📞

Doanh nghiệp Trung Quốc "vật lộn" đối phó với thuế quan

Linh Chi 14:30 | 07/08/2019
TGVN. Nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc đang phải thu hẹp quy mô, sa thải công nhân và tăng tốc kế hoạch di dời nhà máy khỏi quốc gia này sau tuyên bố tăng thuế mới đây từ Tổng thống Trump.
Mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9, phần lớn sẽ “nhắm” tới các sản phẩm tiêu dùng, bao gồm đồ chơi, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. (Nguồn: SCMP)

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang “vật lộn” với "sức nặng" của mức thuế quan của Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại kéo chưa có hồi kết. Tuyên bố mới đây của Chính quyền Tổng thống Trump về việc sẽ áp mức thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc càng khiến doanh nghiệp Trung Quốc thêm bất ổn. Những lo ngại ngày càng sâu sắc khi nhiều chuyên gia dự báo, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc sẽ còn tiếp tục leo thang.

Mức thuế mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9, phần lớn sẽ “nhắm” vào các sản phẩm tiêu dùng, bao gồm đồ chơi, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác.

Norman Cheng, chủ sở hữu của Strategic Sports, một công ty sản xuất mũ bảo hiểm xe đạp, xe máy và thể thao mạo hiểm hàng đầu được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư Hong Kong đang sản xuất tại Đông Quan, tỉnh Quảng Đông cho hay, những sản phẩm của Strategic Sports chưa có trong danh sách bị áp thuế, nhưng có thể bị “đánh” thuế bất cứ lúc nào.

“Cuối cùng, chúng tôi phải bắt đầu kế hoạch di dời công ty. Vì không có bất kỳ sự chắc chắn nào nên chúng tôi cần một kế hoạch dự phòng đầy đủ để đối phó với các mức thuế”, Norman Cheng nói. Norman Cheng cũng cho biết, công ty của anh đã cân nhắc việc di dời sang Mỹ. Tuy nhiên, đối với công việc của công ty Strategic Sports, rất khó tìm kiếm công nhân tại Mỹ.

Theo ông Chai Kwong-wah, Phó Giám đốc Phòng Thương mại Hong Kong (Trung Quốc), quy mô của nhiều nhà máy sản xuất đồ chơi ở tỉnh Quảng Đông đang bị thu hẹp. Không chỉ thế, một số lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân nhỏ đã đóng cửa vì tác động thuế quan từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ông Chai Kwong-wah đang điều hành một nhà máy sản xuất đồ chơi ở Thâm Quyến, sản xuất các sản phẩm Hello Kitty cho Nhật Bản, búp bê và động vật Disney cho Mỹ và châu Âu. Các nhà máy của ông Chai Kwong-wah đã từng có 2.000 đến 3.000 công nhân ở Thâm Quyến nhưng hiện tại đã đóng cửa, sa thải công nhân và chuyển sản xuất sang Indonesia, tuyển dụng hơn 10.000 công nhân ở nước này.

“Di chuyển nhà máy đến Indonesia, vấn đề tìm kiếm nhân lực tương đối dễ dàng, tuy nhiên, chuỗi cung ứng lại chưa thực sự tốt. Hiện tại, công ty chưa có lựa chọn nào thực sự hoàn hảo nhưng việc di dời nhà máy vẫn phải tiến hành bởi không thể tiếp tục ở lại Trung Quốc với nhiều nỗi lo”, ông Chai Kwong-wah nói.

Chỉ một số ít nhà sản xuất thiết bị điện tử cho rằng, họ sẽ có thể đối phó với mức thuế 10% mới, mặc dù họ thừa nhận mối lo ngại về sự không chắc chắn của cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ làm suy yếu niềm tin chung của thị trường.

Aaron, người sáng lập Simtoo Intelligence Technology, xuất khẩu tới 50.000 máy bay không người lái hàng năm, chủ yếu sang thị trường Mỹ bày tỏ, máy bay không người lái được sản xuất tại Trung Quốc vẫn cạnh tranh ở thị trường nước ngoài bởi lợi thế lớn về giá cả và công nghệ. "Không khó để chúng tôi tìm cách bù đắp mức thuế quan từ Chính quyền Tổng thống Trump. Nhưng vì những diễn biến khó lường của thương chiến Mỹ - Trung, một trong những khách hàng lớn nhất trước đây đã từng đặt hàng 20.000 máy bay không người lái mỗi năm, giờ đã bắt đầu đặt hàng 2.000 chiếc mỗi tháng một lần", Aaron cho biết.

(theo SCMP)