Câu nói của Bác Hồ với cụ Huỳnh Thúc Kháng (giữa) về 'dĩ bất biến ứng vạn biến' trước khi lên đường dự Hội nghị Fontainebleau năm 1946 đã đúc kết thành tư tưởng quan trọng trong nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Mình) |
Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trong quá trình dựng nước và giữ nước, ngoại giao đã được ông cha sử dụng như một mũi tiến công, một binh chủng không thể thiếu.
Bằng việc vận dụng một cách linh hoạt truyền thống ngoại giao, cùng bản lĩnh dạn dày và kinh nghiệm phong phú qua hàng chục năm hoạt động cách mạng, Bác đã để lại cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại nhiều tư tưởng ngoại giao đặc sắc, trong đó có tư tưởng “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với câu nói “Dĩ bất biến ứng vạn biến”
Ngày 31/5/1946, trước khi sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong cụ dĩ bất biến ứng vạn biến”. Câu nói tưởng chừng đơn giản ấy của Người trên thực tế lại là kết tinh từ hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông và giờ đây, một lần nữa trở thành “nguyên tắc vàng”, kim chỉ nam cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Vậy “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là gì?
Cụm từ này xuất phát từ tiếng Hán, là một vế của câu đối hoàn chỉnh, với vế thứ hai là: “Dĩ chúng tâm, vi kỷ tâm” - lấy tình cảm, ý chí của quần chúng làm tình cảm, ý chí của mình. Theo nhà ngoại giao Vũ Dương Huân, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” không có nguyên trong sách cổ mà được suy ra từ Ngô Khởi binh pháp, thiên thứ 5 về ứng biến. Đây là triết lý binh pháp bắt nguồn từ khái niệm “dùng tĩnh chế động”, nghĩa là “Lấy cái bất động để đối phó với nhiều cái manh động”.
Trong tư tưởng triết học cả phương Đông lẫn phương Tây, cái bất biến được coi là cái bản thể còn cái vạn biến là những hiện tượng. Trong mối quan hệ giữa bản thể và hiện tượng thì bản thể là bất biến, không sinh không diệt; còn các hiện tượng biến chuyển không ngừng nay còn mai mất.
Quan hệ biện chứng giữa cái bất biến và cái vạn biến trong triết học phương Đông đã in sâu trong triết lý hành động của nhiều nhà cầm quyền lớn. Vua Lý Thánh Tông, khi đi lo việc biên cương ở phương Nam, dẹp loạn Chiêm Thành có dặn nhiếp chính Ỷ Lan: “Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định”, ý nói cứ lấy cái nhất tâm - “bất biến”, ở đây được hiểu là lo việc giữ nước, để đối phó với vạn biến.
Kế thừa tinh hoa về tư tưởng biện chứng của các bậc tiền nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đặc sắc và uyên thâm, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.
Quan điểm “bất biến” được thể hiện ở câu nói của Người lúc ra đi tìm đường cứu nước: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Trong khi đó, với Người, cái “vạn biến” là khả năng ứng phó linh hoạt, mềm dẻo để phục vụ mục tiêu “bất biến”, cao nhất là cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”.
“Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”. (Chủ tịch Hồ Chí Minh) |
“Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong lịch sử ngoại giao cha ông
Việt Nam là một nước nhỏ nằm cạnh nước lớn, Trung Quốc. Do đó, các triều đại phong kiến Việt Nam đã luôn duy trì sự khéo léo trong ứng xử với các triều đại phong kiến Trung Quốc khi luôn kính trọng để xây dựng một mối quan hệ hòa bình và ổn định.
Nhưng một khi nguyện vọng “bất biến là độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ bị xâm phạm, người dân Việt Nam vẫn sẵn sàng cầm vũ khí chiến đấu.Tuy nhiên, sau khi chiến thắng, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn cố gắng giữ tinh thần hòa hiếu, cư xử mềm mỏng nhưng ngoan cường để buộc các triều đại phong kiến Trung Quốc phải tôn trọng mình.
Cụ thể, các triều đại phong kiến Việt Nam đã thực hiện chính sách ngoại giao khôn ngoan, sáng suốt, là “thần phục thiên triều”, “trong xưng đế, ngoài xưng vương”. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền đã xưng đế trong nước, nhưng chỉ xưng vương đối với phương Bắc. Đây là sách lược đối ngoại mềm dẻo, cốt làm cho phong kiến Trung Quốc không tìm được cớ để gây lại chiến tranh xâm lược.
