Mỹ luôn coi Tokyo là đối tác ưu tiên tại châu Á. Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Kyodo News) |
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) - viện nghiên cứu chính sách độc lập có tiếng tăm của Mỹ mới đây đã đưa ra những phân tích, nhận định về sự chuẩn bị của Tokyo trước thềm bầu cử ở xứ cờ hoa.
Theo đó, liên minh an ninh Mỹ-Nhật đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua dưới các đời chính quyền khác nhau. Trong bối cảnh an ninh khu vực phát đi tín hiệu xấu, Washington đang tăng cường phối hợp với Tokyo nhằm bổ sung năng lực răn đe với Bắc Kinh.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng coi Tokyo là đối tác ưu tiên tại châu Á và nhất trí phát huy tầm nhìn chiến lược về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, duy trì an ninh, ổn định và thịnh vượng tại một trong những khu vực năng động nhất thế giới. Xu hướng hợp tác này tăng tốc dưới thời Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Kishida Fumio.
Trong bối cảnh đó, theo phân tích của CSIS, xứ sở Mặt trời mọc đang chuẩn bị sẵn phương án ứng phó với các kịch bản bầu cử Tổng thống Mỹ. Nếu ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, Tokyo sẽ tìm cách duy trì lập trường thống nhất với Washington trong cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, đồng thời giảm thiểu chính sách đơn phương của ông Trump về vấn đề Triều Tiên và vận động Bình Nhưỡng đẩy mạnh hợp tác.
Với tư cách đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, quốc gia Đông Á sẽ nỗ lực duy trì nguồn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh vai trò lãnh đạo của Washington trong hệ thống kinh tế quốc tế trước viễn cảnh ông Trump tái áp đặt chính sách phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, chính quyền tân Thủ tướng Ishiba Shigeru có khả năng nâng cấp ngành công nghiệp quốc phòng nội địa nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, cũng như khuyến khích Nhà Trắng củng cố liên minh với các đối tác trong khu vực, gồm Australia và nhóm Bộ tứ (Quad).
Ngược lại, các chuyên gia của CSIS cho rằng, trong trường hợp bà Kamala Harris thắng cử, Tokyo kỳ vọng tiếp nối động lực phát triển của quan hệ song phương, theo dõi kỹ lưỡng chính sách tiếp cận Trung Quốc, đường lối kinh tế và xây dựng quan hệ đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ứng viên Đảng Dân chủ.
Bên cạnh đó, chính quyền ông Ishiba Shigeru sẽ vận động bà Harris triển khai chính sách kinh tế tiến bộ, giảm bớt lo ngại kịch bản Mỹ rút khỏi hệ thống thương mại đa phương, vốn buộc Nhật Bản và các nước khác tái xây dựng quy tắc và chuẩn mực kinh tế mới mà không có sự dẫn dắt của Washington.
Bất kể ai đắc cử vào tháng 11, Nhật Bản vẫn là đối tác không thể thiếu của Mỹ tại địa bàn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Không đồng minh nào của Washington có khả năng định hình mạnh mẽ trật tự khu vực dựa trên luật lệ như Tokyo.
Do đó, Nhà Trắng cần tăng cường quan hệ với quốc gia Đông Á và các nước có cùng chí hướng, nhằm duy trì vai trò trung tâm của mạng lưới liên minh do Mỹ dẫn dắt trong bảo đảm hòa bình và thịnh vượng khu vực.
Trên cơ sở đó, theo CSIS, vị Tổng thống Mỹ sắp tới có thể xem xét một số gợi ý chính sách như sau:
Một là nâng tầm khả năng phối hợp của liên minh. Trong chuyến thăm Washington của Thủ tướng Kishida Fumio tháng 4/2024, Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí cam kết nâng cấp bộ phận chỉ huy liên minh, giúp bổ sung khả năng phối hợp giữa quân đội hai bên trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp. Tổng thống mới của Mỹ nên tìm cách thúc đẩy cơ chế trên bằng việc yêu cầu Quốc hội cung cấp nguồn lực tài trợ và duy trì hợp tác công nghiệp quốc phòng.
Hai là củng cố mạng lưới đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thời gian gần đây, Mỹ và Nhật Bản đạt nhiều tiến bộ trong xây dựng liên kết với các đối tác thứ ba, bao gồm Hàn Quốc, Australia và Philippines, qua đó ngăn Trung Quốc tìm cách chia rẽ mạng lưới đồng minh do Washington triển khai trong khu vực. Ngoài ra, các cơ chế như Bộ tứ (Quad) nên phát huy vai trò cung cấp tài trợ cho nhóm các nước đang phát triển vì tương lai ổn định và thịnh vượng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.