Ông Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế |
Đang ở trong tâm dịch virus corona chủng mới (COVID-19), cơ quan truyền thông của Bộ Y tế hẳn cũng trong tình trạng “quá tải”. Ông có thể chia sẻ những công việc mà Vụ đang tích cực làm để phục vụ cho việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh hiệu quả?
Nhiệm vụ chính của chúng tôi là truyền tải những nhiệm vụ chỉ đạo phòng chống dịch của Chính phủ và của Bộ Y tế tới toàn bộ hệ thống ngành y; truyền tải những thông điệp, phòng chống dịch, những khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới tới công chúng để người dân biết và thực hiện (thông qua mọi kênh truyền thông từ cách thức đơn giản nhất đến những phương tiện hiện đại nhất). Để làm được điều đó, chúng tôi phải kết nối với rất nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành, với các cơ quan thông tin đại chúng, những cá nhân có tầm ảnh hưởng...
Rất may là trong bối cảnh chống dịch, tất cả những đơn vị, cá nhân mà chúng tôi kết nối đều sẵn sàng hợp tác vô điều kiện. Đối với truyền thông thì yếu tố thời gian là vô cùng quan trọng và tinh thần hợp tác trách nhiệm và kịp thời của họ có vai trò rất lớn giúp chúng tôi thực hiện được các nhiệm vụ được giao
Bên cạnh những thông tin chính thống thì thông tin giả và tin đồn thất thiệt vẫn còn tràn lan trên mạng đôi khi gây loạn tin tức về dịch virus corona, Bộ Y tế đối phó với tình trạng này như thế nào?
Sự phát triển của mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ để tin đồn và tin giả phát tán, gây tâm lý hoang mang trong công chúng và cản trở không nhỏ tới công tác phòng chống dịch. Theo dõi, xử lý tin đồn, tin giả là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác truyền thông trong dịch. Với sự trợ giúp của các đồng nghiệp trong ngành y, của công chúng, báo chí, các tin đồn, tin giả đã nhanh chóng được phát hiện.
Chúng tôi đã liên lạc với đầu nguồn thông tin để nắm rõ tình hình, bản chất vấn đề để kịp thời bác bỏ những nội dung bịa đặt, phản khoa học, phối hợp cùng các cơ quan thông tấn báo chí đưa thông tin thật đến với công chúng.
Mặc dù số ca nhiễm bệnh ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhưng ở thời điểm hiện tại, nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và không có trường hợp nào tử vong. Cần tuyên truyền gì để người dân đỡ quá hoang mang về dịch bệnh này?
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cung cấp đầy đủ và kịp thời những thông tin và khuyến cáo về công tác phòng chống dịch phù hợp với diễn tiến của dịch.
Việc truyền thông sẽ được thực hiện qua những cách chứng tỏ tính hiệu quả trong thời gian vừa qua như báo chí chính thống, cổng thông tin của Chính phủ, Bộ Y tế, truyền thông truyền thống, truyền thông trên mạng xã hội, trên mạng viễn thông di động, trên các ứng dụng cho thiết bị cầm tay. Để tránh người dân hoang mang, các hãng cung cấp nền tảng cho mạng xã hội đã cam kết sẽ giảm thiểu tin giả trên các hạ tầng của mình.
Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí khi đăng tải thông tin về dịch bệnh từ các nguồn nước ngoài cần chọn lựa những nguồn tin uy tín, không tiếp tay cho các tin tức giật gân, hàm lượng khoa học thấp, chưa được kiểm chứng bởi các tổ chức chuyên môn quốc tế. Việt Nam có đủ khả năng để kiểm soát dịch bệnh và điều trị khỏi các ca bị nhiễm bệnh.
Chúng tôi cũng mong muốn công chúng bình tĩnh và thực hiện đúng khuyến cáo phòng bệnh và cách ly của ngành y tế.
Bộ Y tế chính thức công bố trang tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 gây ra (https://ncov.moh.gov.vn), nhằm giúp người dân nắm bắt tình hình dịch bệnh và trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh thông qua các hướng dẫn, khuyến cáo từ cơ quan y tế có chuyên môn. Đây là kênh cung cấp thông tin chính thống về các văn bản chỉ đạo, các hoạt động của ngành y tế, các thông tin trợ giúp, hướng dẫn người dân và cộng đồng. Bộ Y tế cũng ra mắt ra App "Sức khỏe Việt Nam" hướng dẫn người dân tự đánh giá nguy cơ, trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh, nắm thông tin và các hướng dẫn từ cơ quan y tế trên địa bàn sinh sống của người đăng ký thông tin để được hướng dẫn việc tự cách ly trong trường hợp nghi nhiễm. |