Nhân tình hình Trung Quốc rối ren trong thời kỳ “ngũ đại, thập quốc”, Ngô Quyền cũng khéo lợi dụng mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến phương Bắc, không cầu thân với bên nào để duy trì nền tự chủ dân tộc. Chính sách đối ngoại khôn khéo, “vạn biến” đó đã góp phần giữ vững nền độc lập của nước ta suốt 30 năm.
Tuy nhiên, dù luôn cố gắng ứng xử mềm dẻo, linh hoạt và uyển chuyển, song cha ông cũng kiên quyết, không nhân nhượng khi độc lập, chủ quyền đất nước bị xâm phạm. Dưới triều Lý, đã diễn ra cuộc đấu tranh ngoại giao về chủ quyền lãnh thổ đầu tiên trong bang giao Việt-Trung.
Năm 1078, vua Lý Nhân Tông đã sai Đào Tông Nguyên dẫn đầu đoàn sứ bộ sang Trung Quốc để kết giao tình hòa hiếu, đề nghị trả lại những vùng đất họ chiếm giữ bất hợp pháp của nhà Lý, nhất là hai động Vật Dương, Vật Ác. Vua Lý Nhân Tông viết: “Mặc dầu những đất ấy nhỏ bé nhưng vẫn khiến lòng tôi đau xót, luôn luôn nghĩ đến cả trong giấc mộng”.
Những dòng ấy cho thấy nguyện vọng “bất biến” của dân tộc: Dù ở thời đại nào, Việt Nam cũng quyết không để mất một thước núi, một tấc sông của đất nước vào tay ngoại bang.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Việt Nam. (Nguồn: Vietnamtrongtoi.net) |
“Dĩ bất biến ứng vạn biến” qua hai cuộc kháng chiến
Phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được chính Người và Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng một cách nhuần nhuyễn trong giai đoạn kháng chiến đầy gian khó, góp phần giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Sau Cách mạng tháng Tám, Việt Nam phải đổi mặt với nhiều vấn đề khó khăn, ngoại xâm nội phản. Chính quyền cách mạng non trẻ chưa được củng cố, lực lượng vũ trang còn non yếu. Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” đòi hỏi phải có sách lược đúng đắn để bảo vệ cái “bất biến”, đó là độc lập, tự do của dân tộc.
Đến trước ngày 6/3/1946, nhằm tập trung lực lượng chống Pháp ở miền Nam, Đảng chủ trương tạm thời hòa hoãn, tránh xung đột với Trung Hoa dân quốc. Việt Minh đã trao cho quân Tưởng một số lợi ích chính trị, kinh tế, đồng thời tuyên bố giải thể Đảng Đông Dương, song thực chất hoạt động bí mật, tiếp tục lãnh đạo cách mạng. Đây chính là nét “ứng vạn biến” trong phương châm ngoại giao của Đảng. Nhờ sự hoà hoãn thành công này, nhân dân Sài Gòn có điều kiện để tập trung chống Pháp.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” được thể hiện rõ nhất tại Hội nghị Paris. Cuộc đàm phán Hiệp định với sự cố vấn của đồng chí Lê Đức Thọ - người vừa có bản lĩnh vững vàng và phương pháp sáng tạo, khôn khéo. “Quân Mỹ rút ra, quân ta ở lại” là lẽ “bất biến” trong lập trường của đồng chí Lê Đức Thọ. Từ cái gốc vững chắc này, đồng chí Lê Đức Thọ có ứng xử kiên quyết, phù hợp với bối cảnh lịch sử, biết điều gì có thể nhân nhượng, song điều gì phải chiến đấu đến cùng.
Khi nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu Averell Harrinman bị phái đoàn Việt Nam từ chối yêu cầu đòi có đại diện của Sài Gòn trong đàm phán, ông đã đe doạ: “Bom sẽ lại rơi trên đầu các ông!”. Lúc ấy, đồng chí Lê Đức Thọ thủng thẳng đáp lại: “Dọa bằng chiến tranh không được đâu. Chúng ta đã đánh chiến bao năm rồi, còn lạ gì nhau mà doạ nạt?”. Ứng xử khéo léo của đồng chí Lê Đức Thọ đã khiến ông Harrinman buộc phải hạ giọng: “Tôi rút cái câu nói bom lại rơi trên đầu các ông...”.
