045 mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Để Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao
Việt Nam cần có quyết tâm và thực hiện ngay một số thay đổi chiến lược để đạt được các mục tiêu quan trọng trong năm 2030 và 2045 mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. (Nguồn: Pháp luật)

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định, về tầm nhìn và định hướng phát triển, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng đặt mục tiêu tương tự. Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người của Việt nam đạt khoảng 7.500 USD. Trong 5 năm tới (2021-2025), Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt khoảng 6,5-7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD.

Nhiều triển vọng

Có thể thấy, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,84%/năm trong giai đoạn 2016-2020, trong đó riêng 2 năm 2018 và 2019 đạt lần lượt 7,08% và 7,02%; Việt Nam bước vào giai đoạn 2021-2025 với nhiều triển vọng.

Thực tế qua 35 năm đổi mới, nhất là trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng minh rõ ràng điều đó. Từ một nước nghèo, chậm phát triển, nền kinh tế Việt Nam đã thực sự bước sang một giai đoạn phát triển mới, được cộng đồng quốc tế nhắc tới là một nước có quy mô GDP vươn lên đứng thứ 4 trong ASEAN, cùng với những bước tiến trên hàng loạt bảng xếp hạng uy tín toàn cầu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII rằng, sau 35 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực lớn mạnh hơn nhiều, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Trong đó, nước ta đã có quy mô GDP 343 tỷ USD, đứng 37 thế giới (từ xếp hạng thứ 55 đầu nhiệm kỳ), 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi.

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng nhất thế giới. Việt Nam cũng là nước có độ mở kinh tế cao, tổng kim ngạch thương mại bằng 200% GDP. Nước ta đã quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 quốc gia, vùng lãnh thổ...

Theo PGS.TS. Vũ Minh Khương - chuyên gia cao cấp về chính sách phát triển kinh tế, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, chỉ còn đúng 1/4 thế kỷ nữa là năm 2045, đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập.

Nếu trong thời khắc đó, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thì dân tộc ta sẽ ghi vào lịch sử nhân loại một câu chuyện phát triển thần kỳ. Đó là chỉ trong vòng 100 năm, một dân tộc có thể vượt qua cả ba chặng đường: “đứng dậy”, “thức dậy” và “trỗi dậy”.

Giai đoạn 1945-1975, Việt Nam đã nhất tề "đứng dậy" để xóa bỏ xiềng xích nô lệ, lầm than để giành lại độc lập tự do hoàn toàn cho đất nước.

Giai đoạn 1975-2015, cả nước đã trăn trở và "thức dậy" để tìm ra con đường thoát khỏi nghèo nàn và tư duy lạc hậu với công cuộc đổi mới lần thứ nhất (1986-2015). Điều này giúp Việt Nam tiến một bước lớn, cả về thế và lực.

Giai đoạn “trỗi dậy”, sau Đại hội Đảng lần thứ XII năm 2016, làn sóng đổi mới lần thứ hai dấy lên kỳ vọng đưa đất nước đi đến phồn vinh, hùng cường vào năm 2045.

"Đại hội Đảng lần thứ XIII cho tôi niềm tin và hy vọng vào một quyết tâm duy trì ổn định chính trị xã hội và đổi mới kinh tế, nhất là đường lối quản trị, điều hành đất nước.

Năm 2030 là năm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi tin rằng, lãnh đạo Đảng sẽ làm mọi cố gắng để đưa đất nước tiến gần đến mốc của một nước phát triển có thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập đất nước, Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển" - GS. Hà Tôn Vinh.

Trong 5 năm đầu tiên của chặng đường này, đặc biệt năm 2020, Việt Nam đã làm nên những kỳ tích ấn tượng, ghi điểm trên thế giới cả về tăng trưởng kinh tế lẫn kinh nghiệm chống đại dịch Covid-19 đang khiến cả thế giới chao đảo.

Để đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử như vậy, phần lớn là nhờ đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, trong đó phải kể đến chủ trương, chính sách về đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 2015-2025, Chính phủ đã khẳng định, Việt Nam chuyển mạnh mẽ từ tư duy “quản lý” sang tư duy “kiến tạo phát triển” và theo đó, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo trên nền tảng chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số… rất được chú trọng.

Nhờ đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đã được cải thiện liên tục, tăng 10 bậc từ năm 2015, đứng ở vị trí thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập.

