📞

'Di sản' của Thủ tướng Nhật Bản Suga đủ làm nền móng cho chính phủ mới

Thu Hiền 19:22 | 07/09/2021
Theo chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản Robert Ward thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (IISS) của Anh, dù quãng thời gian đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Nhật Bản của ông Suga Yoshihide có thể còn rất ngắn, nhưng ông sẽ để lại cho người kế nhiệm một số thành tựu chính sách đối ngoại và đối nội quan trọng, đủ để làm nền móng phát triển cho chính quyền tiếp theo.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thông báo sẽ không tái tranh cử với tư cách lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP). (Nguồn: Reuters)

Bản sắc riêng

Ngày 3/9, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thông báo sẽ không tái tranh cử với tư cách lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trong cuộc tranh cử cuối tháng này, báo hiệu việc ông sẽ từ chức Thủ tướng.

Sau khi lãnh đạo mới được bầu, trong số quyết định đầu tiên của nhà lãnh đạo mới của LDP sẽ có việc ấn định thời gian của cuộc bầu cử Hạ viện tiếp theo, theo quy định là khoảng cuối tháng 11. Khoảng thời gian ngắn ngủi giữa một nhà lãnh đạo mới nhậm chức và phải dẫn dắt chính đảng tham gia một cuộc tổng tuyển cử là điều chưa từng có trong lịch sử chính trị gần đây của Nhật Bản.

Việc Thủ tướng Suga mất đi phần nào ảnh hưởng chính trị phản ánh cảm xúc lẫn lộn của công chúng với cách chính phủ Nhật Bản đối phó với dịch Covid-19, những chia rẽ về việc tổ chức Thế vận hội Tokyo trong bối cảnh đại dịch.

Tuy nhiên, bất chấp quãng thời gian cầm quyền ngắn ngủi nói chung cũng như tác động chính trị của dịch Covid-19 nói riêng, chính quyền của ông Suga vẫn để lại cho người kế nhiệm một số thành tựu quan trọng về chính sách đối ngoại và thậm chí là đối nội.

Một số thành tựu này được xây dựng dựa trên di sản của người tiền nhiệm Abe Shinzo, song bên cạnh đó là những sáng kiến mang bản sắc của chính quyền Thủ tướng Suga.

Thành tựu đối ngoại và đối nội

Về mặt chính sách đối ngoại, ông Suga đã thúc đẩy chiến lược tổng thể của người tiền nhiệm Abe Shinzo theo một số cách. Dấu ấn đầu tiên là chuyến thăm của ông tới Việt Nam và Indonesia vào tháng 10/2020, tái khẳng định mạnh mẽ về vai trò trung tâm chiến lược của ASEAN đối với Tokyo.

Nỗ lực xây dựng liên minh khu vực của người tiền nhiệm cũng tiếp tục với việc Tokyo đăng cai tổ chức cuộc họp bộ trưởng Nhóm Bộ tứ lần thứ hai, cũng vào tháng 10/2020.

Động lực của Bộ tứ đã được tăng cường mạnh mẽ hơn dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Mỹ Joe Biden, với hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo nhóm này vào tháng 3/2021 và nhóm đang tìm cách mở rộng hoạt động của mình sang các lĩnh vực an ninh kinh tế như chuỗi cung ứng, phân phối vaccine Covid-19 và giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật Bản vào tháng 4 năm nay cũng rất đáng chú ý vì đã thừa nhận trên thực tế khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản.

Cần phải thừa nhận rằng bất chấp những khó khăn từ đại dịch và những rào cản khi không thể thực hiện nhiều các hoạt động đối ngoại trực tiếp, Thủ tướng Suga vẫn có thể duy trì sự chủ động trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Người kế nhiệm của ông được kỳ vọng sẽ có thể phát huy các sáng kiến của Chính phủ Thủ tướng Suga.

Về chính sách đối nội, việc Nhật Bản ra mắt Cơ quan Kỹ thuật số mới trong tháng 9 năm nay có lẽ sẽ là điểm nhấn trong di sản của ông Suga. Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy Nhật Bản cải thiện năng lực điều phối và thúc đẩy các chính sách kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, những nỗ lực của Thủ tướng Suga nhằm tăng cường năng suất của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Nhật Bản cũng có ý nghĩa kinh tế nhất định. SMEs sử dụng khoảng 70% lực lượng lao động và chiếm hơn 90% tổng số công ty ở Nhật Bản, dù đóng góp của họ vào giá trị gia tăng trong nền kinh tế thấp hơn đáng kể so các công ty lớn.

Về khó khăn, nhà lãnh đạo mới của LDP và Thủ tướng tương lai của Nhật Bản sẽ phải đương đầu với một loạt các thử thách. Đó là việc lên kế hoạch cho hai cuộc bầu cử quốc gia, cuộc tổng tuyển cử và sau đó có thể là cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7/2022.

Bên cạnh đó là nỗ lực hồi phục đà tăng trưởng kinh tế và đối phó với một môi trường khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có sự trỗi dậy của Trung Quốc.

(theo iiss.org)