Có thể nói, Hiệp định Paris là một minh chứng đầy thuyết phục về bản lĩnh và phong cách của ngoại giao Việt Nam, dù non trẻ nhưng đầy bản lĩnh. Tại bàn đàm phán, đoàn đàm phán Việt Nam đã tính toán kỹ lưỡng từng đường đi nước bước một cách chắc chắn, thận trọng để không để rơi vào thế bị động, đồng thời luôn kiên trì các vấn đề nguyên tắc, chiến lược nhưng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược.
Hiệp định Paris là một minh chứng đầy thuyết phục về bản lĩnh và phong cách của ngoại giao Việt Nam, dù non trẻ nhưng đầy bản lĩnh. |
“Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong giai đoạn đầu Đổi mới
Bước vào những năm đầu thập niên 80, cục diện thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) Đông Âu lâm vào khủng hoảng trầm trọng, mâu thuẫn trong lòng hệ thống các nước XHCN ngày càng gia tăng. Trong nước, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trên tất cả các lĩnh vực như: tình trạng kinh tế, sản xuất đình trệ, ngân sách thiếu hụt, lạm phát cao phi mã. Nước ta cũng chịu tác động lớn từ khủng hoảng trong hệ thống các nước XHCN và sức ép từ một bộ phận cộng đồng quốc tế trong vấn đề Campuchia.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu cấp bách nhất là nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, phá thế bao vây, cấm vận. Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (1988) khoá VI đã khẳng định: “Lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta là phải củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế”. Cùng với đổi mới tư duy về kinh tế, Đảng và Nhà nước cũng có những đổi mới trong tư duy đối ngoại. Từ đó, phương hướng triển khai các hoạt động đối ngoại liên tục có sự đổi mới để phù hợp với lợi ích “bất biến” này của đất nước trong từng giai đoạn.
Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị khoá V (tháng 7/1986) chủ trương chuyển từ đối đầu sang đối thoại, đấu tranh cùng tồn tại hoà bình. Cùng năm, Đại hội Đảng VI (1986) nhấn mạnh cần “tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, ưu tiên giữ vững hòa bình để phát triển kinh tế .
Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa VI (tháng 5/1988) lần đầu tiên đưa ra khái niệm “đa dạng hóa quan hệ” trên cơ sở “thêm bạn, bớt thù”, nền tảng cho chủ trương “đa dạng hóa, đa phương hóa”. Có thể nói, nghị quyết này là bước chuyển mạnh mẽ về tư duy, mục tiêu đối ngoại, quan hệ bạn thù và cách thức tập hợp lực lượng.
Để có thể hiện thực hóa mục tiêu “bất biến” trong giai đoạn này là phát triển kinh tế và phá thế bao vây cấm vận, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại linh hoạt.
“Lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta là phải củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế” - Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (1988) khoá VI. |
Đại hội Đảng VI đã khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc bất cứ lúc nào, bất cứ cấp nào và bất cứ ở đâu nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước”. Với nỗ lực và thiện chí của mỗi bên, năm 1991, hai bên ra thông cáo chung tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ theo 5 nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình.
Chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực đối ngoại song phương cũng từng bước điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện. Từ “tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng XHCN” trong Đại hội VI đến hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Cách xử lý mối quan hệ linh hoạt này đã giúp Việt Nam và Mỹ, dù từng “đứng ở hai bờ chiến tuyến”, có thể “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.
Việc áp dụng tư tưởng “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của đối ngoại trong giai đoạn này cũng giúp Việt Nam phá thế bao vây, cấm vận, giải quyết vấn đề Campuchia.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy 4 năm thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở theo tư duy mới, Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng, phá thế bao vây cấm vận, giải tỏa bế tắc trong quan hệ với láng giềng và hầu hết các nước lớn, các tổ chức khu vực và liên khu vực. Đồng thời, Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào các hoạt động ngoại giao đa phương chủ yếu tại Liên hợp quốc và Phong trào không liên kết. Quan hệ giữa Việt Nam với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được khai thông, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình gia nhập Hiệp hội và hội nhập khu vực sau đó.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ và các thành viên phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị quốc tế về Campuchia tại Paris, Pháp năm 1991. (Nguồn: Sách ảnh 65 năm ngoại giao Việt Nam 1945-2010). |
Dĩ bất biến ứng vạn biến trong phương hướng đối ngoại Đại hội Đảng XIII
Tiếp nối lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và truyền thống ngoại giao ngàn năm lịch sử của cha ông, “dĩ bất biến ứng vạn biến” vẫn tiếp tục là bản sắc ngoại giao tiêu biểu của Việt Nam.
