Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề cập tại cuộc họp báo nhiều vấn đề “nóng”, từ các hồ sơ nhân quyền Tân Cương, thống nhất Đài Loan, dân chủ Hong Kong, tranh chấp Biển Đông, Hoa Đông, biên giới Trung - Ấn, vaccine Covid-19 đến quan hệ với Mỹ, phương Tây và ASEAN.
Không nhiều quan điểm mới!
Ngoại trưởng Vương Nghị gửi đến thế giới, cả đối tác và đối thủ thông điệp quan trọng: Trung Quốc bước vào một giai đoạn mới, “khúc dạo đầu cho một thiên niên kỷ vĩ đại”, với vị thế mới, không thua kém bất cứ ai và không sẵn sàng nhượng bộ bất cứ vấn đề quan trọng nào.
Cùng thời gian đó, để tăng thêm trọng lượng, Tướng Hứa Kỳ Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương nói: Trung Quốc cần tăng ngân sách quốc phòng (dù đã ở mức nhất nhì thế giới), sẵn sàng đối phó với “bẫy Thucydides” (ám chỉ cuộc chiến tranh khó tránh giữa một thế lực đang trỗi dậy với thế lực muốn bảo vệ ngôi vị số 1).
Theo phong cách thường lệ, sau mỗi cảnh báo là xoa dịu, hứa hẹn, cả về quan hệ kinh tế, an ninh, quân sự, chính trị, ngoại giao lẫn khả năng cung cấp vaccine Covid-19 cho 100 quốc gia.
Ngoại trưởng Vương Nghị cũng dành nhiều quan tâm đối với ASEAN. Ông nói, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được thỏa thuận chung, cùng duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, xây dựng một cộng đồng gần gũi hơn với một tương lai chung, mở ra một giai đoạn 30 năm hợp tác sâu rộng hơn nữa.
ASEAN cũng không mong muốn gì hơn. Nhưng có câu: đừng nghe nói, mà hãy xem hành động. Những năm qua, Trung Quốc liên tục bồi đắp, xây dựng, biến các bãi đá chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành cụm công trình lưỡng dụng (thực chất là quân sự), đẩy mạnh quân sự hóa, tổ chức diễn tập quân sự kéo dài một tháng, sửa luật cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng, duy trì hàng chục ngàn tàu cá, tàu dân quân biển thực hiện chiến thuật “vùng xám”, trên vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác…
Quan hệ với ASEAN
Nguyện vọng khát khao của ASEAN là duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực. Xét nghĩa thông thường của ngôn từ, cũng không khác mấy với ý tưởng “xây dựng cộng đồng chung vận mệnh” mà Trung Quốc nhiều lần nói.
Nhưng quan trọng là cái cộng đồng đó thế nào? Cộng đồng đó có bình đẳng, cùng có lợi không, khi mà Bắc Kinh quyết đòi các nước phải chấp nhận chủ quyền biển của Trung Quốc trong phạm vi đường 9 đoạn, theo yêu sách chủ quyền lịch sử (điều mà phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 đã bác bỏ). ASEAN không bao giờ muốn đối đầu với Trung Quốc, nhất là về quân sự. Hà cớ gì Trung Quốc gia tăng “sức mạnh cơ bắp” nhiều như vậy?
Trung Quốc nói do Mỹ và đồng minh lợi dụng tự do hàng hải, đe dọa, phá hoại an ninh, chủ quyền, chia rẽ, cản trở sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc! Đúng là căng thẳng Mỹ - Trung, sự hiện diện của nhiều nước làm khu vực “tăng nhiệt”, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột giữa các nước lớn. Nhưng theo nhiều học giả quốc tế, cho đến nay, về cơ bản, các hoạt động vì an ninh an toàn hàng hải (FONOPs) và hoạt động qua lại của tàu quân sự của các nước ở Biển Đông không trái với UNCLOS 1982. Trong khi đó, chính Trung Quốc lại đưa tàu hải cảnh, dàn khoan nước sâu cùng nhiều tàu hộ tống xâm nhập, cản trở hoạt động kinh tế, dân sự hợp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.
Trung Quốc nêu quan điểm rằng các nước ASEAN muốn hợp tác với bên thứ ba ở Biển Đông, kể cả ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, phải thông báo và được sự đồng ý của các bên liên quan. Dư luận hỏi: Có công bằng không? Hay đây cũng chỉ là một dạng “tiêu chuẩn kép” và quyền thuộc về bên mạnh? Hỏi cũng là để tự trả lời.
ASEAN có thể làm gì?
Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi cùng ASEAN xây dựng một cộng đồng gần gũi hơn với một tương lai chung. (Nguồn: AP) |
Lời của Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định vị thế, quyết tâm của Trung Quốc. Nhưng cũng cho thấy họ đang chịu áp lực quốc tế đáng kể, trên nhiều mặt. Nhất là “mặt trận đồng minh, đối tác” kiềm chế Trung Quốc do Mỹ khởi xướng đang hình thành, mở rộng. Nên việc kết hợp “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm”, lúc “căng” lúc “chùng” cũng là chuyện thường làm. Có điều, với bối cảnh, cục diện thế giới, khu vực hiện nay, xu thế đa cực, sự cảnh giác của cộng đồng quốc tế thì không phải Bắc Kinh muốn làm gì cũng được.
ASEAN sẽ chịu tác động nhiều mặt. Để hạn chế tiêu cực, ASEAN cần đoàn kết, thống nhất hơn bao giờ hết. Càng đoàn kết, thống nhất, càng có điều kiện giữ vững độc lập, tự chủ, càng củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế khu vực. Vai trò càng được củng cố thì giá trị của ASEAN đối với các nước lớn càng cao. Với tư cách một đối tác bình đẳng, ASEAN cần chủ động hơn trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và các nước khác, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực.
ASEAN cũng không nên để bị cuốn vào xu hướng tập hợp lực lượng “loại trừ Trung Quốc”. Trong quá khứ và hiện tại, xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng cho thấy quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc không thể tách rời. Có điều, phải xây dựng quan hệ đó theo hướng thực chất, cùng có lợi và bình đẳng: Thúc đẩy quan hệ hợp tác, vừa hợp tác vừa đối thoại, đàm phán, xử lý các mâu thuẫn, khác biệt.
Tồn tại nhiều độ chênh quá lớn
Tin liên quan |
Biển Đông, cũ và mới, ủng hộ và lo ngại |
Năm 2020, các nước ASEAN đã thống nhất định hướng cho giai đoạn mới, tạo đường băng để tiếp tục xây dựng, phát triển Cộng đồng trên cả 3 trụ cột. Có nhiều việc lớn cần làm. Trong đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan khác ở Hà Nội năm 2020 khẳng định thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là một ưu tiên. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà tuyên bố kết thúc đàm phán COC trong năm 2021 của Trung Quốc rất khó, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Trước hết, bởi độ chênh quá lớn về tuyên bố chủ quyền, nhất là yêu sách chủ quyền lịch sử theo đường 9 đoạn và thuyết “Tứ Sa" của Trung Quốc. Các “đảo nhân tạo” được quân sự hóa ở khu vực quần đảo Trường Sa đã phá vỡ nguyên trạng. Nếu ASEAN chấp nhận sự đã rồi, là trái với UNCLOS 1982 và rơi vào thế bất lợi. ASEAN và nhiều nước khác muốn COC có tính ràng buộc, thực chất, hiệu lực, hiệu quả. Nhưng Trung Quốc thích dạng văn bản nửa chính trị, nửa pháp lý, ngoại giao, càng ít ràng buộc càng tốt. Một số nước ASEAN có tính toán riêng, bị chi phối về lợi ích kinh tế. Nguyên tắc đồng thuận gây khó cho ASEAN trong thống nhất phương án chung theo yêu cầu của đa số. Đúng là bên cần nhưng bên chưa vội.
Cần một văn bản ràng buộc, hiệu lực, hiệu quả
ASEAN cần kế thừa mặt tích cực, cố gắng khắc phục hạn chế của DOC ở mức cao nhất có thể, được các bên chấp nhận. Xây dựng COC đủ mạnh, có ràng buộc, chứ không phải việc thực hiện tùy vào thiện chí của các bên. Đặc biệt cần xác định rõ chủ thể, phạm vi, nguyên tắc chuẩn mực, quy định cụ thể những hành vi không được tiến hành…, tránh những quy định khung để các bên có thể tùy ý giải thích, vận dụng có lợi cho mình.
COC không có đầy đủ giá trị pháp lý như một điều ước quốc tế, nhất là hệ quả pháp lý đối với các hành vi vi phạm. Nhưng COC cần cụ thể những quy phạm hành vi liên quan đến chuẩn mực, nguyên tắc của luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Từ đó, quy định cho phép khởi động các cơ chế liên quan của luật pháp quốc tế khi xảy ra các vi phạm nghiêm trọng.
Biển Đông không phải là chuyện riêng của các nước ven biển, để “đóng cửa bảo nhau”. Đồng thời, cùng với phát huy nội lực, ASEAN cần tranh thủ sự ủng hộ quốc tế về mọi mặt, trong đó có phương diện pháp lý, truyền thông.
Đàm phán xây dựng COC rất quan trọng, rất cần thiết, góp phần duy trì trật tự dựa trên luật pháp, kiềm chế xung đột ở khu vực, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Nhưng quan trọng và cần thiết hơn là kiên trì hướng tới một văn bản ràng buộc, hiệu lực, hiệu quả hơn là nóng vội thỏa hiệp một văn bản không như mong muốn của ASEAN và cộng đồng quốc tế.