Thay đổi chiến lược, hiện thực hóa mục tiêu

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, văn kiện Đại hội XIII xác định ba phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ được tập trung triển khai trong giai đoạn 2021-2030. Đó là: Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đồng thời, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 cũng xác định phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam đạt 40%.

Để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập trung bình cao
Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng nhất thế giới. (Nguồn: Vnxpress)

Theo GS. Hà Tôn Vinh - cựu Trợ lý Nhà Trắng thời Tổng thống Mỹ Reagan, cố vấn tài chính cho nhiều công ty đa quốc gia, nhìn vào chặng đường phía trước, Việt Nam còn nhiều thách thức, chông gai. Tuy nhiên với kinh nghiệm trong quá khứ, với đà phát triển hiện tại, Việt Nam sẽ bước vào một kỷ nguyên mới, một chặng đường phát triển bền vững và ngoạn mục hơn những gì đã làm được trong 35 năm qua.

GS. Vinh nhận định: "Đại hội Đảng lần thứ XIII cho tôi niềm tin và hy vọng vào một quyết tâm duy trì ổn định chính trị xã hội và đổi mới kinh tế, nhất là đường lối quản trị, điều hành đất nước.

Năm 2030 là năm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi tin rằng, lãnh đạo Đảng sẽ làm mọi cố gắng để đưa đất nước tiến gần đến mốc của một nước phát triển có thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập đất nước, Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển".

Để đạt được hai mốc quan trọng này, GS. Hà Tôn Vinh cho rằng, Việt Nam cần có quyết tâm và thực hiện ngay một số thay đổi chiến lược. Cụ thể như:

Thứ nhất, cần có chính sách đầu tư quốc gia, phát triển công nghệ, khoa học để làm một cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế số giống như đã từng chuyển đổi nền kinh tế tập trung năm 1986 sang nền kinh tế thị trường hiện tại.

Cuộc cách mạng chuyển đổi số sẽ giống như cuộc cách mạng internet và máy tính trong những thập niên 80 và 90 thế kỷ trước, ai cũng bị ảnh hưởng, không ai được phép ngồi ngoài tầm ảnh hưởng của công nghệ máy tính và thế giới kết nối internet.

Thứ hai, đột phá trong việc tìm, đào tạo, sử dụng và duy trì nguồn nhân lực có chuyên môn cao, phù hợp với việc phát triển nền kinh tế số. Trong “thế giới phẳng” của ngày hôm nay, công nghệ và những gì chúng ta học được của ngày hôm qua sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh, là bệ phóng.

Nhân tài được đào tạo mới sẽ tiến nhanh và xa hơn những người của thế hệ hôm qua. Sự phát triển của công nghệ và sự chuyển đổi trong việc quản lý và điều hành nền kinh tế số sẽ quyết định sự thành bại của các tổ chức.

Năng suất lao động kinh tế số sẽ là chỉ số mới trong việc đánh giá sự phát triển và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh việc thay đổi và điều chỉnh cơ chế điều hành để tiến tới một nền kinh tế thị trường đích thực, hợp tác và hội nhập quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng rộng rãi và bền vững.

Ưu tiên phát triển thế mạnh của vùng miền như kinh tế biển, kinh tế khai khoáng, kinh tế du lịch, tạo nên thế liên minh kinh tế giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương hay các dự án hợp tác công tư.

GS. Hà Tôn Vinh khẳng định: "Con đường phía trước còn dài và nhiều thử thách, chông gai. Khó khăn rồi cũng sẽ qua đi. Sự quyết tâm, bản lĩnh của các nhà lãnh đạo đất nước và cộng đồng doanh nghiệp sẽ là điều kiện tiên quyết giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của hai mốc quan trọng trong năm 2030 và 2045 mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra".

Đa dạng chuỗi cung ứng, bật chế độ bình thường mới để 'giữ chân' FDI

Đa dạng chuỗi cung ứng, bật chế độ bình thường mới để 'giữ chân' FDI

Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh nhận định, mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra ...

Kinh tế số - đường đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam

Kinh tế số - đường đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam

Đối với Việt Nam, tương lai để tăng trưởng kinh tế nằm ở việc tận dụng được tối đa các công nghệ kỹ thuật số, ...