Tính bất biến của bản sắc ngoại giao Việt Nam được thể hiện đậm nét trong đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. “Đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc” luôn là mục tiêu bất biến, kim chỉ nam, tiêu chí cao nhất trong triển khai hoạt động đối ngoại và cần được phát huy, thực hiện hiệu quả hơn nữa trong bối cảnh mới.
Tuy nhiên, để quyết hài hòa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sẽ đòi hỏi những biện pháp “ứng vạn biến”. Giữ vững độc lập, tự chủ không chỉ bao gồm giảm sự lệ thuộc, chống sự áp đặt, lôi kéo, chi phối, mà còn là nêu cao, phát huy tính chủ động trong tham gia vào công việc chung của khu vực và quốc tế.
Từ nhận thức đúng đắn về cái “bất biến” và cái “vạn biến”, Đảng và Nhà nước đã xây dựng và triển khai nhiều chủ trương, chính sách đối ngoại linh hoạt, phù hợp: Từ chủ trương “muốn là bạn” đến “sẵn sàng là bạn”, “là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; từ quan niệm “địch”, “ta”, chuyển sang cách nhìn nhận về đối tác, đối tượng. Những thay đổi, điều chỉnh đó đã tạo cho Việt Nam một sức mạnh đối ngoại mềm dẻo, được các nước trên thế giới đánh giá cao.
Năm 2020, đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Việt Nam đã có những cách thức “ứng vạn biến” kịp thời như chuyển trọng tâm ưu tiên của chương trình nghị sự sang phòng chống dịch với nhiều đề xuất và sáng kiến hiệu quả.
Theo sáng kiến của Việt Nam, ASEAN đã xây dựng cơ chế điều phối, hợp tác, tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến của ASEAN ở các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN về Covid-19 ngày 14/4, đề ra nhiều biện pháp cụ thể như lập Quỹ ứng phó Covid-19, lập kho y tế dự phòng, lập Quy trình chuẩn về ứng phó dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi của ASEAN. ASEAN cũng mở nhiều cuộc họp trực tuyến với đối tác Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga... để thúc đẩy hợp tác quốc tế ứng phó với Covid-19, hỗ trợ khắc phục tác động của dịch bệnh.
Năm 2020, đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Việt Nam đã có những cách thức “ứng vạn biến” kịp thời. (Nguồn: TTXVN) |
Kết quả, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN khác, thực hiện thành công nhiệm vụ “bất biến”, đó là “vừa tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa tiếp nối các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, tập trung triển khai những trọng tâm ưu tiên hợp tác đề ra trong năm 2020”. Nhờ linh hoạt áp dụng tư tưởng “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng về nỗ lực ứng phó với dịch Covid-19 trong nước và khu vực, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Gần đây, xung đột Nga-Ukraine là một bước ngoặt lớn trong quan hệ quốc tế hiện đại. Trước diễn biến chính trị quốc tế mới này, Việt Nam đã vận dụng phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong cách ứng xử của mình tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ba lần Đại hội đồng tổ chức bỏ phiếu về vấn đề Ukraine, mỗi lần về một chủ đề, mục đích khác nhau; đây chính là “vạn biến”. Tương ứng, ba lần Việt Nam cũng bỏ lá phiếu khác nhau. Tuy nhiên, Việt Nam luôn khẳng định lập trường nhất quán của mình, khi không đứng về bên này chống bên kia hay ngược lại mà luôn đứng về lẽ phải, công lý, luật pháp quốc tế. Đây chính là “bất biến”.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” không chỉ là nguyên tắc, phương pháp có giá trị lịch sử, ý nghĩa đối với Việt Nam trong đấu tranh cách mạng, mà còn là nguyên tắc để giải quyết hiệu quả những vấn đề mới với công tác đối ngoại của Việt Nam ở quá trình hội nhập hiện nay. Bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần quyết tâm ở mức cao nhất, cùng sự nỗ lực của toàn dân để vượt qua thách thức, biến khó khăn thành cơ hội để phát triển. 76 năm đã trôi qua, song lời dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và đã, đang được Đảng, Nhà nước và công tác đối ngoại vận dụng sáng tạo trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
76 năm đã trôi qua, song lời dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và đã, đang được Đảng, Nhà nước và công tác đối ngoại vận dụng nhuần nhuyễn sáng tạo trong bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. |
(*) Lê Thanh Long, Phạm Thị Kim Chi, Mai Thảo Nguyên, Lê Minh, Nguyễn Nhật Hoa, Nguyễn Thị Phượng, Trần Duy Khánh, Nguyễn Thanh Thảo